Sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm:

Hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng tinh vi, phức tạp

19:09 22/10/2013
* 12 tập thể và 27 cá nhân được khen thưởng về thành tích phối hợp
Sáng 22/10, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã phối hợp tổ chức Hội nghị “Sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Tổng cục thuế và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm”. Thượng tướng Lê Quý Vương, UVTW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tham dự và chỉ đạo hội nghị.

Trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, sản xuất kinh doanh ngừng trệ, đã có hàng chục nghìn đơn vị kinh doanh phá sản dẫn tới tình hình nợ thuế tăng cao. Đây cũng là nguyên nhân xuất hiện nhiều vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực thuế. Đứng trước tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trong lĩnh vực thuế làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước, năm 2007, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Tổng cục Thuế đã ký Quy chế phối hợp số 1527/QCPH-TCT-TCCS đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thuế. Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hai lực lượng đã thường xuyên thông tin về các chủ trương, chính sách mới cũng như thông tin về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế. Trao đổi về tình hình, phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng... nhờ đó đã góp phần đẩy nhanh quá trình điều tra, xử lý và thu hồi hàng trăm tỷ đồng tiền thuế vi phạm.

Theo thông tin từ Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46), mỗi năm ở nước ta xảy ra hơn 13 nghìn vụ tội phạm về kinh tế, trong đó tội phạm trốn thuế trong các doanh nghiệp gần 1.000 vụ gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 7% số vụ tội phạm về kinh tế. Tội phạm trong lĩnh vực thuế diễn ra hết sức đa dạng, tăng mạnh, xảy ra trên các tỉnh, thành phố, cơ quan, doanh nghiệp, các lĩnh vực với nhưng phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả xấu đến tình hình kinh tế, chính trị và đời sống xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Trong 5 năm qua hai lực lượng đã phối hợp cung cấp trao đổi qua lại hơn 27.500 công văn, tài liệu thông tin về vụ việc liên quan tới lĩnh vực thuế. Lực lượng Công an đã chủ động chuyển cho cơ quan thuế hơn 3.400 công văn, tài liệu, cơ quan Thuế cung đã chuyển cho cơ quan Công an hơn 9.600 tài liệu, thông tin và cung cấp hơn 14.000 vụ theo đề nghị của cơ quan Công an.

Trên cơ sở phối hợp với cơ quan thuế, Công an các địa phương đã xác minh, điều tra, khám phá được nhiều vụ tội phạm về thuế có tính chất nghiêm trọng gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước. Một số vụ việc điển hình có thể nhắc tới như Chuyên án Nguyễn Văn Nhi cùng đồng bọn phạm tội mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế được PC46 Công an TP Hồ Chí Minh đã xác lập, đấu tranh khám phá thành công. Đối tượng và đồng bọn đã thành lập 10 công ty để mua bán hóa đơn với doanh số sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng, gây thiệt hại tiền thuế Giá trị gia tăng (VAT) cho Nhà nước hơn 390 tỷ đồng. Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 7 đối tượng để điều tra làm rõ hành vi thành lập doanh nghiệp “ma”, mua bán hóa đơn chiếm đoạt 110 tỷ đồng tiền hoàn thuế Giá trị gia tăng (VAT)...

Đánh giá về công tác phối hợp, Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh cho rằng: “Quy chế phối hợp ra đời đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phối hợp giữa hai lực lượng, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, thiếu trọng tâm, trọng điểm trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm về thuế”. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như tình hình chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung, trong khi hành vi trốn thuế, gian lận ngày càng tinh vi phức tạp. Hiện nay tội phạm về thuế hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều địa phương, trong khi đó sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ nên việc điều tra, xử lý rất khó khăn. Một số cán bộ, chiến sỹ, công chức của hai lực lượng chưa qua đào tạo, trình độ nhận thức chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, tạo sự chậm trễ trong công việc, gây phiền hà không đáng có đối với hoạt động sản xuất của cơ quan, doanh nghiệp. Một số ít cán bộ thoái hóa, biến chất, suy thoái về đạo đức, sách nhiễu, vòi vĩnh, tiếp tay cho các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc hoạt động dưới dạng bảo kê cho doanh nghiệp.

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trao bằng khen cho 6 tập thể thuộc Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm có thành tích trong quá trình phối hợp. (Ảnh Tuấn Đạt).

Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm trao bằng khen cho các cá nhân ngành Thuế. (Ảnh Tuấn Đạt).

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên TW Đảng - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: “Có thể khẳng định trong những năm qua với sự cố gắng, nỗ lực của lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm và ngành thuế, công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế đã đạt được những kết quả tích cực. Có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức tới hành động trong công tác phối hợp giữa hai lực lượng. Lực lượng công an nâng cao được vai trò phòng ngừa đấu tranh với tội phạm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế”.

“Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả trao đổi thông tin nhất là về phương thức, thủ đoạn mới để chủ động đề ra các biện pháp và phòng ngừa. Ví dụ như các thủ đoạn lợi dụng tạm nhập tái xuất, buốn bán tiểu ngạch qua biên giới, vấn đề hóa đơn GTGT, trốn thuế, gian lận thuế, bỏ trốn, mua bán hóa đơn, vi phạm pháp luật trong việc tự in hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Tội phạm lợi dụng việc giao dịch điện tử hoặc thanh toán qua ngân hàng để thanh toán, khấu trừ, hoàn thuế. Đặc biệt là hiện tượng chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài”, Thượng tướng Lê Quý Vương đề nghị

Lệ Thúy

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文