Hiệu quả xuất khẩu từ kênh thương mại điện tử quốc tế
Ông Nguyễn Thanh Hiền – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tomcare (chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tương ớt lên men Chilica) cho biết: “Nhà máy thành lập năm 2018, đến tháng 10/2020 mới có container hàng đầu tiên XK vào thị trường Úc. Còn một số thị trường khác, công ty đã gửi mẫu nhưng do dịch COVID-19, các đối tác không thể tham quan nhà máy được.
Sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử Amazon. |
Còn với thị trường Mỹ, đến nay công ty đã làm xong giấy tờ FDA và các thủ tục cần thiết. Khoảng 2-3 tháng nữa, công ty sẽ đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Amazon để giới thiệu đến người tiêu dùng Mỹ”. Theo chia sẻ của ông Hiền, nếu không có dịch COVID-19, DN muốn thâm nhập thị trường Mỹ thì phải mang hàng sang Mỹ để tham gia các hội chợ, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, kể từ khi dịch xảy ra thì việc qua lại giữa các nước của các đối tác là vô cùng khó khăn, bất khả thi.
DN không thể thụ động ngồi chờ nên thông qua kênh TMĐT để bán hàng, giới thiệu hàng rất hiệu quả trong thời điểm dịch vẫn còn phức tạp. Thuận lợi của sàn TMĐT Amazon, đó là Amazon trực tiếp bán hàng cho DN (trong khi sàn TMĐT Alibaba thì DN tự bán) và tự xử lý những vấn đề phát sinh về hàng hóa với người tiêu dùng. Nếu đối tác dùng thử sản phẩm bán trên sàn TMĐT và chấp nhận sản phẩm thì lúc này DN và đối tác sẽ cùng bàn bạc những bước tiếp theo để thực hiện việc mua bán.
Chuyên sản xuất kinh doanh sản phẩm hạt điều, bà Nguyễn Hương – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hạt điều vàng (Bình Phước) cho biết, hiện tại DN đã XK sang Úc, Na Uy, Nhật, Ba Lan và đang thâm nhập thị trường Mỹ. DN chỉ có 20% sản phẩm tiêu thụ nội địa, còn lại 80% XK nên việc biến động tăng giá cước tàu biển, các chi phí vận tải, tăng giá nguyên liệu NK, khiến DN hết sức khó khăn.
Nếu so với thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19 thì giá cước vận tải hiện nay tăng gấp 2 lần. Cũng theo bà Hương, Mỹ là thị trường đầu tiên DN đã nhắm tới nhưng do Mỹ là thị trường khó tính cùng với những khó khăn nêu trên nên kế hoạch XK vào Mỹ vẫn còn dang dở. Với quyết tâm chinh phục thị trường Mỹ, DN cũng đã chọn kênh TMĐT Amazon để đưa hàng lên và hiện DN đã chuẩn bị xong thủ tục đăng ký mã số FDA, các chứng nhận...
Nhiều DN cho rằng, nếu DN tự phát triển kênh TMĐT riêng sẽ mất rất nhiều thời gian, kinh phí nhưng cũng chưa hẳn đã tiếp cận được khách hàng mục tiêu. Trong khi đó, Việt Nam có đến hơn 90% DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với công nghệ máy móc lạc hậu. Chính vì vậy, các DN đã chọn các sàn TMĐT toàn cầu Amazon và Alibaba để XK và đã có không ít DN thành công khi XK qua sàn TMĐT.
Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho rằng: “TMĐT đã trở thành xu thế kinh doanh mới trên toàn cầu. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây chỉ số tăng trưởng TMĐT luôn đạt ở mức cao trên 30%/năm với doanh thu xấp xỉ 3 tỷ USD. Đặc biệt, trong năm 2020 dịch COVID-19 gây ra không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh thương mại trực tiếp, nhưng ngược lại đã tạo động lực và cơ hội để các DN đẩy mạnh thương mại trên các nền tảng trực tuyến”.
Nhằm hỗ trợ hơn nữa cho DN trong việc XK qua TMĐT, ITPC cũng đã làm việc với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom) để tổ chức nhiều chương trình đào tạo cho các DNXK qua Amazon, Alibaba, Google, Facebook, do hiện nay còn nhiều DN nhỏ và vừa chưa sử dụng hiệu quả kênh TMĐT. Việc hỗ trợ DN đưa hàng hóa vào kênh TMĐT cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số nền kinh tế.