Khô hạn khiến nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng
Hàng loạt hồ chứa cạn kiệt
Theo Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), nhiều hồ trên lưu vực sông Hồng đang xảy ra tình trạng khô hạn và thiếu hụt tới 7,2 tỷ m3 nước. Trong đó 3 hồ chứa trực tiếp tham gia xả nước thiếu hụt 3,7 tỷ m3. Cùng với dự báo tình trạng khô hạn tiếp tục xảy ra ở các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, việc đảm bảo yêu cầu cấp nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân và những tháng còn lại trong mùa khô của ngành Điện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Do vậy, nếu xả nước để phục vụ sản xuất theo yêu cầu, tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện trong 3 đợt khoảng 4,3 tỷ m3. Điều đáng lo ngại là, sau khi xả, mực nước ở hồ Hòa Bình giảm từ 102,5m về 84,46m và cách mực nước chết chỉ 4,46m. Với dung tích còn lại trong hồ khoảng 501 triệu m3 (tương đương 8,3% dung tích hữu ích), đây là điều cực kỳ đáng lo ngại.
Còn tại hồ Thác Bà, mực nước sau khi xả phục vụ sản xuất cũng giảm từ 53,6 m về 49,83m, cách mực nước chết 3,83m. Với dung tích còn lại 396 triệu m3, tương đương 18,3% dung tích hữu ích, hoạt động của nhà máy sẽ chỉ còn tính theo ngày. Tình trạng căng thẳng cũng diễn ra với thủy điện Tuyên Quang khi giảm từ 116,5m về 93,56m và chỉ cách mực nước chết 3,56m.
Do phải đáp ứng việc nâng mực nước cho hồ Hòa Bình và cung cấp nước cho hạ du nên dự kiến Thủy điện Sơn La sẽ điều tiết xuống mực nước chết vào giữa tháng 5 và khi đó, hồ Hòa Bình (công suất 1920 MW) sẽ không còn đảm bảo được cả 2 nhiệm vụ trên. Sản lượng điện thiếu hụt trong tháng 5 so với nhu cầu khoảng 100 triệu kWh đến 0,5 tỷ m3 nước. Tình hình này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 6-2020 khi lượng điện dự kiến thiếu hụt 300 triệu kWh đến 1,5 tỷ m3 nước.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, năm 2019, nước về ít hơn so với các năm trước. Hồ Sơn La thấp hơn 13m. Tổng nước tích trong các hồ 4,4 tỷ kWh so với tính toán. Ông Tuấn cho biết, theo Bộ NN&PTNT thì trong năm 2020 có 3 đợt đổ ải với tổng số lượng ngày đổ ải là 18 ngày, tổng lượng nước phục vụ cho đổ ải lên tới 4 tỷ m3.
Bên cạnh việc trên thì riêng Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình còn phải cấp nước cho Nhà máy Nước sạch Sông Đà, đây là nhiệm vụ quan trọng bởi đây là nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô Hà Nội, lưu lượng nước tối thiểu cho nhà máy nước phải xả liên tục là mức 400m3 nước/giây.
Hồ thuỷ điện Hoà Bình. |
Huy động tối đa nguồn phát điện
Những tháng cuối năm, Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, Trung tâm Điều động hệ thống điện quốc gia (A0), các đơn vị phát điện phải có một phương thức vận hành hợp lý để tích nước, chuẩn bị cho mùa khô 2020. Đặc biệt, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài Nguyên - Môi trường (TN&MT) đã có nhiều buổi họp, làm việc, trao đổi với các tỉnh, thành phố để sử dụng nước, điều tiết nước trong các hồ thủy điện một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất.
Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương đi kiểm tra một số đơn vị trạm bơm ở các khu vực xung quanh Hà Nội, đôn đốc các đơn vị nạo vét kênh mương, trạm bơm để tận dụng nguồn nước. Với Thủ đô Hà Nội, cần đặt các trạm bơm dã chiến, để cấp nước, tưới tiêu cho nông nghiệp mà không cần đến đợt xả nước, đồng thời, yêu cầu các tỉnh phối hợp với các nhà máy điện để tính toán hiệu quả nhất lượng nước sử dụng.
Đặc biệt, để thoát khỏi nguy cơ các hồ thủy điện lớn nhất miền Bắc phải dừng hoạt động vì không còn nước, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ TN&MT cho phép duy trì mực nước các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà ở mức thấp hơn so với quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Đồng thời, đề xuất với Bộ NN&PTNT xem xét giảm thiểu số ngày đổ ải đợt 2. Ngành Nông nghiệp cũng cần công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước.
Bộ Công Thương đã có có những tính toán có phương án phụ tải cao, phương án phụ tải thấp, phải huy động tối đa các nguồn.
Năm 2019, hệ thống điện huy động tới 40% nguồn công suất của thuỷ điện. Trước diễn biến các nhà máy thuỷ điện miền Trung, miền Bắc đang rơi vào tình trạng khô hạn, thì khả năng cung cấp điện từ những nguồn này trong thời gian tới và năm 2020 sẽ như thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, trong hệ thống điện của Việt Nam có nhiều nguồn điện, chúng ta phải phối hợp một cách hài hoà và hợp lý nhất giữa các loại hình này như thuỷ điện, nhiệt điện, từ năm ngoái chúng ta phát triển thêm nguồn năng lượng mặt trời, gió.
Công suất của nguồn năng lượng mặt trời, gió vào khoảng 4,8 nghìn -4,9 nghìn MW, đây là nguồn năng lượng hết sức quý giá để đóng góp vào nguồn cung cấp điện cho nhân dân. Vì vậy, phải huy động một cách hợp lý nhất các nguồn điện, đồng thời, triển khai các công trình, làm sao giải toả được những nghẽn mạch ở trên đường dây truyền tải trong lưới điện phân phối và đưa các công trình mới vào vận hành đảm bảo đúng tiến độ.
Hiện, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ như TKV, Tổng công ty Than Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam… có các giải pháp đảm bảo cung cấp nhiên liệu, và đặc biệt năm 2020 xem xét khả năng nhập than cho các nhà máy điện để phục vụ cho phát điện.