Để thành công khi xuất khẩu hàng hóa vào EU
Tại hội nghị tập huấn về công tác phòng vệ thương mại (PVTM) trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục Trưởng Cục PVTM (Bộ Công Thương) chỉ rõ những mặt hàng xếp vào diện có nguy cao sẽ bị EU áp dụng các biện pháp PVTM khi XK vào EU trong thời gian tới. Đó không chỉ là những ngành hàng có kim ngạch XK lớn như giày dép, dệt may, nông thủy sản, mà còn là những mặt hàng có kim ngạch XK sang EU thấp như: thép, đồ gỗ, xe đạp và phụ tùng xe đạp.
Theo phân tích của bà Giang, với ngành dệt may, thì mặt hàng sợi đã bị EU điều tra bán phá giá và trợ cấp khá nhiều đối với các nước. Còn Việt Nam, mặt hàng sợi hiện tại chưa phải là thế mạnh, kim ngạch XK sợi của Việt Nam chưa lớn đến mức gây thiệt hại cho EU. Nhưng khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, các DN sẽ đầu tư vào ngành sợi nhiều hơn để XK sang EU thì khi ấy mặt hàng sợi sẽ bị xếp vào nhóm nguy cơ cao bị EU áp dụng các biện pháp PVTM.
Đối với ngành nông thủy sản, DN cần đặc biệt lưu ý vì đây là ngành hàng có nguy cơ lớn nhất. Bởi, tại EU, ngành nông nghiệp đứng đầu về trợ cấp. EU rất quan tâm trợ cấp cho người nông dân thông qua ưu đãi về đất đai, môi trường, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, bảo hộ về sản xuất... bất kỳ mặt hàng nào từ nước ngoài nhập vào EU mà gây thiệt hại cho người nông dân EU đều bị áp dụng các biện pháp PVTM.
Năm 2019 nông sản Việt Nam XK sang EU đạt hơn 2 tỷ USD và thủy sản 1,25 tỷ USD, nhưng các mặt hàng nông thủy sản Việt Nam XK sang EU chủ yếu là những mặt hàng cạnh tranh không trực tiếp với EU. Đó là những sản phẩm thô (cà phê, hạt điều...) XK sang EU để họ chế biến.
Dệt may là một trong những mặt hàng xếp vào diện có nguy cơ cao bị EU áp dụng phòng vệ thương mại trong thời gian tới. |
Tuy nhiên, định hướng XK của Việt Nam là sẽ giảm xuất thô tăng xuất tinh, nên khả năng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới sẽ cạnh tranh trực diện với sản phẩm nông nghiệp của EU. Trong đó, sữa là mặt hàng “nhạy cảm” nhất, nên các DN của Việt Nam XK các chế phẩm từ sữa sang EU, được xem là mặt hàng đầu tiên trong danh sách EU áp dụng thuế quan để bảo hộ thông qua các biện pháp PVTM.
Ngoài các mặt hàng có kim ngạch XK lớn, một số mặt hàng Việt Nam XK sang EU không nhiều nhưng cũng bị EU luôn đưa vào danh sách nguy cơ cao áp dụng biện pháp PVTM. Cụ thể, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, năm 2019 kim ngạch XK gỗ của Việt Nam đạt hơn 6 tỷ USD, trong đó EU là thị trường đứng thứ 3 mà Việt Nam XK đồ gỗ. Tuy nhiên, khi DN XK gỗ và đồ gỗ vào thị trường này cần lưu ý, nếu sản phẩm Việt Nam gây ảnh hưởng đến sản phẩm quốc gia nào thì lập tức sẽ bị áp dụng PVTM của cả khối EU.
Đối với mặt hàng thép, EU áp dụng tự vệ trên toàn cầu từ năm 2018. Biện pháp tự vệ thường áp dụng 3 năm, gia hạn thêm 2 năm nữa. Như vậy, có khả năng đến năm 2023-2024 biện pháp tự vệ thép của EU mới hết hiệu lực.
Bà Giang kể, khoảng giữa tháng 8/2020, có một DN XK thép liên hệ với Cục PVTM thắc mắc, DN vừa XK thép sang EU nhưng bị EU áp thuế 25%, DN không biết đó là thuế gì? Bà Giang giải thích, EU áp dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng thép trên toàn cầu năm 2018. Trong đó, Việt Nam có 3 mặt hàng bị áp thuế 25% gồm thép inox, thép cán nguội, thép mạ.
Mặt hàng DN trên XK sang EU là thép mạ. Thực ra, EU cho một mức hạn ngạch không chịu thuế, nếu lượng hàng hóa NK vào EU vượt mức hạn ngạch cho phép thì mức vượt đó sẽ bị áp thuế 25%. Tuy nhiên, EU chia khoản chịu thuế theo từng quý. Lô hàng của DN trên NK vào EU tháng 8, tức là đã hết hạn ngạch và phải chịu thuế 25%.Vậy DN này có 2 lựa chọn hoặc là đóng thuế 25% để XK vào EU ngay; hoặc là để lô hàng chờ đến tháng 10 sẽ có mức hạn ngạch mới không chịu thế 25%. Tuy nhiên, nếu tính chi phí lưu kho, lưu bãi cho đến tháng 10 thì cũng có mức tương ứng 25% rồi.
“Việc EU áp thuế tự vệ đối với mặt hàng thép cũng được Bộ Công Thương thông báo cho DN, cho Hiệp hội thép. Nhưng cuối cùng DN XK sang EU vẫn bị mức thuế này là do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, DN XK không tìm hiểu quy định pháp luật, không tìm hiểu rào cản kỹ thuật đối với hàng mình XK dẫn đến khi sang đến nơi mới phát hiện bị áp thuế. Thứ hai, cơ quan quản lý tuyên truyền phổ biến, nhưng không nhắc lại. Việc EU áp dụng biện pháp tự vệ đối với thép từ năm 2018, lúc đó Bộ Công Thương thông báo ngay, nhưng đến 2020 DN mới XK thì họ không để ý, dẫn đến hàng Việt Nam chịu mức thuế oan uổng 25% cho lô hàng đó”, bà Giang chia sẻ.
Ông Phùng Gia Đức, Cục PVTM (Bộ Công Thương) khẳng định: “Chúng tôi biết nhiều DN XK Việt Nam khi bị điều tra thì không biết, chỉ khi nào XK hàng hóa đó vào nước bạn và bị áp thuế thì lúc đó mới vỡ lẽ ra không biết áp từ bao giờ, có khi bị áp 4-5 năm nay. Đó là khiếm khuyết thông tin mà DN thường bỏ qua”. Ngoài ra, còn mặt hàng nữa là xe đạp và phụ tùng xe đạp, EU rất quan tâm.
“Thời gian qua, chúng tôi nhận được nhiều thông tin từ đại diện phái đoàn EU ở Việt Nam đề nghị Việt Nam phải làm rõ nguồn gốc xuất xứ có phải Việt Nam không? Họ cũng đưa ra cảnh báo là mặt hàng này XK đang tăng nhanh tại thị trường EU một số DN EU cho rằng đã gây thiệt hại đến sản xuất của họ”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, sẽ có nhiều mặt hàng ngay lập tức được áp mức thuế trở về 0%. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, có nhiều ngành hàng được hưởng lợi, cụ thể là các mặt hàng Việt Nam XK chính sang thị trường EU như: Giày dép, dệt may, thủy hải sản, cà phê, đồ gỗ, máy vi tính, điện thoại... Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi về thuế mà Hiệp định EVFTA mang lại, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, các DN cần nắm rõ các thông tin, quy định về từng ngành hàng để tránh bị đối tác kiện, áp dụng các biện pháp PVTM.
“Đối với EU, tính tuân thủ yêu cầu pháp luật của họ rất cao. Bên cạnh đó, họ có hệ thống liên thông về dữ liệu, thông tin, phối hợp với cơ quan hành pháp giữa các nước với nhau rất cao. Vì vậy, DN cần lưu ý khi XK vào thị trường EU”, Phó cục Trưởng Cục PVTM Phạm Châu Giang cảnh báo.