ĐBSCL: Hết lo rùa tai đỏ lại đến tôm hùm đỏ
Từ rùa tai đỏ…
Rùa tai đỏ (RTĐ) là loài vật nằm trong danh sách 100 loài xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Vậy mà RTĐ lại được Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex) nhập vào Việt Nam và nuôi nhốt ở Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản (ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long).
Đầu tháng 4/2010, Công ty Caseamex đã nhập về 2 đợt RTĐ từ Mỹ với số lượng 40 tấn, tương đương 26.300 con để làm thực phẩm tươi sống theo giấy phép số 184/NTTS-GP ngày 5/3/2010 của Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT). Công ty này đã đem rùa về nuôi nhốt tại Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản ở địa chỉ trên.
Theo quy định thì thời gian nuôi cách ly để giết thịt đã hết, nhưng đến nay, đã qua hơn 4 tháng mà doanh nghiệp (DN) này vẫn chưa "xả" hết hàng. Số RTĐ trên vẫn chưa thể tiêu thụ đúng mục đích là làm thực phẩm. Số rùa đang nuôi giữ đã chết với số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường.
.Rùa tai đỏ, một trong những loài xâm hại mạnh nhất hiện nay. |
Các nhà khoa học thế giới đã xếp RTĐ vào danh sách 100 động vật xâm hại môi trường nguy hiểm nhất thế giới. Giống rùa này có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, là loại động vật ăn tạp và hung dữ. Chúng ăn tất cả các loài cá bé hơn nó và các động vật thủy sinh khác. Khi thoát ra ngoài tự nhiên, RTĐ là đối tượng rất nguy hiểm, có khả năng phá vỡ môi trường sinh học ở khu vực.
Theo quy định pháp luật, khi nhập khẩu các loài sinh vật ngoại lai từ nước ngoài vào Việt Nam, các cá nhân, tổ chức, DN phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ tính chất, đặc điểm đối tượng và có quá trình khảo nghiệm. Công ty Caseamex đã không thực hiện tốt yêu cầu này và nhập RTĐ một cách thiếu thận trọng, không chỉ gây ảnh hưởng môi trường sinh thái, mà còn là mối hiểm họa chưa thể lường trước được về sau này. RTĐ được thế giới cảnh báo và một số nước cấm nhập khẩu do giống rùa này không chỉ là loài xâm hại nguy hiểm, mà còn mang vi khuẩn Salmonella có thể truyền bệnh cho người.
Theo Thông tư 53/2009 của Bộ NN&PTNT về quy định quản lý các loài thủy sinh vật ngoại lai tại Việt
Theo đánh giá của các nhà khoa học, RTĐ có khả năng sống rất dai. Khi sống ngoài tự nhiên, chúng sẽ cạnh tranh thức ăn, giao phối với rùa bản địa, dẫn đến lấn át, ức chế hoặc tiêu diệt các loài sinh vật bản địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái.
Qua kiểm tra, RTĐ được Công ty Caseamex nuôi giữ tại 3 ao, với diện tích hơn 5.000m2, số lượng rùa đã bị hao hụt khá nhiều so với những tháng trước đây. DN cũng cho biết, đến thời điểm này, đàn rùa đã chết gần 8.000 con, tương đương với khối lượng khoảng 10 tấn và số còn lại vẫn tiếp tục chết bình quân trên 10 con/ngày.
Tôm hùm đỏ hung dữ, phàm ăn, sẽ là hiểm họa đối với các loài thuỷ sinh khác. (Ảnh minh họa) |
Dù vậy, trên thực tế, số RTĐ đang nuôi hiện tại trong các ao còn lại là bao nhiêu thì chưa thể khẳng định chính xác bởi lẽ việc quản lý đàn rùa trong thời gian đầu mới nhập về còn lỏng lẻo, có khả năng một số con đã thoát ra bên ngoài. Điều quan trọng hơn là số RTĐ đang nuôi nhốt tại đây đã đẻ trứng và sinh sôi. Đây là mối lo ngại nhất của địa phương và các ngành chức năng. Nếu như số rùa con này vượt ra ngoài, phát tán trong môi trường tự nhiên sẽ là một hiểm họa nghiêm trọng.
Theo cán bộ phụ trách Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản của Công ty Caseamex, đàn RTĐ đang nuôi giữ được quản lý nghiêm ngặt nên "khó thoát" ra bên ngoài. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với người dân địa phương thì chuyện RTĐ đã vượt qua sự kiểm soát của Trung tâm này, thoát ra sông rạch, ruộng vườn ở xã Phú Thành là thật.
Bằng chứng là một số người dân trong vùng bắt được loại RTĐ này về làm thịt ăn.Tuy số lượng rùa mà người dân thông báo bắt được chỉ gần chục con, nhưng số khác thoát ra sông chưa thu giữ lại được cụ thể là bao nhiêu thì không ai dám khẳng định. Không chỉ có vậy, RTĐ đã phát tán ra khắp nơi, như: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Sóc Trăng, An Giang…
Cụ thể, ngày 15/8, Thanh tra Sở NN&PTNT Sóc Trăng kết hợp các cơ quan chức năng, tiến hành kiểm tra, phát hiện và lập biên bản thu giữ 12 con RTĐ do cơ sở kinh doanh cá cảnh Khánh Du (phường 3, TP Sóc Trăng) đang bày bán tự do cho người mua nuôi làm cảnh. Hiện số rùa này cơ quan chức năng tạm giao cho cơ sở quản lý trong khi chờ biện pháp xử lý. Hỏi thăm việc kinh doanh loài rùa này, chủ cơ sở cho biết đã bán RTĐ khoảng 2 tháng nay, người mua chủ yếu là trẻ em. Giá bán mỗi con là 35.000 đồng, nguồn hàng được cung cấp từ TP Cần Thơ với giá nhập 25.000đ/con…
Đến tôm hùm đỏ
Sau ốc bươu vàng, RTĐ, vừa qua, người dân nuôi trồng thủy sản ở Sóc Trăng nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung lại xôn xao bàn tán chuyện Công ty TNHH Phú Thành (gọi tắt là Công ty Phú Thành, xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) nhập về một lô 504 con tôm hùm nước ngọt của Mỹ để nuôi thử nghiệm. Loài tôm này thân có màu đỏ sẫm nên gọi là tôm hùm đỏ (THĐ), tốc độ tăng trưởng rất nhanh.
Theo ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, THĐ (tên khoa học là Red Swamp Crawfish) nhìn bề ngoài trông rất dữ với hai càng to như càng cua dùng để đào hang đẻ trứng, trú đông, tranh giành thức ăn, đấu tranh sinh tồn. Vòng đời ngắn, sinh sản nhanh, lại có thể di chuyển trên cạn nên khả năng THĐ phát triển tràn lan khi thoát ra ngoài môi trường là rất lớn. Ngoài bản tính hung hăng, ăn tạp, THĐ còn có khả năng thích nghi tốt với môi trường nên sẽ là mối đe dọa đối với các loại tôm đang thả nuôi ở Việt
Ông Trần Hoàng Dũng - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trần Đề (Sóc Trăng), cho biết: Người dân phát hiện loại tôm này nhập về được nuôi tại ấp Thạnh An 3, xã Thạnh Thới Thuận, nên đã báo cho ngành Nông nghiệp huyện yêu cầu can thiệp. Kiểm tra thì mới biết số tôm này được nhập về ngày 18/7/2010. Theo nhiều người nuôi thủy sản ở Sóc Trăng, THĐ có tập tính hung dữ và phàm ăn, sẽ là mối "đại họa" đối với các loài thủy sinh không thua gì ốc bươu vàng và RTĐ.
Ông Dũng cho biết: "Qua kiểm tra, Công ty Phú Thành chỉ cung cấp được giấy nhập cảnh nhận hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất chứ không có thêm giấy tờ nào khác. Số tôm nhập về phần nhiều đã chết, chỉ còn sống 22 con đực và 11 con cái. Hiện Trung tâm Thú y vùng VII đã niêm phong, giao cơ quan thú y địa phương quản lý để chờ ý kiến của ngành Nông nghiệp xem có cho nuôi hay không".
Tuy nhiên, theo nguồn tin mới đây cho biết, Công ty Phú Thành đã báo cho Phòng Nông nghiệp là tôm đã chết gần hết, chỉ còn lại 11 con và xin ý kiến tiêu hủy. Do chưa đủ thẩm quyền cho phép tiêu hủy nên Phòng Nông nghiệp đã cử cán bộ đến kiểm tra thì trong bể chỉ có 20 xác tôm chết, 1 con tôm còn sống, còn xác 11 con chết hôm trước thì công ty báo là đã mang chôn.
Kiểm tra hố chôn do tôm đã phân hủy không thể xác định được số lượng nên cán bộ Phòng Nông nghiệp đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm để có hướng xử lý thích hợp. Ông Nguyễn Văn Khởi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết thêm, chúng tôi đã yêu cầu Công ty Phú Thành cung cấp giấy phép nhập khẩu nhưng đến nay công ty vẫn chưa xuất trình mà chỉ có giấy xin cho phép nuôi khảo nghiệm trên diện tích 10ha với số lượng dự kiến khoảng 1 tấn do ông Hà Văn Tâm - Giám đốc Công ty Phú Thành gửi ngày 27/7.
Đến nay, toàn bộ số tôm này cũng không có giấy kiểm dịch thú y. Nhiều chuyên gia thủy sản ở Sóc Trăng lo ngại, nếu cho nuôi loài tôm này đại trà sẽ là mối họa cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng, bờ sông và có khả năng chúng sẽ tiêu diệt loài tôm bản địa từ việc tranh giành thức ăn để sinh tồn.
Hiện tại, người dân cùng lãnh đạo địa phương rất mong ngành Nông nghiệp sớm vào cuộc để kịp thời xử lý, không để hậu họa như ốc bươu vàng ngày trước hay RTĐ mới đây. Chúng tôi đề nghị Bộ NN&PTNT cho kiểm tra và xử lý nghiêm việc nhập khẩu, giám sát RTĐ, tránh để xảy ra nạn ốc bươu vàng của thế kỷ trước.
Phải tái xuất rùa tai đỏ ra khỏi Việt Trước thực trạng nêu trên, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục. Yêu cầu Công ty Caseamex phải tìm cách tiêu thụ hết số RTĐ đúng như mục đích đã đăng ký hoặc xuất khẩu qua nước thứ 3, hoặc trả về nơi đã nhập là Mỹ trong thời gian sớm nhất. Nếu hết thời hạn quy định mà số rùa này chưa giải quyết xong như đã cam kết thì sẽ tiêu hủy toàn bộ. Dư luận và các ngành chức năng, các nhà khoa học cho rằng, Công ty Caseamex nên nhanh chóng tái xuất số RTĐ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, không nên tiêu thụ ra thị trường dù là làm thực phẩm, vì không loại trừ khả năng người mua lại sử dụng không đúng mục đích, có thể chuyển sang phóng sinh, nuôi cảnh hoặc làm giống. Các cơ quan chức năng cần theo dõi và quản lý đàn rùa với biện pháp chặt chẽ hơn, không để thoát ra ngoài tự nhiên. Bởi lẽ, bài học ốc bươu vàng có thể lặp lại. Riêng đơn vị nhập khẩu rùa phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng, chấp nhận thiệt hại về kinh tế hơn là tạo ra mầm họa khôn lường đối với hệ sinh thái của toàn vùng ĐBSCL. |