Đồng tôm bỏ hoang, nông dân trở thành con nợ của ngân hàng

09:05 04/09/2014
Dù đã bước vào vụ nuôi tôm mới, nhưng đồng tôm của người dân ở các xã Điền Hương, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Môn, Điền Hải (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phải bỏ hoang do tôm chết hàng loạt, dẫn đến thua lỗ. Chính sự buông lỏng trong việc kiểm tra các cơ sở sản xuất tôm giống của cơ quan liên quan nên dẫn đến hậu quả nông dân thành con nợ của ngân hàng.

Phải mất gần 1 giờ đồng hồ chạy vòng quanh các hồ tôm bỏ hoang giữa vùng cát ở xã Điền Hương (huyện Phong Điền), chúng tôi mới gặp được 2 hộ nuôi tôm đang loay hoay chăm sóc cho hồ tôm vừa thả giống. Biết có người về tìm hiểu nguyên nhân khiến nhiều đồng tôm bỏ hoang, ông Nguyễn Đình Mười, ở thôn Trung Đồng Đông (xã Điền Hương) nói: “Hai năm trước, ở đây có gần 30ha ao hồ nuôi tôm. Nhưng sau mấy vụ tôm thất bát, đặc biệt là vụ vừa rồi tôm chết hàng loạt do dịch bệnh, nên nhiều hộ không có vốn tái sản xuất nữa. Riêng gia đình tui có 2 hồ tôm rộng 9.000m2 may mắn thu lại vốn sau khi bỏ chi phí nuôi gần 1 tỷ đồng...”. Ở xã Điền Hương không phải hộ nuôi tôm nào cũng may mắn như ông Mười.

Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết: Từ cuối năm 2013 đến nay, tôm nuôi trên địa bàn xã bị dịch bệnh liên tục. Cả xã có 52ha tôm thẻ chân trắng, nhưng có gần 20ha tôm bị dịch bệnh. Ngoài ra, do giá tôm hiện chỉ còn 80-90 nghìn đồng/1kg nên sau khi thu hoạch, nhiều nông dân thua lỗ từ 50-100 triệu đồng. Thậm chí có hộ lỗ vốn 200 triệu đồng vì... tôm bệnh.

Trong tình cảnh tương tự, dọc vùng cát trắng ven biển qua các xã Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa (huyện Phong Điền) vốn có hàng trăm hồ tôm nay, chỉ còn một số hồ được người dân nuôi… cầm chừng. Ghi nhận tại xã Điền Lộc, xã vốn có không ít nông dân trở thành “triệu phú” nhờ tôm; nhưng nay cũng xuất hiện nhiều hồ tôm trơ đáy. Bên cạnh đó là nhiều nhà kho, lều bạt, máy bơm... cũng bị bỏ hoang giữa trời mưa, nắng. Dẫn tôi ra chiếc máy bơm đã gỉ nằm chỏng chơ trên bờ hồ, ở giữa là hồ tôm khô cạn đáy mà ông Nguyễn Hoài Lân (trú thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc) không giấu được nỗi buồn: “Bốn đứa con tui ăn học nên người là nhờ 2 hồ tôm này. Ấy thế mà giờ gia đình phải “bó tay”, vì cứ thả tôm giống xuống thì chỉ vài hôm sau là tôm chết. Với hy vọng lấy lại số vốn đã mất, gia đình đã vay mượn 300 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện; nhưng càng nuôi thì càng thua lỗ. Nợ ngân hàng không biết bao giờ mới trả được!”. Theo ông Lân, các thôn Mỹ Hòa và Tân Hội được xem là vùng nuôi tôm nhiều nhất ở xã Điền Lộc, nhưng nay diện tích đã giảm xuống chỉ còn 40%.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định: “Chất lượng tôm giống đang bị “vàng thau lẫn lộn”, bởi người mua tôm giống thường bị lừa mua các loại giống tôm kém chất lượng, không có kiểm dịch. Đây là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên đàn tôm lây lan. Biết vậy, nhưng đơn vị không thể kiểm soát hết bởi lực lượng chi cục quá mỏng”.

Qua tìm hiểu được biết, hiện tỉnh Thừa Thiên- Huế có diện tích nuôi tôm khoảng 4.300ha. Trong đó, mỗi năm nhu cầu giống tôm thẻ chân trắng đạt 1,5 tỷ con và 200 triệu con giống đối với tôm sú. Do nguồn cung ứng giống tôm tại chỗ quá khan hiếm nên người dân buộc phải mua giống từ các công ty và nguồn giống trôi nổi ở các tỉnh phía Nam. Nhiều hộ nuôi tôm cho rằng, do chất lượng tôm giống không đảm bảo, cùng với việc quản lý lỏng lẻo của cơ quan liên quan trong việc kiểm tra cơ sở sản xuất tôm giống, đã dẫn đến hậu quả, tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm trở thành con nợ ngân hàng; kéo theo việc hàng trăm lao động thời vụ ở các xã ven biển cũng bị mất việc làm

Lê Anh

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

Một phụ nữ hôn mê gan cấp trên nền bệnh viêm gan B, cuộc sống chỉ tính bằng giờ đã may mắn được hồi sinh nhờ được ghép gan kịp thời từ nguồn hiến của người chết não vì tai nạn giao thông (TNGT).

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文