“Chợ phiên hàng Việt”, lối ra cho nông sản tại thị trường nội địa
Từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ nhưng cuối cùng cũng chỉ loay hoay, chưa có giải pháp hữu hiệu.
Mới đây, một “phiên chợ” lần đầu tiên tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với tên gọi “Chợ phiên hàng Việt và nông sản sạch” đã “kết nối” được nhiều doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, câu lạc bộ đặc sản của các tỉnh, các đại sứ hàng Việt và gần 1.000 tiểu thương các chợ để cùng tháo gỡ vướng mắc này. Sau buổi “kết nối”, nhiều doanh nghiệp cho biết đã bước đầu tìm được “đầu ra” cho sản phẩm mình.
Hành tím Vĩnh Châu là mặt hàng khiến nông dân khốn đốn trong thời gian qua vì được mùa... mất giá. Để “giải cứu” loại nông sản này, một số siêu thị như Co.op Mart, Big C... đã giúp thu mua của nông dân số lượng lớn, rải khắp hệ thống siêu thị trên cả nước. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân cũng “vào cuộc” kêu gọi người tiêu dùng chung tay tiêu thụ giúp hành tím. Nhờ sự giúp đỡ của nhiều người, nhiều nguồn, sản phẩm hành tím cuối cùng cũng được tiêu thụ hết, nhưng điều đáng nói là do bí “đầu ra” nên người trồng hành tím phải bán đổ, bán tháo với giá rất thấp.
Hiện, mùa hành tím đã qua và Vĩnh Châu đang vào vụ tỏi, để tránh “bị động” như hành tím, Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu đã đem sản phẩm tỏi của hợp tác xã đến tham gia “phiên chợ”, giới thiệu đến người tiêu dùng biết đến chất lượng sản phẩm, cũng như quảng bá đến tiểu thương, các hệ thống phân phối với mục đích tìm “đầu ra”.
Ông Sơn Minh Thành - Giám đốc Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu cho biết: “Tỏi Vĩnh Châu hiện đang vất vả để cạnh tranh tỏi Trung Quốc giá chỉ có 30.000 - 35.000 đồng/kg trong khi tỏi Vĩnh Châu có giá 100.000 đồng/kg. Vì vậy, để người tiêu dùng tin tưởng chỉ còn có cách là tiếp xúc với họ thật nhiều, phải thuyết phục để họ phân biệt sự khác nhau giữa tỏi Vĩnh Châu với tỏi Trung Quốc. Phải cho người tiêu dùng biết chất lượng tỏi Vĩnh Châu thơm ngon hơn, quy trình trồng sản phẩm sạch để họ yên tâm về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm”. Kết quả, tỏi Vĩnh Châu mang đi giới thiệu tại phiên chợ cung không đủ cầu. Nhiều tiểu thương đã xin địa chỉ của Hợp tác xã để đặt hàng, tiêu thụ lâu dài tại thị trường nội địa.
Thực tế, có rất nhiều loại sản phẩm nông nghiệp Việt tiêu thụ rất mạnh tại các hệ thống siêu thị, nhưng lại bị thất bại ngay khi vừa ra sạp chợ. Nguyên nhân là do các mặt hàng này, trước khi đưa vào hệ thống siêu thị phải qua kiểm duyệt gắt gao từ vùng nguyên liệu, quy trình chăm sóc... cho đến khi thu hoạch, đưa ra thị trướng tiêu thụ. Quy trình này được thực hiện trực tiếp từ người nông dân đến hệ thống phân phối không qua hệ thống trung gian. Trong khi đó, sản phẩm bán tại chợ phần lớn phải qua thương lái, nên sản phẩm bị trà trộn hàng giả, kém chất lượng...khiến người tiêu dùng ngần ngại. Và “khúc mắc” này cũng đã được giải quyết ngay tại “phiên chợ”.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp, nhà vườn ở các địa phương đã mang các sản phẩm của mình đến “phiên chợ” để giới thiệu trực tiếp đến tiểu thương, người tiêu dùng. Do sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh nên được tiêu thụ rất mạnh như: Nho sạch Ninh Thuận, kiệu sạch Đồng Tháp... Đặc biệt, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà vườn kết nối được với các tiểu thương để cung cấp hàng trực tiếp vào chợ, không qua thương lái.
Sau khi tham gia buổi “kết nối”, nhiều nhà vườn đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của tiểu thương các chợ. Bước đầu đó là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, để sản phẩm đứng vững và ổn định tại thị trường nội địa thì rất cần sự nỗ lực của các bên. “Cần tổ chức nhiều buổi “kết nối” như thế này, đó là cơ hội giúp nhà sản xuất quảng bá, giới thiệu nông sản đến người tiêu dùng để “đầu ra” sản phẩm của nông dân ổn định hơn”, ông Dương Nguyễn Minh Kha - Phó Giám đốc kinh doanh Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước đề nghị.