Kinh tế TP HCM với những bước chuyển mình ngoạn mục sau 42 năm giải phóng

09:07 30/04/2017
Sau hơn 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh đã không ngừng nỗ lực vượt qua những khó khăn để giữ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, phát triển và hội nhập. Đến nay, TP đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế đã ngày càng khẳng định vai trò “đầu tàu” của vùng trọng điểm phía Nam.

Vượt qua những khó khăn trong 10 năm đầu sau giải phóng, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã “chuyển mình” mạnh mẽ từ cơ chế tự cấp tự túc sang cơ chế thị trường. Bộ mặt TP đã có những thay đổi rõ rệt với hình thành trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị, sự xuất hiện hàng loạt dự án hạ tầng, công trình trọng điểm,...

Đặc biệt, kinh tế TP luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao trong nhiều năm liên tục. Nếu trong 10 năm (1976 - 1985), tổng sản phẩm nội địa (GDP) của TP Hồ Chí Minh chỉ tăng bình quân 2,7%/năm thì trong giai đoạn 1991-2010, TP là một trong rất ít địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hai con số trong suốt 20 năm.

Từ năm 2011 đến nay, TP đạt mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ 10%/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân cả nước. GDP bình quân đầu người liên tục tăng nhanh, khoảng 700 USD giai đoạn 1995-1996, đến hết năm 2015 đạt mức 5.538 USD. Quy mô kinh tế, tiềm lực và sự đóng góp cho cả nước ngày càng lớn. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã đóng góp hơn 30% trong tổng thu ngân sách cả nước.

 Theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh, sau hơn 40 năm đổi mới phát triển đất nước và trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từ chủ trương ban đầu xác định tại Đại hội VI (1986) là phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Đến Đại hội XI (2011) và tại Đại hội XII (2016), Đảng ta tiếp tục khẳng định: Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; Sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế...

“Nhận thức sâu sắc quan điểm trên, với vai trò là đô thị đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đã không ngừng sáng tạo, sử dụng hiệu quả các công cụ quản lý Nhà nước triển khai nhiều cơ chế chính sách, giải pháp đồng bộ, linh hoạt để phát triển các lĩnh vực, góp phần tích cực cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Một trong những giải pháp đó là chương trình bình ổn thị trường được TP triển khai từ năm 2002 và đến nay đã khẳng định được hiệu quả lan tỏa, được nhân dân hưởng ứng tích cực, các chuyên gia kinh tế, Chính phủ đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng ra cả nước”, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết tại buổi “Tổng kết 15 năm Chương trình bình ổn thị trường giai đoạn 2002 - 2017” tổ chức ngày 31-3 vừa qua.

Được biết, giai đoạn những năm 2000, nguồn cung hàng hóa chưa bền vững, lưu thông hàng hóa chưa thông suốt, ý thức văn minh thương mại chưa cao... đã tạo cơ hội cho các đối tượng đầu cơ, gây bất ổn thị trường, găm hàng trục lợi, tạo ra những “cơn sốt” hàng hóa đã tác động tiêu cực đến thị trường. Trước tình hình đó, mục tiêu ban đầu của chương trình là “bình ổn giá” ngắn hạn trong mùa Tết. Nhưng từ năm 2010 đến nay, chương trình đã chuyển sang “bình ổn thị trường” và triển khai xuyên suốt cả năm với nhiều thành phần kinh tế tham gia.

TP Hồ Chí Minh đã “thay da đổi thịt” với những tòa cao ốc hiện đại mọc lên sừng sững.

Hiệu quả của chương trình là đã tạo được nguồn hàng bền vững, có khả năng điều hòa cung – cầu dẫn dắt thị trường, ngăn chặn được tình trạng đầu cơ găm hàng. Ngoài ra, giai đoạn 2010-2017, chương trình đã góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP Hồ Chí Minh luôn tăng thấp hơn trung bình cả nước. Đặc biệt, với tỷ lệ 100% hàng Việt, chương trình còn có ý nghĩa lớn trong việc góp phần thực hiện thành công cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Với chủ trương mở cửa, đổi mới nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, TP Hồ Chí Minh cũng là đơn vị tiên phong của cả nước trong việc xây dựng khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) và KCX Tân Thuận thành lập đầu tiên vào năm 1991. Đến nay trên địa bàn TP đã có 18 KCN - KCX.

Ths Huỳnh Phúc Nguyên Thịnh - Phó Chánh văn phòng BQL các KCX và CN TP Hồ Chí Minh nhận định: “Từ khi thành lập đến nay, các KCX - KCN đã góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tạo nên những khu sản xuất công nghiệp tập trung, năng động, những khu đô thị mới hiện đại, đời sống dân cư ngày càng được cải thiện. Trong đó, DN FDI đầu tư vốn hàng tỷ USD, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động, tạo ra hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu”.

Theo số liệu BQL KCX & KCN TP Hồ Chí Minh: Tính đến nay, các KCX - KCN TP đã thu hút được các DN đến từ 41 quốc gia - vùng lãnh thổ. Hàng hóa trong KCX - KCN xuất khẩu đi trên 45 quốc gia, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật (chiếm 42,11%), EU (chiếm 16,27%), Mỹ (chiếm 15,44%)... Đặc biệt, nhiều sản phẩm của các DN đã tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu như các linh kiện điện tử, cơ khí, phần mềm của các công ty...

Về thị trường bán lẻ, TP Hồ Chí Minh cũng là nơi phát triển mạnh mẽ nhất cả nước đặc biệt kể từ 1-1-2009, khi Việt Nam mở cửa thị trường cho các DN bán lẻ FDI tham gia. Đến nay, các nhà bán lẻ trong nước đã nỗ lực vươn lên cạnh tranh trực diện với các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài như: hệ thống siêu thị của Saigon Co.op, Citi Mart, Vinatex Mart...

 Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trong thời gian tới, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết: “TP đã xác định các ngành công nghiệp “mũi nhọn” cần tập trung đầu tư gồm: 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su, điện tử - công nghệ thông tin) và 2 ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày). Để phục vụ cho các ngành này, TP đã ưu tiên thu hút DN vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”.

Mặc dù hiện tại, TP Hồ Chí Minh vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức như trong lĩnh vực kinh tế, phải đối diện với thách thức trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Về lĩnh vực quản lý đô thị, thách thức lớn nhất đó là sự bất cập giữa trình độ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế và yêu cầu cải thiện dân sinh.

Tuy nhiên, nhìn lại những thành tựu to lớn đạt được trên nhiều phương diện kinh tế của TP Hồ Chí Minh trong suốt hơn 40 năm qua, chúng ta nhận thấy, đó là kết quả từ sự nhận thức sâu sắc, nhạy bén, đổi mới tư duy của Đảng bộ và nhân dân TP về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là nền tảng vững chắc để thành phố mang tên Bác tiếp tục vượt qua thách thức và dẫn đầu về phát triển kinh tế trong cả nước.

Thúy Hà

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang được triển khai xây dựng theo kiểu “rùa bò”, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải tỏa đền bù gặp khó khăn. Trong khi trường mới chưa được xây xong, thầy cô giáo cùng 562 học sinh nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ xập xệ, mất an toàn.

Một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào thành phố Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn đối với cả triệu người Palestine tị nạn tại đây.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文