Thừa Thiên - Huế:

Doanh nghiệp khoét núi, khai thác đất đỏ trái phép

14:43 10/11/2014
Mặc dù địa bàn chưa được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cấp phép khai thác mỏ đất, nhưng UBND xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) lại làm tờ trình “xin cải tạo đất” để Doanh nghiệp (DN) Long Phụng lập mỏ, khoét núi Khe Trầu, khai thác đất đỏ trái phép với số lượng lớn. Điều đáng nói, phần núi bị khai thác là đất trồng rừng kinh tế do người dân khai hoang từ hàng chục năm về trước...

Ngày 30/12/2013, UBND xã Lộc Trì làm tờ trình gửi UBND huyện Phú Lộc cùng Phòng TN&MT về việc “Xin cải tạo đất ở thôn Trung Phước”; với lý do “Rừng tại khu vực núi Khe Trầu, Bắc Phước Tượng, thôn Trung Phước qua nhiều năm chậm phát triển, vì đất đai có nhiều sỏi sạn, bạc màu... cần có giải pháp hữu hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng rừng và sự phát triển của cây trồng”.

Tờ trình này đã được lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc phê duyệt. Thế nhưng, thay vì “cải tạo đất” để phục vụ việc trồng rừng như nội dung của tờ trình thì UBND xã Lộc Trì lại “ngầm” cho phép DN Long Phụng, vào khu vực núi Khe Trầu để chặt rừng, bạt núi, ồ ạt khai thác đất đỏ trái phép. Gia đình ông Huỳnh Bé và bà Phan Thị Lộc (trú thôn Trung Phước) buộc phải bàn giao gần 1ha đất rừng ở khu vực này cho DN lập mỏ khai thác đất, chỉ với số tiền hỗ trợ hàng ngàn cây tràm bị chặt bỏ là 40 triệu đồng.

Khu vực núi Khe Trầu do DN Long Phụng khai thác đất đỏ trái phép.

Bà Lộc bức xúc kể lại: “Hơn 10 năm về trước, vợ chồng tui cùng các con dắt díu lên Khe Trầu để khai hoang 1ha trồng rừng mưu sinh. Bình quân từ 3-4 năm, gia đình thu hoạch được 50 triệu đồng từ việc bán gỗ tràm, nhờ thế mà 6 người con được ăn học đầy đủ. Trước đó, dù đã nhiều lần xin xã cấp sổ đỏ cho diện tích đất rừng này nhưng vẫn chưa được, thế mà không hiểu vì sao bỗng dưng họ lại thu hồi đất của gia đình tui để cho DN xúc đất chở đi nơi khác...”. Dẫn chúng tôi ra khu vực núi Khe Trầu bị “rút rỗng ruột” chỉ cách nhà vài chục bước chân, bà Lộc còn cho hay:

“Đầu năm 2014, họ (công nhân khai thác đất của DN) nói chỉ lấy đất trên mặt nền để đem san lấp mặt bằng khu tái định cư Lộc Trì, rồi sau đó giao đất để nhà tôi tiếp tục trồng rừng. Nhưng giờ, 1ha đất của gia đình đã bị họ bạt, khoét sâu gần hết toàn bộ để lấy đất, làm sao trồng rừng được nữa. Đất rừng ở đây tốt lắm, trồng keo lớn nhanh như thổi, rứa mà họ lại bảo đất xấu, cần cải tạo... thì tui không thể hiểu nổi!”.

Ghi nhận tại hiện trường, đã có hàng ngàn khối đất đỏ trên diện tích đất rừng do người dân khai hoang đã bị DN Long Phụng cho xe múc, xe ủi... đến khai thác trái phép để vận chuyển đưa đi nơi khác tạo nên những sườn dốc dựng đứng cao từ 7 đến 8m, cùng nhiều miệng hố sâu hoắm. Bên cạnh đó, do liên tục khai thác ồ ạt trong nhiều tháng trời nên một số điểm núi Khe Trầu đã bị sạt lở, đất đá nằm ngổn ngang... Ngoài phần đất rừng của gia đình ông Bé, bà Lộc, DN nói trên còn “vô tư” khai thác đất trái phép trên diện tích khoảng 1ha của gia đình ông Ngô Minh (ở thôn Trung Phước). Ông Minh cho biết, hơn 1ha đất rừng ở núi Khe Trầu này cũng do vợ chồng ông khai hoang từ 27 năm về trước mới có được. Cứ sau mỗi vụ khai thác gỗ tràm thì gia đình ông liền trồng rừng mới tái sinh. Đến đầu năm 2014, phần đất này bị xã thu hồi để giao cho DN khai thác nhưng không hề ra bất cứ văn bản nào nói về việc thu hồi đất của gia đình. Sau đó, phía DN đã chủ động hỗ trợ 70 triệu đồng cho gia đình ông Minh…

Ông Cái Trọng Như, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của UBND xã Lộc Trì cho rằng: “Hiện trên địa bàn xã không được tỉnh cấp mỏ khai thác đất. Tuy nhiên, do xã gặp áp lực trong việc bàn giao mặt bằng khu tái định cư để di dời trên 100 hộ dân từ dự án mở rộng QL1A và Hầm đường bộ Phước Tượng cho kịp tiến độ nên được cấp trên “tạo điều kiện” cho DN khai thác đất san lấp.

Trước đó, phần đất mà DN khai thác là đất của HTX Nam Hà bỏ không nên người dân lên khai phá trồng rừng. Và trước khi lấy đất, phía DN đã gặp người dân để thương lượng, hỗ trợ tiền cây cối” (!?). Thế nhưng khi đề cập đến vấn đề “trách nhiệm quản lý của địa phương” trước sự việc DN Long Phụng khoét sâu mặt đất ở núi Khe Trầu, múc đất với số lượng lớn đem bán ra ngoài và khó có thể hoàn trả lại mặt bằng như người dân phản ánh thì ông Như thừa nhận: “Xã có phần buông lỏng việc quản lý để DN khai thác đất thoải mái!”.

Theo một cán bộ thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế, ngoài UBND tỉnh thì cấp huyện và xã không có quyền cho phép DN hoặc bất cứ một đơn vị nào lập mỏ khai thác, vận chuyển đất trái phép. Như vậy, việc UBND xã Lộc Trì làm tờ trình “xin cải tạo đất” thực ra chỉ là “lý do” nhằm tạo điều kiện “giúp đỡ” DN trên địa bàn lập mỏ khai thác trái quy định

Lê Anh

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文