Chọn lọc vốn FDI để tránh nhập khẩu công nghệ cũ
- Giá trị thương hiệu Việt “vào tay” doanh nghiệp FDI
- EVFTA mở ra trang mới trong thu hút FDI của Việt Nam
Theo số liệu công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, thu hút FDI đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng bốn năm trở lại đây.
Cụ thể, tính đến ngày 20-5-2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Kỹ năng lao động, cơ sở hạ tầng… là lựa chọn mới của DN FDI. |
Nổi bật, trong tổng vốn FDI Việt Nam thu hút được, vốn FDI từ Trung Quốc là 2 tỷ USD, chiếm 12%, xếp thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ sau Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore. Nếu tính riêng vốn đăng ký cấp mới, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu.
“Việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong khu vực. Trong các năm tới, chúng tôi đánh giá cao triển vọng thu hút vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Các dự án đầu tư sẽ đến từ 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến và giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, vật liệu xây dựng) và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử). Trong đó, nhóm cuối cùng chủ yếu dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Microsoft… Triển vọng giải ngân vốn FDI tích cực hơn do số lượng dự án tầm trung, quy mô vốn 100-500 triệu USD tăng cao hơn”, các chuyên gia đến từ Rồng Việt nhận định.
Những cơ hội dường như khá rõ ràng, tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa cơ hội đó đến đâu còn phụ thuộc vào cách tiếp cận của khu vực doanh nghiệp nói riêng và định hướng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Tại Hội thảo công bố kinh tế vĩ mô quý II diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, đối với các quốc gia có công nghệ phát triển như Nhật hay Mỹ, khi muốn tìm một nơi để đầu tư dài hạn thì họ cân nhắc rất kỹ giữa Việt Nam với Ấn Độ hay Indonesia. Riêng đối với doanh nghiệp Trung Quốc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao và Hiệp định CPTPP khiến Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam.
Hiện tại vốn đăng ký mới của riêng Trung Quốc đã chiếm 22,6% tổng vốn. Tuy nhiên, nếu không có chọn lọc, doanh nghiệp FDI Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động môi trường, điều kiện lao động... Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong quá trình ký kết các FTA thế hệ mới.
“Cần đánh giá lại vị trí của khu vực FDI trong khuyến khích tăng trưởng kinh tế; ưu tiên dòng vốn từ nước ngoài kết hợp với việc chuyển giao công nghệ cao, nâng cao chất lượng lao động… hơn là tập trung vào số lượng. Việc Việt Nam tham gia vào các FTA thế hệ mới cũng tạo áp lực để Nhà nước xây dựng khung đánh giá, kiểm soát chất lượng dòng FDI”, ông Thành khuyến cáo.