Hải Phòng: Bế tắc bài toán rác thải nông thôn
Nhà sạch nhưng làng bẩn
Theo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng, trong nhiều năm qua, cùng với việc tổ chức tốt mô hình thu gom vận chuyển và xử lý chất thải khu vực nội thành, đơn vị đã tham mưu, hỗ trợ nhiều mặt để đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt khu vực ngoại thành. Đến nay, hầu hết các xã, huyện trong thành phố đều đã tự tổ chức các đội, tổ vệ sinh môi trường theo đúng bài bản. Nhờ đó, môi trường nông thôn đã được cải thiện, tình hình ô nhiễm đã không còn bức xúc như trước nữa.
Xử lý rác nông thôn thực sự là bài toán khó. |
Tuy nhiên, có một thực tế là việc thu dọn rác ở khu vực nông thôn mới chỉ dừng lại ở việc thu gom vận chuyển và tập kết rác vào bãi tập trung đã được chỉ định. Lúc đầu cũng chẳng vấn đề gì, thôn quê rộng lớn thì một bãi rác dăm ba ngàn mét vuông chẳng có gì là chướng ngại. Nhưng chỉ sau một vài năm, rác đã bắt đầu phát tác những tệ hại của nó.
Nước rác từ bãi chảy len lỏi ra ruộng, mưa xuống nước cuốn rác theo dòng chảy tự nhiên đổ bộ khắp mọi nơi. Nắng lên ruồi nhặng bay loạn trời, mùi xú uế theo gió thổi xộc vào làng xóm không sao chịu được. Cũng có nơi đã tính đến chuyện xây bể thu nước rác như ở Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên, song chẳng hiểu sao bãi rác của xã này vẫn dập dềnh nước rác, hôi thối đến buốt đầu nhưng bể thu hoàn toàn vô tác dụng.
Cũng có trường hợp Trung tâm Y tế huyện cấp thuốc khử trùng, khử mùi cho các xã xử lý bãi rác, thế nhưng việc này chỉ năm thì mười họa, thuốc không phải lúc nào cũng có, chẳng có tác dụng gì mấy để xử lý triệt để, thành ra, rác thải nông thôn chỉ sạch ở mỗi ngôi nhà nhưng cả xóm làng cùng gánh chịu ô nhiễm vì những bãi rác tập trung thiếu quy trình xử lý.
Chất thải rắn đổ về nông thôn
Chưa hết, tại một số xã ngoại thành Hải Phòng đang có nguy cơ biến thành nơi tập kết rác thải công nghiệp, chỗ xả thải khí bẩn, điểm chứa rác cồng kềnh, rác không thuộc danh mục phải thu gom vận chuyển của ngành rác. Tại xã Nam Sơn, huyện An Dương, nơi tập trung khá nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp đủ loại quy mô song lại rất thiếu những công đoạn xử lý môi trường khép kín.
Thời gian gần đây, người dân thôn Cống Mỹ và thôn Lương Quán ở xã này liên tục phản ánh cụ thể Công ty TNHH Thái Sơn, Nhà máy Hưng Thịnh (thuộc Công ty TNHH Hoàng Huy), Công ty Tân Thuận Phong khi sản xuất, nấu luyện kim loại, đúc chi tiết máy, xử lý rác thải... bằng cách xả khói, xả nước thải ra môi trường chung quanh làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân trên địa bàn. Những hôm trời khô, khói bốc lên theo hướng gió thì cả làng cùng bụi, thứ bụi lờ nhờ, bám vào người rồi thì rửa cũng khó ra, rất khó chịu.
Nhưng khi thời tiết có độ ẩm cao còn nguy hơn, khói bụi không bay xa được ùa vào nhà dân, phải hít thở trực tiếp thứ mùi khủng khiếp khét, tanh, cay phát buồn nôn. Đó là khí thải, nước thải cũng không kém phần làm cho dân ghê rợn. Nước thải đen ngòm chảy từ các xưởng sản xuất phía trong ra mương, cống thoát nước, tưới tiêu của các hộ dân.
Một người dân chỉ vào mương nước rồi dẫn hướng chúng xuất phát từ Nhà máy Xử lý chất thải của Công ty Thuận Phong nói: "Ở nông thôn không gì quan trọng cho bằng nguồn nước, song nước đen đặc và thối hoắc như thế này khiến chúng tôi phải tìm cách quai bờ, chặn cống. Vì nếu chúng tràn vào ruộng là chết lúa, tràn vào ao cá sẽ chết hàng loạt".
Ô nhiễm do sản xuất công nghiệp, kéo dài từ năm 2003 đến nay vẫn chưa có cách xử lý dứt điểm khiến nhiều người dân bức xúc ném gạch đá vào công xưởng là có thật. Đó là khẳng định của lãnh đạo UBND xã Nam Sơn. Địa phương cũng đã từng nhiều lần mời các công ty đến làm việc, tìm biện pháp khắc phục nhưng không nhận được sự hợp tác. Có vẻ như các doanh nghiệp không sợ cấp xã, khi nhắc nhở về vấn đề ô nhiễm môi trường.
Còn cấp huyện thì sao? Phòng TNMT An Dương cũng đôi lần kiểm tra thực tế, nhắc nhở, doanh nghiệp hứa tiếp thu, khắc phục. Phòng về thì lời hứa bay đi theo, ô nhiễm vẫn bao trùm, người dân xã Nam Sơn vẫn phải hít thở, sống chung bầu không khí đặc quánh chất thải, nước thải độc hại. Cái đó được các nhà quản lý Nhà nước cấp Sở gọi là ô nhiễm ngoài khu công nghiệp, thực trạng đang tìm giải pháp tháo gỡ.
Nông thôn bẩn thì thành phố cũng khó sạch, khó an toàn. Nếu thế Hải Phòng phát triển bền vững sao đây?