Doanh nghiệp “phá giá” thu mua mủ cao su được lợi gì?
- Bắt ôtô tải vận chuyển gần 20 tấn mủ cao su nhập lậu
- Khởi động nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên
- 5 công ty chế biến mủ cao su gây ô nhiễm sông Sài Gòn
Nhưng vài năm lại đây, mủ cao su ngày một rớt giá, người trồng loại cây công nghiệp này không mặn mà với việc cạo mủ, vì lời lãi chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí lỗ cả công sức lao động. Việc thu mua mủ cao su không được thuận lợi như trước, từ đó nảy sinh vấn đề tranh mua...
Đỉnh điểm là từ đầu năm 2016 đến nay. Theo điều tra của chúng tôi, ban đầu một nhà máy tư nhân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh “bứt” ra khỏi trật tự được thỏa thuận chung trước đó giữa các lãnh đạo nhà máy, xí nghiệp thuộc lĩnh vực trên đẩy giá thu mua mủ cao su cao hơn các đơn vị khác. Từ đó, các nhà máy, xí nghiệp còn lại bị thiếu hụt trầm trọng nguồn nguyên liệu cho sản xuất, kinh doanh, nên cũng “ra đòn hiểm” tương tự để giành người bán nguồn nguyên liệu mủ cao su về cho mình.
Điều đáng nói, những việc làm trên đều không trực tiếp với người dân trồng cao su mà thông qua các thương lái. Trong khi đó, các thương lái vẫn giữ theo mức giá thu mua cũ, thành ra sự việc trên chỉ mang lại lợi ích cho hai nhóm đối tượng nhất định, đó là nhóm doanh nghiệp thực hiện việc mở rộng, chiếm lĩnh vùng nguyên liệu và nhóm các thương lái. Nghịch lý ở chỗ, việc tranh mua này đã đẩy giá mua mủ cao su vào cao ngang bằng giá sản phẩm bán ra, vậy làm sao để có lời?
Thống kê của Nhà máy Chế biến, kinh doanh mủ cao su thuộc Công ty CP Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị: Năm 2014, đơn vị này thu mua được 2.200 tấn mủ cao su, nhưng do giá sản phẩm bán ra trên thế giới bất ngờ giảm mạnh nên lỗ 12 tỷ đồng; năm 2015, thu mua được 2.600 tấn, nhưng việc sản xuất kinh doanh cũng chỉ ngang hòa vốn; còn từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị thu mua được 800 tấn mủ cao su, song do việc thu mua phá giá như trên nên gặp rất nhiều khó khăn.
Theo điều tra của chúng tôi, không ít nhà máy, xí nghiệp sau khi chế biến mủ cao su thành phẩm dạng thô, đã xuất bán sang một số nước, với nhãn mác cao su hỗn hợp (compound). Xuất khẩu dạng này, đơn vị sản xuất kinh doanh lĩnh vực trên sẽ được Nhà nước hoàn thuế tới 20% (bao gồm thuế GTGT và chi phí sản xuất phát sinh từ việc chế biến sản phẩm cao su thô thành dạng cao su hỗn hợp).
Nhà máy Cao su Thương mại Quảng Trị hoạt động cầm chừng do khó khăn về việc thu mua nguyên liệu. |
Cùng với lợi nhuận này, việc xuất khẩu cao su hỗn hợp gặp nhiều thuận lợi do một số nước, đặc biệt như Trung Quốc là miễn thuế nhập khẩu mặt hàng này cho doanh nghiệp của họ. Ở đây, bên xuất khẩu và bên nhập khẩu còn gặp nhau ở một điểm chung, theo đó bên xuất là xuất hàng “giả” (sản phẩm cao su thô chứ không phải cao su hỗn hợp), còn bên nhập biết là cao su thô nhưng sẵn sàng nhập và mong muốn nhập, vì khi nhập sản phẩm này, họ trốn được thuế phải đóng cho nhà nước theo quy định.
Tóm lại, việc thu mua nguyên liệu mủ cao su theo cách “phá giá” trên đã được một số công ty, doanh nghiệp ở Quảng Trị tính toán kỹ lưỡng. Từ những lỗ hổng trong quản lý của các ngành chức năng liên quan mà Nhà nước mỗi năm phải mất tới hàng chục tỉ đồng từ việc hoàn thuế xuất khẩu mặt hàng này cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh không đúng phép tắc. Trong khi, nông dân trồng cây cao su vẫn không thêm được lợi ích gì…