Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

GDP tăng vượt bậc nhưng chúng ta phải thận trọng!

08:52 10/10/2017
Trong quý III GDP có mức tăng trưởng ngoạn mục, tốc độ tăng GDP đã đạt mức kỷ lục 7,46%. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam còn những khó khăn, thách thức nhưng kết quả khả quan trong 9 tháng vừa qua là do sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai thực hiện có hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương.

Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

PV: Theo ông, những ngành, lĩnh vực nào có dấu hiệu khởi sắc giúp cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Có thể khẳng định kinh tế nước ta 9 tháng năm 2017 đã có chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng được cải thiện rõ nét qua từng quý với nhiều điểm sáng và kết quả ấn tượng trong các ngành, lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II tăng 6,28% và ước tính quý III tăng 7,46%.

Nhờ kết quả tích cực từ ngành thuỷ sản, công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ… sản lượng thuỷ sản tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm là điểm sáng trong khu vực sản xuất nông lâm nghiệp và thuỷ sản. Nhiều diện tích trồng lúa được chuyển đổi sang thủy sản, mang lại giá trị cao (1 ha nuôi thủy sản thu nhập cao 4,5 lần so với trồng lúa). Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản tăng trưởng tốt. Việt Nam đã khơi thông được một số thị trường xuất khẩu với các mặt hàng nông sản như thanh long...

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Điểm sáng tiếp theo là mức tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 12,8% - mức tăng cao nhất của ngành này trong nhiều năm trở lại đây. Mức tăng trưởng trong khu vực công nghiệp chế biến chế tạo có sự đóng góp rất lớn từ phía Samsung. Điểm sáng cuối cùng nằm ở khu vực dịch vụ. Mức tăng của một số ngành có tỷ trọng lớn như bán buôn bán lẻ tăng tới 8,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, dịch vụ ăn uống, lưu trú, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản cũng khởi sắc.

PV: Kết quả trên rất ấn tượng, tuy nhiên các con số tăng trưởng cho thấy sự phụ thuộc rất lớn vào DN FDI, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Trong quý 3, tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao chưa từng có, đến từ nhiều ngành sản xuất. Đặc biệt, việc Samsung Việt Nam đưa điện thoại Glaxy note 8 vào sản xuất và bán ra thị trường quốc tế đã kích thích tăng trưởng mạnh mẽ và nhiều kỳ vọng sẽ tạo tăng trưởng thời gian tới. Hiện tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Samsung so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng trên 20% và tỷ lệ này tương ứng dưới 20% nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhà máy thép Formosa cũng đi vào hoạt động, ra sản phẩm giúp tạo tăng trưởng cho Việt Nam. Formosa sản xuất khoảng 1,5 triệu tấn thép chất lượng tốt. Cứ 1 triệu tấn thép của Formosa đóng góp cho tăng trưởng 0,08% GDP. Tăng trưởng GDP tăng vượt bậc rất đáng mừng, tuy nhiên dưới góc độ thống kê chúng ta cần thận trọng.

Bởi GDP tăng trưởng phụ thuộc vào khu vực FDI thì không phải hoàn toàn là thành quả của chúng ta. Giá trị tăng thêm trong sản phẩm của khu vực FDI không nhiều, Việt Nam chủ yếu gia công. Chúng ta phải tính đến việc các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bằng việc dùng người máy thay thế lao động gia công, họ sẽ chuyển nhà máy về nước.

Chúng ta phải thận trọng với bẫy tự do hóa thương mại bởi khi hội nhập, giảm các loại thuế, hàng nước ngoài tràn vào Việt Nam nhưng hàng Việt Nam không thể cạnh tranh trong nước và khó xuất khẩu. Việt Nam không thể công nghiệp hóa bằng doanh nghiệp FDI mà cần phải có DN dân tộc, DN thương hiệu của Việt Nam bằng cách tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển lớn mạnh, trở thành lực lượng đi đầu trong nền kinh tế.

PV: Theo ông, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là  6,7% có đạt được hay không?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc triển khai thực hiện có hiệu quả của bộ, ngành, địa phương, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7% có khả năng đạt được.

PV: Vậy cần phải có những giải pháp gì để có thể đạt được mục tiêu này?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi,  để đạt được mục tiêu trên, các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đã được đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện kịch bản tăng trưởng cả năm 2017; theo đó, cần tập trung điều hành chính sách tài chính, tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; thực hiện giảm lãi suất cho vay, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2017 ở mức hợp lý phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường các biện pháp chống thất thu, chuyển giá và nợ đọng thuế; triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên.

Chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2017. Tiếp tục thúc đẩy nhu cầu trong nước, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước đối với hàng nhập khẩu, quản lý tốt hệ thống bán lẻ trong nước, góp phần duy trì tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo.

PV: Với con số tăng trưởng 7,46% trong quý III, mục tiêu tăng trưởng có khả năng đạt được, vậy Tổng cục Thống kê có chịu áp lực trong việc tính toán các con số không, thưa ông?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% khá cao so với nền kinh tế Việt Nam. Mục tiêu này là áp lực cho cơ quan quản lý điều hành giảm thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thể chế. Từ áp lực chuyển thành động lực cho cơ quan quản lý cải cách để xây dựng nhà nước kiến tạo. Riêng với Tổng cục Thống kê là cơ quan hoạt động độc lập, tính sát với thực tế và Chính phủ tôn trọng các số liệu thống kê nên không chịu bất cứ áp lực gì trong việc tính toán các con số.

PV: Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất 0,5%; đồng thời, đưa mức tăng trưởng tín dụng lên 21% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ông có nhận định gì về vấn đề này? Theo ông vấn đề này có ảnh hưởng tới lạm phát từ nay đến cuối năm?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Với chủ trương hạ lãi suất cho vay và nâng mức tăng trưởng tín dụng cao hơn kế hoạch đầu năm tập trung vào sản xuất, đây sẽ là một luồng tiền huy động trong nước bơm trực tiếp vào sản xuất. Việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn tín dụng này sẽ kích thích sản xuất dẫn tới tăng trưởng kinh tế. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước ước tăng 3,79% và tăng 1,83% so với cuối năm 2016. Những năm gần đây, Chính phủ luôn chủ động kiểm soát lạm phát, khi tăng trưởng tín dụng sẽ tác động tới lạm phát, tuy nhiên có độ trễ sau 6 đến 12 tháng. Như vậy, nếu tăng trưởng tín dụng lên mức 21% sẽ tác động tới lạm phát năm 2018.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lưu Hiệp (thực hiện)

Theo Bộ Công an, dữ liệu cá nhân từ vị trí chưa thực sự quan trọng đã trở thành nguyên liệu chính cho hoạt động của các ngành, nghề, dịch vụ và cũng là một trong những nguyên liệu chính để thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Sự phát triển một số công nghệ mới đặt ra yêu cầu phải bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nhiều người khi được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư đã bỏ điều trị tại bệnh viện để về dùng phương pháp “thực dưỡng” được đồn thổi là “bỏ đói tế bào ung thư”. Sau đó, rất nhiều người khi quay trở lại bệnh viện sức khoẻ suy kiệt, tế bào ung thư phát triển di căn sang nhiều bộ phận.

Mưa nhỏ lác đác được dự báo diễn ra ở miền Bắc vào sáng sớm, sau hửng nắng, trời mát mẻ với nền nhiệt từ 26 -28 độ C. Trong khi đó, Nam Bộ tiếp tục nắng nóng 35-36 độ C, trời oi bức.

Tối 7/4, đại diện Đoàn cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Bộ Công an Việt Nam cho biết, sau nhiều ngày thực hiện nhiệm vụ quốc tế tại Myanmar, đoàn đã độc lập giải cứu 7 nạn nhân bị mắc kẹt trong trận động đất và bàn giao cho gia đình. Đồng thời, phối hợp với các đội cứu hộ Myanmar, Philippines, Indonesia, Singapore giải cứu thêm 7 nạn nhân khác.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 5 bị can là nhân vật chủ chốt của Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt (CER Group) và Công ty cổ phần Asia life. Đáng chú ý, Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt chỉ hoạt động trong thời gian ngắn đã tăng vốn điều lệ, thu hút lượng lớn khách hàng trên toàn quốc bởi sự “tiếp tay” đắc lực của người nổi tiếng như Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs.

Tối 7/4, Thượng tá Lý Hoài Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội cho biết, các tổ công tác 141 của Phòng CSHS đã phát hiện một nhóm gồm 6 đối tượng giả danh lực lượng 141 điều khiển xe máy trong đêm, rất manh động khi sẵn sàng chặn xe người vi phạm và hành hung người đi đường để tăng tương tác trên mạng xã hội.

Ngày 7/4, Công an phường Long Bình, TP Biên Hòa đã chuyển hồ sơ và hàng chục thùng thuốc tây không rõ nguồn gốc đã phát hiện trên địa bàn cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an tỉnh Đồng Nai để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền…

Ngay trong ngày nghỉ lễ, 6 thanh niên trú tại TP Nam Định và huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã tụ tập chơi đánh bạc dưới hình thức xóc  đĩa được thua bằng tiền. Khi các đối tượng đang say sưa sát phạt thì bị Tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định bắt quả tang.

Ngày 7/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố bắt tạm giam 5 đối tượng gồm Nguyễn Ngọc Trà Mi (SN 1996), Nguyễn Thanh Thảo My (SN 2003), Phạm Giang Bắc (SN 1987), Nguyễn Minh Sang (SN 2000) cả 4 đều ngụ TP Biên Hòa và Nguyễn Xuân Trường (SN 1994) ngụ TP Hồ Chí Minh để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文