Dự án thủy điện Đồng Nai: Phát triển kinh tế phải bảo vệ môi trường

16:51 01/10/2011
Sau một thời gian bàn thảo xung quanh việc nên hay không nên xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do lo ngại xâm hại đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, chủ đề này lại được tranh luận vào sáng 30/9 tại Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia về môi trường và cả sự góp mặt của đại diện các Bộ, ngành liên quan. Bàn cãi đã nhiều, nhưng vẫn chưa "tỏ" 241 MW điện và ảnh hưởng môi trường, bên nào "nặng" hơn?
>>Phải cân nhắc kỹ các dự án thủy điện trong VQG Cát Tiên

Phát triển là bài toán đánh đổi giữa kinh tế và môi trường

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Các vấn đề môi trường liên quan đến dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A" do Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đứng ra tổ chức, đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư dự án cho rằng: Đây là những dự án mang lại hiệu quả kinh tế lớn, trong khi những tác động tới Vườn Quốc gia Cát Tiên là không đáng kể.

Cụ thể, dự án có công suất lớn (241 MW), nhưng tỷ lệ chiếm đất rất ít, chỉ gần 1,6ha rừng/MW, so với trung bình 16 ha/MW của các dự án thủy điện khác. Sản lượng điện hàng năm sẽ cung cấp gần 1 triệu kWh, gần bằng tiêu thụ hiện nay của 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước. Dự án này không gây ảnh hưởng đến dân cư, đất nông nghiệp hay công trình công cộng khác, không gây ra sông chết phía hạ lưu và hầu như không ảnh hưởng đến chế độ dòng chảy hạ lưu.

Toàn bộ đường giao thông phục vụ thi công, vận hành được tận dụng từ đường dân sinh có sẵn, không gây ra chia cắt sinh cảnh hay ảnh hưởng lớn đến Vườn Quốc gia Cát Tiên. Thêm vào đó lại tạo ra được việc làm cho người dân và đóng góp cho ngân sách địa phương khá lớn, khoảng 143 tỷ đồng/năm.

Chủ đầu tư dự án đồng thời cũng đưa ra nhiều cam kết như: sẽ dùng các thiết bị giảm ồn, nổ mìn bằng phương pháp nổ nhỏ; tất cả các công trình phụ trợ sẽ được xây dựng ở ngoài địa phận VQG để giảm tối đa ảnh hưởng đến khu vực sinh sống của tê giác; trồng bù diện tích rừng bị mất bằng các cây bản địa, phát triển nhanh và có chức năng phòng hộ, giữ đất, giữ nước...

Quan điểm này cũng được nhiều nhà khoa học tỏ ý ủng hộ, cho rằng phát triển là bài toán đánh đổi giữa kinh tế và môi trường, mà nhiều nhà môi trường "cực đoan" sẽ không đồng thuận. PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội của VACNE cho rằng: Trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc hài hòa các phúc lợi kinh tế - xã hội và môi trường thì việc đánh đổi là cần thiết. Phần diện tích bị ngập tuy có một số loài thực vật quí nhưng không nhiều, do nơi đây là vùng bị rải chất diệt cỏ trong chiến tranh, phần lớn là sinh cảnh rừng mọc lại, lồ ô và cây bụi. Phần ngập nước cũng chỉ chiếm 0,44% khu Cát Lộc rộng lớn, rất ít ảnh hưởng đến nơi cư trú của động vật. Thêm vào đó, dự án cũng có những tác động tích cực khác.

Chưa có đánh giá chính xác nào về việc VQG Cát Tiên sẽ bị tác động ra sao nếu những công trường thế này xuất hiện (ảnh minh họa).

Đâu là lợi ích quốc gia thực sự?

Lý do ủng hộ cũng lắm, lý do phản đối lại càng nhiều. Tựu trung lại, các ý kiến trong Hội thảo của các nhà khoa học, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN & PTNT, Bộ Công thương, lãnh đạo các địa phương Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai đều thống nhất tại 1 điểm: cần đánh giá lại nghiêm túc tác động môi trường, để so sánh có nên đánh đổi hay không?

Cả ông Đỗ Đức Quân (Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công thương, người chịu trách nhiệm về các công trình thủy điện trên toàn quốc) và chủ đầu tư đều cho rằng đây là công trình có tính kinh tế cao, đáng để đầu tư. Tuy nhiên, đây là quan điểm dựa trên lợi ích của nhà đầu tư. Còn trên lợi ích của đất nước, điều quan trọng là dự án đóng góp được bao nhiêu điện cho an ninh năng lượng quốc gia? Và với từng ấy điện có đáng để đánh đổi những tác động môi trường hay không?

Đáng tiếc, trong khi nút thắt của vấn đề là ở đây, thì cuộc Hội thảo lại không có mặt đại diện nào của ngành Điện. Nếu nhìn vào việc rất nhiều nhà máy thủy điện nhỏ khắp khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Quảng Nam... với công suất vài trăm MW không phát được điện do không có lưới truyền tải, và EVN cũng tỏ ra chẳng mấy mặn mà thì dường như 2 dự án này cũng không phải là không thể thiếu.

Kiên định từ đầu cho đến nay, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên vẫn cho rằng dựa trên quan điểm bảo tồn, không nên cho xây dựng 2 công trình trên. "Cách đây 1 tuần, tôi có cùng Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị đến tận điểm sẽ thực hiện công trình để khảo sát. Thứ trưởng có hỏi tôi, một số đồng chí kiểm lâm và đồng bào dân tộc rằng có nên xây không? Tôi vẫn trả lời là không, vì ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường, đặc biệt là an toàn sinh học" - ông Thành chia sẻ quan điểm.

Sự có mặt của một số đông công nhân xây dựng dự án chắc chắn sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến tài nguyên rừng. Năm 2006, việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 4 đã để lại nhiều bài học. Việc lấn chiếm đất rừng gần nơi cư trú sẽ làm cho tê giác bị đe dọa nhiều hơn. Các hiệu ứng tác động này sẽ được cảm nhận bởi tất cả các động vật hoang dã có trong Vườn quốc gia, đặc biệt là những nhóm sinh vật nhạy cảm và quí hiếm như tê giác, vượn đen má vàng, chà vá chân đen...

Đặc biệt, việc xâm hại vào những khu vực khác của VQG sẽ là rất khó ngăn chặn, đường giao thông được mở mới lại tạo điều kiện cho lâm tặc. Ông Thành cho biết trên thực tế, hiện nay Vườn quốc gia đã phải đối mặt với việc kiểm soát rừng khó hơn, chứ chưa phải đợi đến lúc công trình được xây dựng ào ạt. Hi sinh một chút về môi trường để đảm bảo an ninh năng lượng là sự hi sinh xứng đáng. Nhưng 241 MW điện có sức nặng bao nhiêu, có đáng để xâm hại vào Cát Tiên hay không? Câu trả lời vẫn đợi các nhà khoa học và các nhà quản lý cân đo để có kết luận xác đáng báo cáo Chính phủ.

Đã gửi hồ sơ đến UNESCO đề nghị công nhận VQG Cát Tiên là di sản thiên nhiên thế giới

Theo thông tin được ông Trần Văn Thành - Giám đốc VQG cho biết: Hồ sơ đã được gửi đi cách đây 1 tuần, và đang đợi phản hồi từ phía UNESCO. Từ năm 1978 đến nay, khu vực VQG Cát Tiên được bảo tồn khá tốt. Khách du lịch trong nước, quốc tế và các nhà khoa học đều đánh giá cao đa dạng sinh học của khu vực này. Lượng khách du lịch đến vườn mỗi năm đều tăng 30-40%.

Hiện đây là nơi duy nhất của Việt Nam còn có thể ngồi ô tô xem được thú rừng qua lại trên đường, cho thấy sự an toàn, thoải mái mà môi trường VQG đem lại cho muông thú.

Ông Thành cho biết hiện chưa rõ khi nào UNESCO sẽ có phản hồi chính thức, hoặc đến khảo sát trực tiếp tại VQG để đi đến kết luận có công nhận nơi đây là di sản thiên nhiên thế giới hay không. Tuy nhiên, có e ngại việc triển khai 2 dự án trên sẽ ảnh hưởng tới việc xem xét công nhận.

Doanh thu mỗi năm của 2 dự án thủy điện là khoảng 900 tỷ đồng

Hai dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có tổng mức đầu tư là hơn 6.000 tỷ đồng, với tổng công suất 241 MW. Tổng diện tích chiếm dụng đất là 174,6ha.

Theo đánh giá của chủ đầu tư, dự án này sẽ hoàn vốn trong vòng 17 năm. Tuy nhiên, với con số tính toán mỗi năm cung cấp cho lưới quốc gia khoảng gần 1 tỷ kWh điện, tức doanh thu khoảng 800-900 tỷ đồng với giá điện hiện nay, thì thời gian thu hồi vốn thậm chí sẽ ngắn hơn nhiều con số tính toán, nhất là trong xu thế điện chắc chắn sẽ tăng giá trong thời gian tới. 

Vũ Hân

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Các giám sát viên của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định trong một báo cáo rằng các mảnh vỡ từ một tên lửa rơi xuống thành phố Kharkiv của Ukraine hôm 2/1 là từ tên lửa đạn đạo dòng Hwasong-11 của Triều Tiên, Reuters đưa tin.

Hơn 14 năm công tác trong lực lượng Công an, trong đó có hơn 10 năm gắn bó với công tác an ninh, Thiếu tá Trần Xuân Hoàng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã vận động, giúp đỡ hàng trăm trường hợp lầm lỡ trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép, theo "Tin lành Đêga"… trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文