Cần sớm thay thế nhà thầu thi công Thủy điện Thượng Kon Tum

10:59 01/12/2014
Nhà thầu Trung Quốc thi công chậm tiến độ, 95% thời gian chỉ thi công được khoảng 24% khối lượng dự án; đòi nhiều khoản “bồi thường” vô lý và cuối cùng bỏ về nước, “số phận” của Thủy điện Thượng Kon Tum hiện vẫn đang treo lơ lửng, mặc dù theo quy hoạch điện VII sẽ đi vào khai thác từ năm 2015.
Nhiều sự cố vô lý xảy ra trên công trường, nhưng không hiểu sao chủ đầu tư và tư vấn giám sát vẫn “làm lơ” cho nhà thầu trong một thời gian dài, cho đến khi họ làm quá, bỏ thi công. Dù dự án đang trong quá trình tìm nhà thầu thay thế, nhưng thiệt hại là chưa thể tính được, khi nhà thầu Trung Quốc tỏ ra rất thiếu hợp tác, không chịu bàn giao hồ sơ thiết kế và các tài liệu liên quan.

Báo cáo chính thức của Bộ Công Thương gửi Quốc hội về dự án này cho biết: Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên sông Đắk Nghé (nhánh thượng nguồn của sông Sê San), được Thủ tướng Chính phủ cho phép Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đầu tư năm 2006, với công suất lắp máy 220 MW. Dự án được khởi công vào tháng 9 năm 2009, với tổng vốn đầu tư hơn 5.744 tỷ đồng (30% là vốn tự có của chủ đầu tư, còn lại là đi vay), mục tiêu đưa vào vận hành năm 2015. Tuy vậy, thực tế diễn biến không thuận lợi như dự định từ đầu 2014, nhà thầu Trung Quốc đã ngừng thi công ở một số hạng mục và thi công cầm chừng ở một số hạng mục khác. Bắt đầu từ tháng 5, nhà thầu nêu nhiều lý do để chấm dứt hợp đồng và đến ngày 18/7 vừa qua đã dừng thi công hoàn toàn trên tất cả các hạng mục Tuyến năng lượng.

Thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: Icon.

Theo hợp đồng, thời gian thực hiện gói thầu là 42 tháng, nhưng sau 40 tháng thi công chỉ đạt được 24% khối lượng, trong đó phần đào hầm dẫn nước bằng máy đào hầm chỉ đạt 15%. Nguyên nhân được Bộ Công Thương cho biết, đối với mũi thi công đào 5.000m đoạn đầu đường hầm dẫn nước từ thượng lưu về hạ lưu, nhà thầu đưa ra những đòi hỏi bất hợp lý như chi phí điện, nước, thông gió, chiếu sáng quá cao. Đối với mũi thi công đào đường hầm dẫn nước từ hạ lưu lên thượng lưu, đội ngũ nhân sự quản lý vận hành không có năng lực phù hợp, thiếu kinh nghiệm vận hành, không bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất đã làm cho TBM (một dạng máy đào hầm) hoạt động không ổn định, liên tục bị sự cố; hệ thống thiết bị phụ trợ thường bị hỏng, thời gian dừng máy để sửa chữa băng tải và thay dao cắt chiếm tỷ lệ rất lớn; thiết bị vật tư dự phòng thiếu và thường không tương thích. Ban Điều hành của nhà thầu Trung Quốc trên công trường thiếu kinh nghiệm trong quản lý thi công, có thái độ hợp tác không tốt với chủ đầu tư, tư vấn giám sát và với các đơn vị có liên quan, kể cả với chính quyền địa phương.

Bộ Công Thương cũng cho biết, tổ hợp nhà thầu Trung Quốc theo hợp đồng là Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18 (CR18) và Viện Hoa Đông chỉ hoạt động khá tốt được một thời gian ngắn, sau đó xảy ra bất đồng nên CR18 rút toàn bộ nhân lực, và Viện Hoa Đông đã thuê lại nhiều thầu phụ từ Trung Quốc sang để thi công, nhưng chủ đầu tư không hề hay biết?! Do mỗi thầu phụ thi công một hạng mục công trình (có cả doanh nghiệp tư nhân) và các thầu phụ cũng thay đổi liên tục do giá cả Viện Hoa Đông trả không hợp lý, bản thân Viện Hoa Đông lại thiếu kinh nghiệm quản lý và thi công nên khi điều hành đội ngũ nhà thầu phụ thiếu năng lực dẫn đến chậm trễ tiến độ công trình. Chưa kể đến vấn đề tài chính của nhà thầu cũng khó khăn, vì công ty mẹ bên Trung Quốc không chuyển tiền qua Việt Nam, nhà thầu chỉ sử dụng tiền tạm ứng và thanh toán của chủ đầu tư để thi công, nên trong thời gian dài đạt khối lượng rất ít.

Không dừng lại đó, nhà thầu cũng đã cố tình nâng giá trị bổ sung, phát sinh trong quá trình thi công, lợi dụng một số khó khăn xảy ra trên công trường như sự cố điện, tắc đường trong mùa mưa bão, vấn đề nước ngầm trong đường hầm... để nâng khống giá trị khối lượng bổ sung, phát sinh (mà họ gọi là bồi thường) lên đến hơn 800 tỷ đồng. Bộ Công Thương cho biết các chi phí này hoàn toàn vô lý, không có cơ sở, và cũng không phù hợp với quy định của hợp đồng và đã bị chủ đầu tư phản bác, từ chối chi trả. 

Đứng trước thái độ quá quắt này của nhà thầu, chủ đầu tư thậm chí còn đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính để họ đẩy nhanh tiến độ thi công như: ngoài tạm ứng theo hợp đồng, cho tạm ứng thêm 31 tỷ đồng để xây dựng công trình phụ trợ; tạm ứng 500.000 USD để mua thiết bị dự phòng cho TBM; tạm thanh toán chi phí trượt giá khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt 20 tỷ đồng; trả thay tiền điện thi công của nhà thầu cho Công ty Điện lực Kon Tum 2,55 tỷ đồng. Chưa kể đến, việc thanh toán khối lượng hoàn thành được thực hiện chậm nhất trong vòng 1 tuần lễ, dù theo hợp đồng là trong vòng 56 ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà thầu vẫn còn nợ tiền tạm ứng ngoài hợp đồng là 24 tỷ đồng. Mặc những điều đó, những gì diễn ra tiếp theo đã rõ.

Trước thái độ thiếu thiện chí của nhà thầu, chủ đầu tư đã có thông báo chấm dứt hợp đồng; thu hồi toàn bộ giá trị bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng của nhà thầu. Tuy nhiên, nhà thầu này đã cố tình không bàn giao hồ sơ tài liệu, vật tư thiết bị và mặt bằng thi công trên công trường, nên kế hoạch chấm dứt hợp đồng đang gặp nhiều vướng mắc, khó có thể hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Được biết chủ đầu tư cũng đã cùng với các chuyên gia hội thảo, đưa ra các phương án thay thế cả về kỹ thuật và nhà thầu thực hiện, nhưng số phận của dự án ra sao, vẫn cứ phải đợi kết quả đàm phán với nhà thầu Trung Quốc này.

Nam Phương

Chiều 10/1, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Phạm Quốc Nam, cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu về hành vi vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Mua bán trái phép hóa đơn GTGT, trốn thuế, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Cổ phần xi măng Hạ Long, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc của công ty này.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty Trung Hậu 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.

Theo điều tra, Công ty CP đầu tư xây dựng Hùng Phát Group (có địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nay đổi tên thành Công ty CP tập đoàn đầu tư Hùng Phát Group (địa chỉ số 6 phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Lê Phú Long (SN 1989, quê quán tỉnh Thanh Hóa, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là đại diện pháp luật.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai đã sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Mai còn dùng hai hệ thống sổ sách kế toán để không đóng hàng chục tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với 144 bị cáo có đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ngày 10/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 7 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文