Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng giảm
Người lao động sẽ có thêm các lựa chọn việc làm, từ đó sẽ kéo giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp. Đây cũng là nhận định của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) khi vừa đưa ra hai kịch bản tỷ lệ hưởng hồ sơ trợ cấp thất nghiệp những tháng cuối năm.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện nay, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ tiếp tục giảm mạnh.
Hai kịch bản
Theo đánh giá của Cục Việc làm, Việt Nam đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa sẽ có cơ hội để phục hồi, nhu cầu sử dụng lao động sẽ tăng lên so với giai đoạn trước. Các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống lưu trú, vận tải, logistics đã từng bước hoạt động trở lại, tình hình lao động - việc làm trong các lĩnh vực này, sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, do diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn rất phức tạp nên dự báo số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ theo hai kịch bản.
Kịch bản 1: Nếu tình hình dịch bệnh, kinh tế trong nước ổn định như hiện nay, với tỷ lệ tăng 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 và theo chu kỳ những năm trước, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tiếp tục giảm dần từ tháng 10-2020 đến tháng 12-2020, ước tính quý IV/2020 có khoảng 220 đến 230 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đưa số người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 lên khoảng từ 1,0 triệu người đến 1,1 triệu người.
Kịch bản 2: Nếu tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, số người lao động thất nghiệp sẽ tăng lên, ước tính quý IV/2020 có khoảng 410 đến 420 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, đưa số người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 lên khoảng từ 1,3 triệu người đến 1,4 triệu người.
Con số ghi nhận thực tế tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, quãng thời gian tháng 7, tháng 8, mỗi tháng có trên 6 nghìn lượt người đến làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, trong các tháng 9, tháng 10, số người đến là hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống còn 4-5 nghìn người/tháng. Trong tháng 10, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận, số lao động đến đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp từng làm tại một số công ty đã giảm mạnh. Đơn cử như: Công ty TNHH Giày Hồng Phúc (Hà Đông) là 37 người, giảm 197 người; Công ty cổ phần May 40 Hà Nội là 5 người, giảm 38 người…
Nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng từ nay đến cuối năm. |
Cuối năm sẽ tích cực hơn
Đây là đánh giá của nhiều chuyên gia về thị trường lao động cuối năm. Thời điểm này, các doanh nghiệp gia tăng các hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho dịp lễ tết. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao, song chủ yếu sẽ là các công việc thời vụ, bán thời gian. Nhu cầu tuyển dụng việc làm toàn thời gian sẽ vẫn giữ ở mức ổn định. Một số ngành được dự báo sẽ có nhu cầu tuyển lao động lớn trong dịp cuối năm như thương mại dịch vụ, giao nhận hàng, thương mại điện tử, công nghiệp chế biến,...
Theo khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, trong tháng 10/2020 nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động đã bắt đầu sôi nổi hơn, các doanh nghiệp gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh để phục vụ cho các dịp lễ, Tết Nguyên đán, tập trung ở các ngành như Công nghệ/Công nghiệp. Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen trong tháng 10 có nhu cầu tuyển dụng nhiều hơn tháng 9 là 73 chỉ tiêu, Công ty CP Tập đoàn Mavin có nhu cầu tuyển dụng 179 chi tiêu trong tháng 10, tăng 92 chỉ tiêu so với tháng 9, đều tập trung ở vị trí nhân viên hành chính văn phòng và dịch vụ, bán hàng.
Nhu cầu tuyển dụng của ngành Xây dựng - Bất động sản: Trong tháng 10, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô có nhu cầu tuyển dụng 77 chi tiêu, nhiều hơn 18 chỉ tiêu so với tháng 9, tập trung vào các vị trí lãnh đạo, quản lý và chuyên viên nghiệp vụ. Nhu cầu tuyển dụng của ngành Thương mại - Dịch vụ: Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động trong tháng 10 có nhu cầu tuyển dụng 5.269 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.003 chỉ tiêu so với tháng 9 năm 2020. Các vị trí tuyển dụng tập trung chủ yếu vào vị trí nhân viên hành chính, văn phòng và dịch vụ bán hàng.
Đề cập đến thị trường lao động cuối năm, ông Lê Quang Trung, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 đã tác động hết sức nghiêm trọng đối với các doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, lao động tự do nên có tới hàng triệu người bị mất việc hoặc giảm việc làm; đặc biệt là khu vực dịch vụ, gia công, chế biến, các doanh nghiệp lớn như hàng không, sản xuất hàng xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Trung nhận định, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã tổ chức sắp xếp lại lao động, đổi mới phương thức làm việc để tạo việc làm và giữ việc làm cho người lao động. Trong thời gian tới, dịch bệnh vẫn được khống chế tốt, các doanh nghiệp sẽ đi vào ổn định để phát triển sản xuất, nhu cầu sử dụng lao động sẽ tăng.
“Tôi cho rằng những tháng cuối năm, thị trường lao động sẽ sôi động theo chiều hướng tích cực. Tức là nhu cầu sử dụng lao động sẽ tăng do nhu cầu lao động tăng; đặc biệt là những nhóm lao động có trình độ đã qua đào tạo. Cùng với đó, lao động phổ thông, thời vụ để đáp ứng cho các đơn hàng, đáp ứng cho việc xuất khẩu của những tháng cuối năm sẽ tăng. Trước hết là nhóm ngành dịch vụ, tiếp đến là các nhóm liên quan đến gia công, chế tạo, ngân hàng, dịch vụ vận chuyển, xây dựng… Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp chất lượng công nghệ cao và sản xuất hàng hóa cũng sẽ tăng”, ông Trung cho biết.