Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn nợ đọng hơn 9.600 tỷ đồng

09:52 02/02/2017
Tổng nợ đọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới còn lại đến tháng 12-2016 là khoảng 9.654 tỷ đồng so với mức 15.277 tỷ đồng vào đầu năm 2016.

Đến hết năm 2016, cả nước có 2.358 xã đạt 19 tiêu chí, tăng thêm 1,43% so với mục tiêu năm 2016. Hiện còn 257 xã mới đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 69 xã so với cuối năm 2015). Đã có 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Trước đó, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10-2016 cho biết: Đến thời điểm đó đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới, có 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt.

Về nguồn lực, đã huy động được trong năm 2016 khoảng 228.398 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 7.374 tỷ đồng (3,2%). Đáng chú ý nhất là xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cũng có bước chuyển biến đáng ghi nhận. Tổng hợp nhanh của 25 tỉnh có số nợ lớn, đến nay có 17 tỉnh đã giảm được 5.624 tỷ đồng (36,8%). Tổng nợ còn lại đến tháng 12-2016 là khoảng 9.654 tỷ đồng so với mức 15.277 tỷ đồng vào đầu năm 2016. 

Một trong những vấn đề tồn tại của chương trình được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhắc đến chính là nguồn lực: Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu, chưa đảm bảo theo quy định. Vốn ngân sách bố trí trực tiếp đạt thấp, chỉ đạt 12,1% (quy định 17%); vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn đạt 19,5% (quy định 23%); vốn huy động từ doanh nghiệp chỉ đạt 5,3% (quy định 20%)...
Các địa phương vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản chương trình nông thôn mới hơn 9.600 tỷ đồng.

Để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Tại thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc. 

Đáng lưu ý, số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, chiếm 75,3% tổng số nợ đọng), là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ.

Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tổng kết 7 bài học kinh nghiệm, từ việc phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở; phát huy cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh nôn nóng chạy đua thành tích; đề cao vai trò giám sát của cộng đồng dân cư; gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao thu nhập và đời sống người dân... đặc biệt là cần có giải pháp huy động và bố trí nguồn lực hợp lý để đạt mục tiêu và cần thường xuyên sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để phù hợp với đặc điểm từng địa phương. 

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ khẩn trương có văn bản hướng dẫn Bộ tiêu chí nông thôn mới gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung vào cẩm nang hướng dẫn, làm căn cứ để các tỉnh quyết định thực hiện cụ thể trên từng địa bàn, hoàn thành trong quý I năm nay.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện thông qua các hình thức lồng ghép các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa  - thể thao; công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua. 

Về cơ chế để lại 80% tiền bán đất cho xã, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp xem xét, báo cáo Thủ tướng theo hướng giao tỉnh điều tiết cụ thể, hoàn thành trong quý I này.

Vũ Hân

Theo báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quý I/2024 của UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết các cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chủ động hơn trong kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực còn chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ chưa thường xuyên…

Bằng chiêu trò ủy quyền qua nhiều đầu mối trung gian, các đối tượng đã tạo lòng tin cho nhà đầu tư mua những mảnh đất giá rẻ, sau đó âm thầm khởi kiện hoặc đưa ra kịch bản đang tranh chấp để lấy lại đất từ chính người được ủy quyền mà không hề thông báo cho người mua cuối cùng được biết.

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.

Giả danh cơ quan Công an gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải thủ đoạn mới nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy. Mới đây, Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản 15 tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文