Doanh nghiệp vận tải lao đao, nhân viên thất nghiệp
Cắt giảm tới 60% phương tiện xuất bến
Lần thứ 4 đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt bày tỏ lo lắng: Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, 100% xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, chỉ có 2, 3 xe chạy để duy trì tuyến. Hiện một chuyến xe từ Hà Nội - Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành tốn khoảng 7,5 triệu đồng/chuyến.
Do dịch bệnh, ngành Đường sắt hiện chỉ còn chạy 2 đôi tàu Thống Nhất Bắc-Nam. |
“Cứ chạy là lỗ, mà không chạy thì khách bỏ, mất lốt. Mỗi tháng doanh nghiệp phải bù lỗ từ 8-10 tỷ đồng để duy trì tuyến, thuê trụ sở, trả nợ ngân hàng và thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động. Doanh nghiệp đã cạn quỹ dự phòng để gồng gánh, nếu các ngân hàng tiếp tục truy nợ, thu lãi, doanh nghiệp buộc phải gán nợ bằng xe. Cứ thế này chúng tôi buộc phải cắt giảm nhân sự”, ông Bằng thông tin đồng thời cho biết thêm: “Chúng tôi đang đau đầu tìm cách trả khoản nợ và lãi gần 1 tỷ đồng cho một ngân hàng do chính sách giãn nợ hỗ trợ COVID-19 đã hết hiệu lực”.
Tương tự, lãnh đạo Công ty CP Thương mại và du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cho hay, doanh nghiệp đã phải giảm đến 60% số phương tiện, người lao động phải đi làm thay phiên. Dù phương tiện dừng hoạt động nhưng vẫn phải chi phí tiền lãi ngân hàng, khấu hao, bảo dưỡng sửa chữa đợi khi hết dịch mới có xe hoạt động. Doanh nghiệp vận tải đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh kéo dài, không được hỗ trợ kịp thời bằng việc khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp… Không chỉ là vận tải khách đường dài, với các doanh nghiệp taxi, tình cảnh cũng “bi đát” không kém.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay, hiện các doanh nghiệp chỉ duy trì hoạt động khoảng 50% số xe, doanh thu cũng giảm quá nửa. Đơn cử như Công ty Mai Linh doanh thu đã giảm 60%, kể từ đầu tháng 5, người lao động chỉ được hơn 1,7 triệu đồng cho 15 ngày lao động.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, trên cơ sở các gói hỗ trợ hiện có, các ngân hàng cần cho doanh nghiệp vay theo hình thức tín chấp theo gói vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi để họ nhanh chóng có tiền trả lương cho người lao động và quay vòng sản xuất. Hiện rất nhiều người lao động không có việc làm hoặc có việc nhưng thu nhập rất thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không có doanh thu nhưng vẫn phải duy trì bộ máy vận hành. Cùng đó, cần miễn đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, miễn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, có như vậy họ mới có điều kiện phục hồi.
Dừng nhiều đoàn tàu, lao động nghỉ luân phiên
Tương tự, ngành đường sắt vừa tiếp tục thông báo dừng chạy thêm một đôi tàu tuyến Bắc - Nam vì COVID-19 diễn biến phức tạp, tuyến hiện chỉ còn hai đôi tàu Thống Nhất. Trước đó, hàng loạt đoàn tàu chạy nhiều tuyến khác cũng đã dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, năm 2020, đơn vị phải giải quyết tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ ngừng việc do thiếu việc làm bình quân 645 người/tháng; Chấm dứt HĐLĐ với 280 người. Quý I/2021, bình quân 550 người/tháng tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ ngừng việc; chấm dứt HĐLĐ với 66 người. Kể từ đợt bùng phát dịch đầu năm 2021 đến nay, do không có nguồn hỗ trợ, công ty chỉ trả lương ngừng việc đối với người lao động phải ngừng việc do chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh phải cách ly y tế.
Còn lại công ty thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không hưởng lương. Tại phía Nam, lãnh đạo Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thông tin thêm, từ năm 2020 đến hết quý I/2021 đã có hơn 200 lao động xin nghỉ việc. Năm 2020 đã có 180 lao động chấm dứt HĐLĐ ở tất cả các đơn vị, trong đó đông nhất là ở khối phục vụ trên tàu - đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam với tổng số 79 người, Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn 73 người. Sang đến quý I năm nay, đã có 33 lao động chấm dứt HĐLĐ.
Cùng chung tâm trạng lo lắng, Tổng Thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề chia sẻ, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 những ngày qua khiến các hãng hàng không đang “đứng ngồi không yên”.
“Hai tháng trước, chúng tôi dự báo năm 2021 doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và lỗ trên 15.000 tỷ đồng từ vận tải. Dù hiện chưa có thêm thống kê, nhưng chắc chắn con số này có thể sẽ tăng nhiều nếu dịch không sớm được kiểm soát”, ông Nề nói. Trước tình cảnh này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất để gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm này cả nước khó khăn, không riêng gì doanh nghiệp hàng không, do đó tất cả đều phải cố gắng cầm cự.