Dự án BOT QL14 qua Đắk Lắk:

Hàng loạt sai phạm của nhà đầu tư BOT Quang Đức

09:47 08/07/2014
Như Báo CAND đã đưa tin, trong chuyến thị sát tại các công trường xây dựng mở rộng, nâng cấp đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vào sáng 5/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã quyết định chấm dứt hợp đồng đối với nhà đầu tư BOT Quang Đức. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài việc chậm tiến độ thì tại dự án BOT Quang Đức còn để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng khác...

Khởi công một năm,  thi công mới được hơn 3 tháng

Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh trên QL14 từ km 1738+148 đến km 1763+610 (đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk) do nhà đầu tư liên danh Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (Gia Lai), Công ty Cổ phần Đông Hưng Gia Lai và Công ty Cổ phần Sê San 4A đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Sau đó, liên danh này thành lập Công ty Cổ phần BOT Quang Đức để ký hợp đồng với Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức làm chủ đầu tư dự án. Dự án có chiều dài khoảng 25,5km sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 60-80km/h với tổng vốn đầu tư 836 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi khởi công được một thời gian thì Công ty Cổ phần Sê San 4A đã rút lui không tham gia, còn Công ty Cổ phần Đông Hưng Gia Lai tham gia một cách cầm chừng để nghe ngóng tình hình. Dự án này được khởi công từ tháng 6-2013, nhưng theo ông Trần Trọng Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức thừa nhận, dự án mới chỉ được khởi động từ đầu năm 2014 và chỉ thực sự thi công được khoảng hơn 3 tháng trở lại đây.

Trong khi Chính phủ chỉ đạo toàn tuyến QL14 đến cuối năm 2015 phải hoàn thành, thì bất ngờ từ đầu tháng 6/2014, các nhà thầu thuộc dự án BOT Quang Đức đồng loạt ngừng thi công. Trong buổi làm việc với Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, ông Trần Trọng Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức thừa nhận có việc các nhà thầu đồng loạt ngừng thi công. Nguyên nhân mà ông Dũng đưa ra là do các nhà thầu “tự ý” dừng thi công (?).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo CAND, nhà đầu tư này thành lập Công ty Cổ phần BOT Quang Đức, sau đó công ty này lại ký hợp đồng liên doanh với công ty “cha” là Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức. Từ đó Công ty Quang Đức “cha” lại ký hợp đồng với các nhà thầu dẫn đến tình trạng không minh bạch về tài chính, không thanh toán tiền đủ khối lượng thi công nên các nhà thầu đã đồng loạt dừng thi công để phản đối.

Thị sát tại công trường, Bộ trưởng Đinh La Thăng quyết định loại nhà đầu tư Quang Đức khỏi dự án.

Trước diễn biến phức tạp của vụ việc, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo sự việc. Theo báo cáo, Dự án km1738+148 - km1763+610 (tỉnh Đắk Lắk) do nhà đầu tư Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức thực hiện mới chỉ thi công 8/10 gói thầu. Chủ yếu là thi công nền đường, cống thoát nước, móng đá.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, giá trị sản lượng mới chỉ đạt được khoảng 40 tỷ đồng (tương đương với 8,5% giá trị hợp đồng xây lắp). Theo đánh giá, đây là dự án có tiến độ thi công chậm nhất trong toàn tuyến. Đặc biệt, từ ngày 1/6 đến nay, các nhà thầu đã đồng loạt dừng thi công.

Căn cứ vào Báo cáo của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã có Công điện số 37/CĐ-BGTVT, ngày 9/6/2014 chỉ đạo: “Nhà đầu tư doanh nghiệp dự án (Công ty Cổ phần BOT Quang Đức) khẩn trương giải quyết các vướng mắc về nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành, tạm giữ, tạm ứng với các nhà thầu để thi công đồng loạt các gói thầu trước ngày 10/6/2014. Nếu nhà đầu tư chậm trễ khắc phục tình trạng trên, không quyết liệt đẩy mạnh tiến độ, đáp ứng yêu cầu, Bộ GTVT sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng BOT với nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư khác thay thế”.

Tuy nhiên, theo quan sát, tìm hiểu của chúng tôi, đến hết ngày 30/6, với tổng số 10 gói thầu của dự án BOT này, chỉ có duy nhất gói thầu số 5 là có vài chiếc máy lu, xe cẩu thi công một cách cầm chừng trên công trường, còn lại 9 gói thầu vẫn “án binh bất động” để phản đối nhà đầu tư.

Hàng loạt nhà thầu vẫn “án binh bất động” để phản đối nhà đầu tư.

Muốn nhận thầu phải  “lại quả” 30%

Lý giải về vấn đề trên, ngày 10/6, Công ty Cổ phần BOT Quang Đức đã có Báo cáo giải trình số 47/CtyBOT.QĐ trình Bộ GTVT, ghi rõ các khoản tạm giữ giữa nhà đầu tư và nhà thầu như sau: “Khoản tạm giữ 5% giá trị thầu chờ quyết toán và 5% giá trị hợp đồng để bảo hành công trình…Thêm giữ 10% giá trị phần nền đường và các hạng mục khác cho đến khi thảm nhựa mặt đường…”.

Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, Công ty Cổ phần BOT Quang Đức có dấu hiệu mờ ám, ngoài khoản tạm giữ 20% như đã báo cáo, Công ty Cổ phần BOT Quang Đức không trực tiếp ký hợp đồng với các nhà thầu, mà lại liên doanh với Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức. Từ đó, đơn vị nào muốn nhận thầu tại dự án phải viết “Thư đề xuất nhận thầu” tự nguyện cắt lại 30% (vô điều kiện) giá trị gói thầu cho Công ty Quang Đức “cha”.

Bằng chứng là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Gia Huy đã phải viết “Thư đề xuất nhận thầu” gói thầu số 9 và 10 của dự án BOT Quang Đức. Trong thư ghi rõ: “Chiết giảm 30% giá trị của gói thầu theo hồ sơ thiết kế, dự toán được phê duyệt. Theo đó, chúng tôi chỉ nhận giá trị thanh toán thực tế bằng 70% giá trị ký kết trong hợp đồng nhận thầu”.

Thực tế đã chứng minh từ chứng từ giá trị nghiệm thu của 2 gói thầu số 9 và 10 mà Công ty Gia Huy đã thực hiện, theo đó giá trị tại gói thầu số 9 nghiệm thu là hơn 1 tỷ 002 triệu đồng, giá trị tại gói thầu số 10 nghiệm thu là hơn 1 tỷ 419 triệu đồng, tổng cộng là hơn 2 tỷ 421 triệu đồng. Ngày 12/5, Công ty Quang Đức “cha” chuyển cho Gia Huy 1 tỷ đồng. Đến ngày 20/5, Công ty Quang Đức “cha” chuyển tiếp 710 triệu đồng. Tổng cộng Công ty Gia Huy nhận được hơn 1,7 tỷ/2,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thỏa thuận “lại quả” 30%, ngày 13/5/2014, Công ty Gia Huy đã nộp tiền mặt qua Ngân hàng BIDV lại cho Thái Nữ Kiều Trang (số tài khoản 62010000347982), Kế toán trưởng cũng là con gái của ông Thái Hồng Nhân (Tổng Giám đốc Công ty Quang Đức) số tiền 579.433.000 đồng. Điều đáng nói, mặc dù các khoản “lại quả”, tạm giữ rất cao nhưng nhà đầu tư lại không thanh toán kịp thời khối lượng hoàn thành cho nhà thầu, khiến các nhà thầu không còn khả năng để tiếp tục thi công dẫn đến đồng loạt ngừng thi công để phản đối nhà đầu tư.

Rõ ràng, với việc “chặt chém” như vậy, dư luận đang đặt ra câu hỏi liệu các nhà thầu còn có lãi trong quá trình thi công, công trình có còn đảm bảo đúng chất lượng?… Liên quan đến các sai phạm của nhà đầu tư này, vừa qua Bộ GTVT cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công an kiểm tra, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật

Văn Thành

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文