Hải Phòng ồ ạt xây bệnh viện tư nhân
Thời gian qua, Hải Phòng tiếp nhận khá nhiều hồ sơ, văn bản đề nghị cho phép thành lập bệnh viện tư. Và thực tế, Hải Phòng cũng đã cấp phép xây dựng một số bệnh viện tư theo tiêu chí quy định của Bộ Y tế. Hiện, "làn sóng" đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa dứt.
Xét ở góc độ xã hội hoá công tác y tế, việc nhiều bệnh viện tư được mở không những huy động được tiềm năng, trí tụê trong nhân dân tham gia vào sự nghiệp y tế, mà còn tạo điều kiện để mọi người dân được thụ hưởng thành quả chung do hệ thống y tế tư nhân mang lại. Tuy nhiên, trước "cơn lốc" xây dựng bệnh viện tư này, cả nhà đầu tư lẫn nhà quản lý đều phải cân nhắc.
Rộng mở "đường đua" cho các nhà đầu tư
Đến thời điểm này, ngoài 2 bệnh viện tư nhân (BVTN) là: Bệnh viện Văn Cao (tại đường Văn Cao, quận Hải An), hoạt động từ năm 2004; Bệnh viện Hồng Phúc (số 10, Hồ Xuân Hương, quận Hồng Bàng), bắt đầu hoạt động từ quý III - 2008, địa bàn TP Hải Phòng còn có hơn 10 BVTN khác đã khởi công, sắp khởi công hoặc đang trong quá trình hoàn tất thủ tục xây dựng theo quy định.
Đáng nói, trong số 8 bệnh viện quốc tế, có 2 bệnh viện phụ sản. Tất cả các BVTN này đều dự kiến đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị. Nếu đúng như cam kết thì số vốn đầu tư cho xây dựng BVTN ở Hải Phòng quả là con số khổng lồ, hàng nghìn tỷ đồng chứ không thấp hơn. Chưa kể, còn 30 phòng khám đa khoa tư nhân, quy mô tuy nhỏ hơn nhưng trang thiết bị chẩn đoán và điều trị không thua kém so với bệnh viện công lập tại Hải Phòng hiện nay.
Sau BVTN Văn Cao và BVTN Hồng Phúc, BVTN Việt Hoàng của Công ty CP công nghiệp Việt Hoàng được khởi công xây dựng ngày 20/5/2008 tại phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, trên quy mô diện tích 17.000m2, với 250 giường bệnh, kinh phí 450 tỷ đồng, gồm 3 khối nhà cao tầng, từ 5 - 19 tầng. Đây được coi là "điểm nhấn" làm đẹp cảnh quan, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh chất lượng cao của một bộ phận người dân TP và người nước ngoài đang làm ăn, sinh sống tại đây.
Ngoài ra, có thể kể tới một vài dự án BVTN khác đã và đang được khảo sát, xúc tiến đầu tư như: Bệnh viện Đa khoa quốc tế thuộc Công ty TNHH Trường Thọ, quy mô 200 giường, dự kiến xây dựng ở quận Dương Kinh...
Vì sao có "làn sóng" đầu tư ồ ạt?
Theo cơ quan chức năng TP Hải Phòng, việc phát triển mạng lưới y tế tư nhân, cụ thể là các bệnh viện tư, sẽ làm cho dịch vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe đa dạng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa y tế tư với y tế công. Nhờ đó, người dân có quyền lựa chọn những cơ sở dịch vụ có chất lượng để chăm sóc sức khỏe. Không những thế, Nhà nước còn thu được khoản tiền thuế đáng kể từ hoạt động của các cơ sở này.
Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt các BVTN, nhất lại ở một thành phố có số dân không đông (hơn 1,7 triệu người), như Hải Phòng, khiến người ta không khỏi băn khoăn, thậm chí hoài nghi, lo lắng.
Bởi lẽ, thứ nhất, thực trạng khá phổ biến ở hệ thống y tế tư nhân hiện nay, đó là các nhà đầu tư chỉ tập trung xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho… "hơn người", mà chưa thực sự chú trọng đầu tư nguồn nhân lực. Phần lớn nhân lực của các bệnh viện, phòng khám tư tại Hải Phòng đều là cán bộ, nhân viên y tế đã nghỉ hưu hoặc đang làm việc tại các cơ sở y tế công.
Thứ hai, đầu tư vào lĩnh vực y tế, theo quan niệm của nhiều người, là khá "xương", vì kinh phí lớn, thu hồi vốn chậm, độ rủi ro cao, các trang thiết bị bệnh viện lại rất đắt tiền. Tóm lại, tiêu chí để xây dựng bệnh viện là phải có trang thiết bị tốt, có đội ngũ cán bộ nhân viên đủ trình độ, tin cậy. Tuy nhiên, nếu đem các tiêu chí này đối chiếu với thực tế các dự án xây dựng BVTN ở Hải Phòng thì hầu hết không đủ điều kiện.
Nếu vì lợi nhuận thì các nhà quản lý y tế khuyến cáo nhà đầu tư không nên vội vã, mà hết sức cẩn trọng, cân nhắc. Còn nếu vì lý do khác thì về phía địa phương, nhất là cơ quan cấp phép đầu tư, cần lưu tâm tới tính khả thi của dự án để quyết định nên phê duyệt hay không. Bởi dư luận cho rằng, không ít nhà đầu tư xây dựng BVTN vì thấy việc xin đất xây dựng bệnh viện dễ hơn các mục đích khác, hơn thế còn được miễn tiền thuế đất 5 năm đầu...