Gỡ nút thắt “sợ” cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước
- Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm cả chất và lượng
- Chấm điểm mức độ công khai, minh bạch thông tin để “thúc” cổ phần hóa doanh nghiệp
- Lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tăng mạnh trở lại
- Những vướng mắc trong cổ phần hóa doanh nghiệp ở TP HCM
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, đến cuối tháng 8, cả nước CPH được 42 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Theo dự kiến thì trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ thực hiện CPH 194 DN (chưa bao gồm các DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, SCIC và DN 100% vốn cấp 2 của tập đoàn kinh tế đã có chủ trương CPH công ty mẹ, DN 100% vốn cấp 2 của tổng công ty, công ty mẹ - con).
Đáng chú ý là thời gian qua việc IPO đã chứng kiến sự không thành công của nhiều DNNN vì lượng cổ phần bán được thấp, cá biệt có một số DN chào bán 30 - 40% cổ phần, nhưng chỉ bán được 1 - 2% cổ phần. Ngoài ra, tiến độ CPH vẫn bị đánh giá là chậm và vẫn còn tâm lý “sợ” CPH.
Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã có sự bứt phá về mọi mặt. Ảnh: CTV. |
Hiện nay, tuy nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các DN về chủ trương tái cơ cấu DNNN đã có chuyển biến, nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa.
“Chậm CPH một phần gắn với nhân sự lãnh đạo quản lý của DN, chủ yếu là người đứng đầu DN, vì họ là những người có tiếng nói, có ảnh hưởng lớn, có tính quyết định đến quyết tâm CPH hay làm chậm quá trình CPH. Đặc biệt, bài toán lợi ích "được-mất" giữa chưa CPH và CPH, thời điểm tiến hành CPH đối với DN và đối với cá nhân của những người đứng đầu, người lãnh đạo, quản lý DN”- TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban nghiên cứu cải cách và phát triển DN nhận định.
Vì nỗi sợ này, mà việc CPH các DNNN đã chậm lại càng chậm. Song, bên cạnh nỗi sợ của các lãnh đạo, ngay chính bản thân người lao động tại các DN được CPH cũng sợ ảnh hưởng tới công việc. Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đã đưa vào dự thảo Nghị đinh, trong đó người lao động sẽ được ưu đãi 40% giá trị cổ phần khi muốn mua cổ phiếu tại DN được CPH.
Trên thực tế, rất nhiều DN sau CPH đã bứt phá về mặt doanh thu, lợi nhuân cũng như thu nhập của cán bộ công nhân viên. Công ty CP Cơ điện Trần Phú là một ví dụ. Năm 2010, Cơ điện Trần Phú thoái vốn lần đầu với tỷ lệ 35% vốn Nhà nước.
Thời điểm đó, lợi nhuận của DN chỉ đạt 35 tỷ, thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên ở mức 6 triệu đồng/tháng. Đến nay, sau 5 năm CPH, lợi nhuận DN tăng gần 5 lần lên mức 159 tỷ đồng, thu nhập cán bộ, công nhân viên trung bình 14 triệu đồng/người.
Những con số này đã chứng tỏ được năng lực cạnh tranh, hiệu quả của công tác CPH DNNN.
Nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã có sự bứt phá về mọi mặt. |
“Cái mà DN thu được trong quá trình thoái vốn là thu hút được thêm nhân lực, nguồn lực tài chính, kinh nghiệm của các nhà đầu tư lớn, thổi một luồng gió mới vào quản trị DN. Quá trình này cũng giúp người lao động trở thành những cổ đông- chủ nhân của DN, đóng góp thực sự vào quá trình phát triển của DN mà họ làm chủ” - bà Đỗ Thị Thu Trà, Tổng Giám đốc (TGĐ) Công ty CP Cơ điện Trần Phú cho biết.
Hay như tại Hapro, thời gian qua, tổng công ty này đã tiến hành CPH, thoái vốn tại nhiều DN thành viên. Sau CPH, thoái vốn, các DN này đều hoạt động ổn định và phát triển hơn.
Theo ông Vũ Thanh Sơn- TGĐ Hapro: “Tuyên truyền cho quá trình CPH DNNN khó nhất là ở tâm lý “sợ” CPH của cán bộ, công nhân viên. Sợ thay chủ, vị trí lãnh đạo sẽ thay đổi, cán bộ công nhân mất việc. Tuy nhiên, sau quá trình CPH 6 đơn vị trực thuộc, chúng tôi thấy rằng, dù sở hữu Nhà nước, tư nhân hay đa sở hữu thì ở đâu cũng cần những cán bộ tâm huyết, cố gắng hết mình vì sự phát triển chung. Đây cũng là tiền đề quan trọng để việc CPH thực sự hiệu quả”.
Như vậy, một trong những “nút thắt” để đẩy nhanh quá trình CPH DNNN là “gỡ” tâm lý sợ CPH của lãnh đạo, cán bộ công nhân viên DNNN, để họ cảm thấy thực sự là người làm chủ, đóng góp tích cực vào phát triển, sản xuất kinh doanh của DN. “Để cán bộ, công nhân thôi “sợ” CPH, công tác tuyên truyền phải sâu rộng để người lao động hiểu được giá trị của CPH, quyền lợi của mình khi DN CPH.
Giá trị thương hiệu DN có sự đóng góp không nhỏ của đông đảo cán bộ, công nhân viên DN nên việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động là cần thiết để nâng cao hiệu quả CPH”- bà Đỗ Thị Thu Trà, TGĐ Công ty CP Cơ điện Trần Phú chia sẻ.