Gỡ khó cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Đến dự có đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và 200 đại biểu các Bộ, ngành, Ban điều phối vùng KTTĐ miền Trung và các chuyên gia, nhà quản lý kinh tế trong nước.
Vùng KTTĐ miền Trung được thành lập từ năm 2008 gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, với diện tích tự nhiên 27.881,7km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước, dân số 6,5 triệu người, chiếm trên 7,0% dân số cả nước.
Vùng có điều kiện thuận lợi hình thành hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc-Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây, nối Myanmar, Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương. Đến nay, sau 10 năm thành lập, vùng KTTĐ miền Trung đã có 4 khu kinh tế ven biển, gồm Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên- Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định).
Các đại biểu tham gia hội nghị đưa ra nhiều ý kiến tháo gỡ khó khăn cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. |
Ngoài ra, còn có 19 KCN được Thủ tướng cho phép thành lập, chiếm 5,8% số KCN được cấp phép cả nước và khoảng 45,2% số KCN của 14 tỉnh thành miền Trung. Với mục đích đề xuất một mô hình liên kết có tính sáng tạo, tiên tiến và bền vững giữa các khu kinh tế, KCN, khắc phục tình trạng không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, giúp vùng KTTĐ miền Trung thực sự phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tại hội nghị, bên cạnh việc đánh giá thực trạng phát triển vùng KTTĐ miền Trung, các đại biểu đã nêu ra những khó khăn, hạn chế và đề xuất các kiến nghị để điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đối với các khu kinh tế và KCN.
TS. Dương Đình Giám, chuyên gia về công nghiệp hỗ trợ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) nhìn nhận, thời gian qua, mục tiêu thu hút nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI của các KCN ở vùng KTTĐ miền Trung chưa đạt được như kỳ vọng.
Dẫn chứng như Đà Nẵng có số dự án FDI cao nhất với 384 dự án, Bình Định 224 dự án, thấp nhất là Thừa Thiên-Huế với 85 dự án. Sự chênh lệch này dẫn đến chênh lệch số vốn đầu tư, thu hút lao động, phát triển cơ sở hạ tầng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cho các địa phương.
Ngoài ra, trình độ công nghệ của các dự án đầu tư vào vùng KTTĐ miền Trung còn thấp, chủ yếu vẫn là các ngành công nghiệp nhẹ như dệt, may, sản xuất giày dép, lắp ráp hàng điện, điện tử, trong khi các nhà đầu tư thuộc các nước có trình độ công nghệ công nghiệp tiên tiến như Nhật, Anh, Pháp đầu tư vào vùng lại rất ít.
TS. Dương Đình Giám cũng chỉ ra thực trạng hạn chế của các khu kinh tế và KCN tại vùng KTTĐ miền Trung, đó là hiện số lượng các KCN ở miền Trung đi vào vận hành chưa nhiều, quy mô vốn đầu tư hạn chế; ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, KCN còn trùng lặp, chính sách thu hút không đồng bộ, thiếu gắn kết; hàm lượng KHCN trong các dự án đầu tư còn thấp và tình trạng thiếu lao động trong các KCN đang là nghịch lý của chính sách thu hút đầu tư phát triển các KCN trong vùng.
“Nguyên nhân dẫn đến các hạn chế kể trên là do các chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh thành chưa có gì vượt trội, công tác quản lý khu kinh tế, KCN gặp nhiều khó khăn, hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, thiếu sự gắn kết và hợp tác lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong vùng. Bên cạnh đó là tình trạng tranh giành tài nguyên, đùn đẩy trong xử lý ô nhiễm môi trường…”, TS. Dương Đình Giám khẳng định.
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam đưa ra nhận định rằng, hiện nhiều tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ miền Trung đang còn chạy theo tăng trưởng GĐP dẫn đến chiến lược thu hút đầu tư có vấn đề, cách tiếp cận thu hút đầu tư chủ yếu dựa trên hệ thống ưu đãi về thuế đất, bán lợi ích cho nhà đầu tư.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kinh tế miền Trung chưa thể xoay chuyển và các tỉnh thành chưa tạo ra được sự khác biệt trong cách tiếp cận thu hút đầu tư các dự án vào vùng kinh tế trọng điểm.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất định hướng phát triển các khu kinh tế vùng KTTĐ miền Trung đến năm 2025 là phát triển chọn lọc các khu kinh tế trong vùng, kiến nghị Trung ương tập trung kinh phí đầu tư hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật quan trọng, thiết yếu để nhanh chóng đưa các khu kinh tế được lựa chọn vào hoạt động hiệu quả.
Đồng thời đưa ra các giải pháp đột phá tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả của hệ thống các khu kinh tế, KCN trong vùng như rà soát quy hoạch phát triển các KCN dựa trên sự hợp tác và liên kết; liên kết phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; lựa chọn phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp cụ thể tránh trùng lặp; xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác thu hút và xúc tiến đầu tư.
Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy quản lý các khu kinh tế, KCN năng động, hiệu quả và kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường… Đồng chí Ngô Quang Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Các khu kinh tế, KCN khu vực miền Trung có tiềm năng lợi thế tương đối giống nhau nhưng chưa có những phân tích sâu nhằm đưa ra cơ chế phân công thu hút, phát triển hợp lý, tạo nên lợi thế tổng thể của toàn vùng.
Vì thế, trên cơ sở ý kiến tham gia tại hội nghị, Hội đồng vùng KTTĐ miền Trung cần cùng nhau đánh giá lại hoạt động trong 10 năm qua để hoàn chỉnh báo cáo đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển các khu kinh tế, KCN thuộc vùng, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.