Cần xử phạt nặng để răn đe sự không minh bạch thông tin trên TTCK

07:43 07/04/2009
Minh bạch thông tin của các doanh nghiệp (DN) niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là câu chuyện thời sự mà các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm. Đã qua rồi cái thời các NĐT ném tiền lên sàn theo phong trào, bây giờ, người ta cần thông tin chuẩn xác để có thể cân nhắc trước khi rút ví. Điều này không những tránh được rủi ro cho NĐT mà còn khẳng định tính chuyên nghiệp cho thị trường.

UBCKNN đang soạn thảo văn bản mới thay thế cho Thông tư 38 hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK.

DN đối phó, NĐT lãnh hậu quả

Năm 2008, TTCK đã chứng kiến những vụ khá ầm ĩ trong việc công bố thông tin trên thị trường như trường hợp DN Bông Bạch Tuyết (mã BBT) biến lỗ thành lãi, thậm chí, đến cả "đại gia" STB cũng có vấn đề về thông tin. Thường thì các báo cáo tài chính (BCTC) quý của các DN luôn sạch sẽ, đẹp đẽ, cho đến khi tổng kết báo cáo tài chính năm, có những DN mới lộ ra nhiều vấn đề không khớp với báo cáo quý.

Nhà đầu tư cần một bản báo cáo tài chính minh bạch.

Ông Phan Minh Tuấn, Giám đốc kiêm trưởng đại diện Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital (DC) cho rằng, việc các DN công bố báo cáo như thời gian qua là cách làm đối phó. Ngay cả việc công bố thông tin theo quy định bắt buộc, thì nhiều DN cũng chưa làm được. Trong quá trình nghiên cứu thông tin DN công bố, DC thấy rằng, BCTC của DN chưa kiểm toán, khác nhiều so với báo cáo sau khi kiểm toán, thuyết minh BCTC không có, nếu có thì thiếu đầy đủ so với yêu cầu, các khoản đầu tư tài chính chưa được dự phòng đúng mức, không công bố chi phí mua và giá trị thị trường hiện tại.

Nói chung, báo cáo của DN thường rất đẹp bề ngoài, nhưng bên trong thiếu rất nhiều thông tin mà cổ đông quan tâm. Về vấn đề này, ông Bùi Văn Mai, Tổng Thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề (VACPA) cho rằng nên có ý kiến của kiểm toán viên trong các BCTC tóm tắt, BCTC thường niên... Ông Mai cũng cho rằng tại dự thảo thông tư trên nên có quy định về nghĩa vụ báo cáo đến UBCK của công ty kiểm toán.

Nâng mức xử phạt, quy định cụ thể

Nhiều người cho rằng, sở dĩ các DN niêm yết không chấp hành nghiêm việc minh bạch thông tin là vì chế tài xử phạt quá nhẹ và thậm chí, các quy định về xử phạt hành vi cũng không rõ ràng và cụ thể.

TS Nguyễn Sơn, Trưởng Ban Phát triển thị trường UBCKNN cho biết: Sau đề xuất của UB, Chính phủ đã đồng ý nâng mức phạt tối đa đối với các hành vi sai phạm trên TTCK lên tới 500 triệu đồng, thay cho mức tối đa chỉ 70 triệu đồng như trước đây. Chính vì vậy, UB đang gấp rút hoàn thiện những quy định pháp lý mới về chế độ công bố thông tin của DN trên TTCK…

Làm thế nào để các DN đặt quyền lợi của NĐT lên hàng đầu? Giám đốc quản lý rủi ro Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nêu ra, trong dự thảo quy định yêu cầu CTCK và công ty quản lý quỹ phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ sau khi có thông tin liên quan đến công ty có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của NĐT.

Đại diện Công ty cổ phần Xây dựng số 2 (VC2) cho rằng, dự thảo quy định DN phải công bố BCTC quý (3 tháng/lần) có ý kiến soát xét của tổ chức kiểm toán là khó khả thi và gây nhiều khó khăn cho DN. Trên thực tế, với hơn 300 DN niêm yết mà số lượng các công ty kiểm toán được UBCKNN chỉ định lại có hạn, chưa kể thời gian phải nộp BCTC cũng ngắn thì liệu có bất cập?

TS Nguyễn Sơn cho biết: Về chất lượng BCTC của các DN, Thông tư 38 không quy định có ý kiến soát xét của kiểm toán, vì vậy dễ dẫn đến việc DN có thể biến báo số liệu tài chính, nên văn bản mới sẽ khắc phục nhược điểm này. Quy định mới sẽ buộc DN phải công bố thông tin về tiến độ sử dụng vốn sau khi phát hành. Theo đó, DN phải báo cáo 6 tháng/lần việc sử dụng vốn như thế nào, có đúng với cam kết và lộ trình triển khai hay không, kể cả việc DN phải chuyển ngang dự án cũng phải báo cáo và công bố cho các NĐT biết.

Ông Sơn cho rằng việc liệt kê những thông tin nào là thông tin ảnh hưởng tới giá cổ phiếu là điều không dễ, cho nên sẽ còn có các văn bản dưới thông tư để hướng dẫn thêm cũng như sự phối hợp của cả UBCK, các Sở trong quá trình thực hiện.

Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch UBCKNN khẳng định: Về các chế tài xử phạt đối với sai phạm trong công bố thông tin, Dự thảo mới sẽ nâng cao hình thức xử phạt đủ nặng để các DN niêm yết tuân thủ nghiêm túc quy định công bố thông tin. UBCKNN dự kiến, Dự thảo mới sẽ ban hành trong tháng 4/2009

Lệ Thúy

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文