Doanh nghiệp phải kiểm tra an toàn trước khi xuất khẩu
Những năm gần đây, các thị trường nhập khẩu ngày càng có xu hướng dựng nhiều hàng rào kỹ thuật, “soi” rất kỹ, thậm chí moi móc các nhược điểm của hàng nhập để bảo hộ xuất khẩu trong nước. Chỉ cần sơ sảy một chút, nông sản Việt Nam không chỉ mất đi một thị trường nhập khẩu lớn, mà còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín trên thế giới.
Về việc Tổng vụ sức khỏe và Người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu cảnh báo có thể sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu rau quả từ Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã phải dùng đến từ “nghiêm trọng” và “cấp bách”.
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam trao đổi với PV ngày 17/2, chúng ta xuất khẩu được rau quả vào 55 thị trường trong năm 2011, với tổng kim ngạch đạt 628 triệu USD, trong đó EU là 1 trong 10 thị trường nhập khẩu lớn. Bởi vậy, việc mất thị trường này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ. Vấn đề nằm ở chỗ, dù đã ra cảnh báo, nông sản Việt Nam vẫn rất dễ vướng phải, một phần do những quy định quá ngặt nghèo của đối tác, một phần do chính sự chủ quan và thiếu đồng bộ trong kiểm định của chúng ta. Ngay cả trước khi EU đưa ra cảnh báo, Bộ Công Thương cũng đã dự đoán xuất khẩu vào thị trường này sẽ không đơn giản.
![]() |
Các DN phải cẩn trọng hơn trước những hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. |
Ông Trần Công Thực - Tham tán thương mại Việt Nam tại EU đã nhận định nhiều khả năng một số mặt hàng của Việt Nam sẽ bị đẩy ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi trước đây và kiểm dịch động thực vật sẽ trở nên gay gắt hơn. Thậm chí, một số chuyên gia còn lo ngại EU đã và đang thực hiện thêm một số rào cản mang cảm tính nhiều hơn, hoặc sử dụng truyền thông để bôi xấu sản phẩm Việt Nam.
Không riêng gì EU, thị trường Mỹ cũng đang đặt ra nhiều rào cản tương tự. Theo Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) mới được Chính phủ nước này ban hành, từ năm 2012, Mỹ sẽ thực hiện quy trình kiểm tra hết sức ngặt nghèo đối với các sản phẩm hàng hóa của tất cả các nước, bao gồm nông sản, đồ ăn, đồ uống. Trên thực tế, gần đây nhiều lô hàng nông sản của chúng ta gặp rắc rối ở Mỹ. Đơn cử tháng 11/2011, thanh long của Việt Nam bỗng dưng bị Mỹ cấm thông quan vì cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép, trong khi họ không qui định rõ bao nhiêu là được phép.
Cũng trong tháng 7 đến tháng 11/2011, khoảng 600 tấn mật ong của Việt Nam đã bị Cơ quan dược phẩm Mỹ trả lại bởi cho rằng bị nhiễm một loại thuốc trừ nấm có tên là Carbenzamin. Vấn đề ở chỗ, dư lượng chất này trong mật ong của ta thấp hơn rất nhiều so với quy định của CODEX và Liên minh châu Âu (EU), song Mỹ vẫn không chấp nhận. Hậu quả là đến nay mật ong Việt Nam rất khó xuất khẩu.
Nguy cơ đã ở ngay trước mắt. Sự vi phạm nhỏ lẻ của một vài DN xuất khẩu có thể ảnh hưởng lớn để cả thương hiệu quốc gia và đời sống của hàng triệu người. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Hiện pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định yêu cầu kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật mà chưa bắt buộc kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng rau quả xuất khẩu. Cho nên, việc kiểm dịch các lô hàng xuất khẩu nhiều khi hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác và ý thức của từng doanh nghiệp. Trong khi đó, sự tin tưởng này mang rất nhiều yếu tố may rủi, vì ý thức và trình độ hiểu biết của nhiều DN Việt là chưa cao. Vấn đề hiện nay là mỗi DN, thậm chí mỗi người nông dân đều phải ý thức được cần phải cẩn trọng hơn vì quyền lợi của chính mình.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có văn bản yêu cầu UBND các tỉnh tuyên truyền mạnh và giám sát chặt các cơ sở chế biến xuất khẩu; Cục Bảo vệ thực vật tăng cường kiểm dịch. Đặc biệt là Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra các lô hàng trước thông quan. Tuy nhiên, trách nhiệm lớn hơn vẫn thuộc về chính các DN.
Ông Hồng cho rằng bên cạnh việc quy hoạch lại vùng trồng rau quả, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chúng ta phải khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, bắt buộc các DN phải kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các lô hàng trước khi xuất đi thì mới cải thiện được tình hình