Giá sữa lại 'loạn' trước thời hạn kê khai

10:45 11/04/2015
Sau gần 1 năm áp trần, giá sữa vẫn “loạn”, mỗi nơi một giá, và hiện tượng “lách trần”, “chọc trần” tiếp tục diễn ra. Theo quy định, một số sản phẩm sẽ phải kê khai lại giá theo hướng giảm trước ngày 15/4 nhưng thị trường lại xuất hiện tình trạng “chạy” kê khai giá.

Theo quy định mà Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) công bố, đến ngày 15/4, các hãng sữa sẽ phải loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá, và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ; đồng thời kê khai giá lại đối với sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi. Như vậy, chỉ còn vài ngày nữa, “chiếu” theo quy định, sẽ có một loạt các mặt hàng sữa “đại hạ giá”. Việc này nếu thực hiện đúng, sẽ là tin vui với rất nhiều bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, thực tế, giá sữa có sẽ hạ hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

Từ cuối tháng 3, thị trường đã xôn xao khi hai công ty trách nhiệm hữu hạn Nestle Việt Nam và Friesland Campina Việt Nam đưa ra bảng giá bán cho 10 sản phẩm sữa mới của mình. Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã nhận được đăng ký giá của hãng Friesland Campina với 9 sản phẩm mới, đều thuộc dòng Dutch Baby… có trọng lượng 400 - 1.500gr. Điều đáng nói là những sản phẩm mới này đều có giá bán cao hơn hẳn các sản phẩm Dutch Baby cũ cùng tên, nhưng không “gold”, từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng/hộp; và cao hơn cả sản phẩm Dutch Lady Gold 123 hiện nay.

Chi phí quảng cáo đội giá sữa lên cao. Ảnh: Thiện Hoàng.

Ví dụ là hộp sữa Enfagrow số 4 mẫu cũ dành cho trẻ 3 tuổi trở lên, nay đã được đổi thành Enfagrow số 4 mẫu mới dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Thành phần trên vỏ vẫn như cũ, song, giá của hộp sữa mới lại đắt hơn 5%. Hay như nhiều người tiêu dùng trước đây vẫn mua sữa Enfagrow số 3 loại 900gr (từ 12-36 tháng tuổi) giá 355 nghìn đồng, hiện được một số cửa hàng yêu cầu đổi sang Enfamil số 3 loại 900gr (từ 12 - 24 tháng tuổi) giá tận 450 nghìn đồng/hộp… Như vậy, rõ ràng chỉ cần thay tên, đổi họ, thậm chí là khoác một chiếc áo mới thay vì áo cũ, thì giá sữa lại có thể tăng một cách công khai. 

Không phải chỉ sữa dành cho trẻ em dưới 2 tuổi tìm cách “lách trần”, mà ngay cả những loại sữa dành cho trẻ em từ 0-6 tuổi được áp trần từ cách đây gần 1 năm, nhiều cửa hàng cũng “ngang nhiên” “chọc trần”. Ví dụ, tại một số cửa hàng ở Cầu Giấy- Hà Nội, sữa Enfamil A+1 Brain Plus hộp 900g được bán với giá 498.000 đồng/hộp, cao hơn mức trần quy định giá bán lẻ tối đa của Bộ Tài chính tới 60 nghìn đồng. Cũng sản phẩm này, tại một cửa hàng trên phố Trần Xuân Soạn, giá bán lẻ cùng loại Enfamil A+1 Brain Plus dao động ở mức từ 475.000 - 503.000 đồng/hộp 900g. Tương tự, sữa Enfamilk A+2 hộp 900g có giá bán lẻ không quá 417.000 đồng/hộp, nhưng cửa hàng bán với giá 473.000 đồng/hộp, cao hơn quy định 56.000 đồng/hộp...

Chi phí quảng cáo đội giá sữa lên cao.

Trước việc hàng loạt sản phẩm sữa có “áo mới” đã tăng ở mức phổ biến 8%, dù thành phần không thay đổi, nhiều nghi vấn về việc các hãng sữa “chạy” giá đang được đặt ra. Theo đó, để đối phó với lệnh “kê khai” lại theo hướng giảm, các hãng sữa đã tung ra sản phẩm mới có giá cao, để rồi khi đến hạn đăng ký giá, phải tách chi phí quảng cáo, giá có hạ xuống thấp, nhưng doanh thu sẽ không bị ảnh hưởng. Như vậy, về cơ bản, giá sữa vẫn chỉ có tăng mà không có giảm. 

Lý giải về việc cố tình đẩy giá sữa lên cao, theo các chuyên gia, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp sữa tìm mọi cách điều chỉnh tăng giá bán, dù diễn biến giá nguyên liệu trên thị trường thế giới có như thế nào. Số liệu thống kê cho thấy, rất nhiều hãng sữa có chi phí quảng cáo lên tới 40%, một vài hãng sữa nước ngoài thậm chí còn chi cho quảng cáo tới 60 - 70%.

Trước thực trạng này, trả lời câu hỏi bức xúc của phóng viên về giá sữa và nạn “lách trần”, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết: Theo quy định về bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, các sản phẩm mới trong diện bình ổn phải kê khai giá với cơ quan chức năng.

“Hoạt náo viên” sữa đóng thuế thu nhập 170 tỷ đồng?

Một thông tin từ trong ngành quản lý cho PV Báo CAND biết: Có doanh nghiệp, số người được gọi là “hoạt náo viên”, mặc những bộ đồ ngộ nghĩnh, nhảy múa gây sự chú ý cho các “thượng đế nhí”, hòng lôi kéo những khách hàng này hướng sử dụng sang sản phẩm của mình lên tới 2.000 người. Tiền để trả lương cho những hoạt náo viên này là những con số rất lớn, mà chỉ tính riêng thuế thu nhập những hoạt náo viên này phải đóng cho ngân sách Nhà nước hằng năm lên tới khoảng 170 tỷ đồng. Con số này nếu đem nhân với 5 doanh nghiệp lớn và một cơ số doanh nghiệp khác, thì hằng năm, 10 triệu trẻ em khi uống sữa phải chi lên tới nhiều nghìn tỷ đồng để trả lương…

Lệ Thúy

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文