Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý gần 23.000 tỷ đồng
Ông Lê Minh Khái, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kết quả kiểm toán 2013, kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hơn 22,7 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm 2014, KTNN sẽ tiến hành 185 cuộc kiểm toán, tăng 34 cuộc so với 2013.
Năm 2013, KTNN đã tập trung thực hiện 151 cuộc kiểm toán, trong đó có 34 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; 17 bộ, ngành và kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012; 32 dự án đầu tư, chương trình, dự án quốc gia; 11 chuyên đề; 24 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các cơ quan Đảng; 32 đầu mối thuộc lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính – ngân hàng. Ngoại trừ cuộc kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2012 đang thực hiện và sẽ kết thúc trong tháng 3 năm nay, KTNN cho biết đã hoàn thành và phát hành 150 báo cáo kiểm toán, trong đó kiến nghị xử lý tài chính 22.778,1 tỷ đồng.
Kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh minh họa. |
Trong số này, các khoản tăng thu là hơn 4.000 tỷ đồng; các khoản giảm chi là gần 5.300 tỷ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm so với báo cáo của cơ quan quản lý thu ngân sách Nhà nước hơn 2.587 tỷ đồng; các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua ngân sách nhà nước hơn 9.800 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác hơn 1.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, KTNN cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung 71 văn bản cho phù hợp với thực tiễn. Kiến nghị xử lý trách nhiệm 30 cá nhân và nhiều tập thể liên quan đến sai phạm phát hiện qua kiểm toán. Ông Lê Minh Khái cho biết, so với kết quả kiến nghị xử lý tài chính năm trước, năm nay đã tăng hơn 8.000 tỷ. Tuy nhiên, đây không phải là một dấu hiệu bi quan hay việc chấp hành quy định của các đối tượng kiểm toán kém hơn, mà do sự thay đổi trong đối tượng kiểm toán, niên độ kiểm toán và việc kiểm toán nhà nước đã hoàn thiện hơn cả về tổ chức cũng như nghiệp vụ.
Ông Lê Minh Khái cho biết, năm 2014 sẽ tập trung trọng tâm kiểm toán để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Thứ hai là tập trung kiểm toán các khoản thu, đặc biệt các khoản thu ngoài quốc doanh và các khoản phí, lệ phí có liên quan đến giáo dục, y tế, giao thông vận tải, kiểm toán chương trình xây dựng nông thôn mới. KTNN cũng sẽ tập trung vào lĩnh vực được nhân dân quan tâm như giá xăng dầu, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hay việc quản lý sử dụng vốn tại các công ty tài chính, các ngân hàng để đánh giá hoạt động cho vay, đầu tư xem có phù hợp với các quy định hay không.
“Năm nay số lượng chuyên đề kiểm toán cũng tăng lên, quan tâm đến các tập đoàn, tổng công ty. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm toán 42 tập đoàn, tổng công ty (năm ngoái là 32), nhưng quy mô năm ngoái là các tập đoàn tương đối lớn. Năm nay đi sâu vào lĩnh vực bảo hiểm, tài chính và tiền tệ” – ông Lê Minh Khái cho biết. Trong danh sách các đơn vị bị kiểm toán bao gồm cả SCIC và Tổng công ty mua bán nợ để đánh giá hiệu quả hoạt động cũng như việc quản lý và sử dụng vốn. Về ngân hàng, do năm ngoái đã tiến hành kiểm toán Vietcombank, Vietinbank, Agribank, và năm trước đó là BIDV, nên năm nay sẽ chỉ thực hiện kiểm toán ngân hàng TMCP Nhà nước còn lại là MHB.
Từ 2013, KTNN cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tin tưởng giao việc kiểm toán toàn bộ việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ với khối lượng vốn cực kỳ lớn, khoảng 225.000 tỷ đồng