Để hạt gạo Việt hội nhập sâu rộng:

Giấc mơ thương hiệu “gạo Việt” (Kỳ 2)

07:55 23/12/2015
Chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc năm 2015. Theo dự báo mới đây của Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu cả năm nay của nước ta có khả năng đạt 6,8 triệu tấn. Với con số này, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 trên thế giới về lượng; còn về giá trị xuất khẩu lại rất khiêm tốn.

Minh chứng là khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng năm 2015 ước đạt 6,24 triệu tấn với 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Trò chuyện với PV Báo CAND mới đây, Chuyên gia kinh tế vĩ mô - TS Trần Du Lịch, cho biết mấy năm qua, hạt gạo xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn, song tiền thu được từ xuất khẩu gạo không đủ bù để nhập các loại nguyên liệu khác để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước…  

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang ở phân khúc trung bình và thấp. Năm qua, Việt Nam xuất khẩu gạo thơm với giá trung bình 600 USD/tấn, trong khi giá gạo Hom Mali của Thái Lan 1.065 - 1.075 USD/tấn và Basmati của Ấn Độ 1.515-1.525 USD/tấn. Gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp (năm 2015, gạo trắng cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 47%), chất lượng gạo chưa đồng đều và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.

Gạo tại kho trữ của Công ty CP Gentraco – doanh nghiệp thành viên VFA, chuẩn bị đưa vào lau bóng, phục vụ xuất khẩu. 

Cả nước hiện có hơn 200 DN tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu (TH) trên thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế. Trong bối cảnh thị trường quốc tế, mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là giá mà còn là chất lượng, TH sản phẩm. 

Để tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu, theo TS Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), điều quan trọng đầu tiên là khẳng định sự cần thiết phải tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

“Khi đó, chúng ta sẽ có được thông tin thị trường cần cái gì, cần vào thời điểm nào, cần bao nhiêu và giá cả ra sao, có thể thực hiện sản xuất và bán cái thị trường cần... Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng chính là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tăng trưởng bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân” – TS Minh nói.

Việc quan trọng tiếp theo là xây dựng TH gạo quốc gia. Theo Đề án phát triển TH gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5-2015, đến năm 2020 hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; TH gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang TH gạo Việt Nam. 

Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành TH hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm, phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang TH gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Đây là những mục tiêu rất cụ thể, song hạt gạo Việt hiện vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc về sản phẩm, thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả, trước mắt là cho “sân chơi” TPP. Hàng loạt vấn đề mà hạt gạo Việt đang phải đối mặt, trong đó nổi lên nhất vẫn là khâu xây dựng TH. GS.TS Võ Tòng Xuân kể tại các hội chợ lương thực quốc tế, gạo Việt không dám “xuất đầu lộ diện”. Người ta chỉ nhắc tới gạo Khao Dawk Mali và Hom Mali của Thái Lan, gạo Romduol của Campuchia, Paw San của Myanmar và gạo Basmati của Ấn Độ, chẳng ai biết gạo thơm Việt Nam là gì.

“Chưa nói tới việc tận dụng từ cơ hội TPP mang lại tới đây, do không có TH, gạo Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu thời gian qua”. 

Vẫn theo lời GS.TS Võ Tòng Xuân, tại ngân hàng giống lúa thuộc Trường ĐH Cần Thơ hiện đang lưu giữ tới 1.468 giống lúa vùng Tây Nam Bộ, vốn nổi tiếng thơm ngon như: Nàng thơm Chợ Đào, Nàng Hương, Châu Hạng Võ... chưa kể một số giống lúa cao sản cũng thơm ngon không kém như: Jasmine 85, ST, Nàng Hoa 9. 

“Có rất nhiều giống lúa tốt, cho gạo thơm ngon nhưng do nông dân ta chỉ thích trồng giống lúa nào cho năng suất thật cao, nên hạt gạo Việt đã bị láng giềng qua mặt” – GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Cùng giấc mơ về TH gạo Việt, TS. Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, cho biết hạt gạo Việt xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng hiện vẫn chưa có TH gạo mang tên Việt Nam. Gạo Việt Nam vì thế khi vào các siêu thị, điểm phân phối chủ yếu là đóng bao và mang nhãn hàng của DN hay quốc gia nhập khẩu, rất ít TH gạo Việt Nam được người tiêu dùng biết đến.

Có một thực tế khiến cho TH gạo Việt vốn đã yếu, đã bị ảnh hưởng tiêu cực là thời gian vừa qua vẫn tồn tại kiểu làm ăn “chụp giựt” - trộn gạo thường với gạo thơm để bán. Ông Phạm Văn Dư – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, bức xúc cho biết gạo thơm Jasmine 85 hiện được XK với tỉ trọng rất lớn, nhưng nhiều DN lại đem gạo này trộn với một số loại gạo khác thơm nhẹ hơn, giá rẻ hơn để xuất. Có DN trộn theo yêu cầu của khách hàng, có DN tự ý trộn để phá giá. 

“Riêng giống Jasmine 85, ta đã có tới 13 dòng với chất lượng khác nhau mà đem trộn với gạo khác nữa thì làm sao đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng nước ngoài ăn và đánh giá không tốt về gạo thơm Việt Nam. Hậu quả là cả ngành lúa gạo Việt Nam bị vạ lây” - ông Dư tâm tư. 

Cùng bức xúc về thực trạng vừa kể, GS. TS Võ Tòng Xuân băn khoăn: “Kiểu làm ăn này góp phần làm cho gạo Việt bị mang tiếng xấu khắp thế giới. Nói đến gạo Việt, người ta nói thẳng đó là gạo trộn. Quá xấu hổ!”.

Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nói với chúng tôi rằng nông sản nói chung, trong đó có hạt gạo Việt có phát huy lợi thế cạnh tranh hay không tùy thuộc rất lớn bằng chính tư duy, tầm nhìn và cách làm. Danh xưng “Vựa lúa quốc gia” dành cho ĐBSCL đã có từ lâu đời, nhưng đã đến lúc người miền Tây không cần tự hào về mỹ từ này nữa. Hay nhìn rộng ra, người Việt Nam không cần thiết phải tự hào là cường quốc số 1, số 2 thế giới về XK gạo; không cần thiết phải tự hào về “Vựa lúa quốc gia” hay “Bát cơm châu Á”. 

“Tự hào làm chi trong khi những người làm ra thật nhiều nông sản cung ứng cho toàn cầu mà nông dân ta vẫn còn nhiều khó khăn. Việt Nam đã chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ “bát cơm đầy” sang “bát cơm ngon”. Do vậy, cần thương mại hóa ngành lúa gạo và sản xuất nông sản, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn để làm giàu” – ông Hiệp nói.

Thái Bình

Thảm họa về ma túy quá khủng khiếp và nguy cơ hiện hữu về vấn nạn này luôn chực chờ cả bên trong và bên ngoài khu vực lãnh thổ Việt Nam. Dù đã có nhiều kết quả song công tác quản lý, giảm nguồn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn phần lớn do vướng cơ chế. Chính vì vậy, yêu cầu phải đổi mới, nâng cao hơn nữa các cấp độ phòng, chống ma túy trong giai đoạn mới đặt ra hết sức cấp thiết.

Các điểm bầu cử nhỏ ở một số hạt thuộc bang Indiana và Kentucky là những nơi đầu tiên kết thúc bỏ phiếu trên toàn quốc vào 18h ngày 5/11 (giờ địa phương). Những kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ sớm xuất hiện.

Đằng sau thành công rực rỡ, các hoạt động của nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Temu đang khiến giới chức châu Âu, Mỹ lo ngại. Và cuộc điều tra chính thức đã được mở ra ở châu Âu trong bối cảnh có nhiều báo cáo về việc trang web mua sắm của Trung Quốc vi phạm Đạo luật dịch vụ số.

Không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp các tỉnh thành ở miền Bắc khiến nền nhiệt hạ nhanh cùng với đó là mưa dông diễn ra ở nhiều nơi, trời lạnh.

Hàng triệu cử tri Mỹ ngày 5/11 (giờ địa phương) đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 của xứ sở cờ hoa, trong đó quyết định quan trọng nhất là lựa chọn ra vị tân Tổng thống để dẫn dắt đất nước trong 4 năm tới. Tâm điểm của mùa bầu cử năm nay, được đánh giá đầy kịch tính và khó đoán định khi cuộc chạy đua giữa Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa ngày càng nóng.

Hơn 5 năm trước, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt. Theo đề án, có 6 cơ quan báo chí được xác định xây dựng thành “Cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện” gồm Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân (CAND). Đây là vinh dự và cũng là nhiệm vụ rất nặng nề của 6 cơ quan báo chí được nêu tên, nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Tại địa điểm kinh doanh nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Phòng Nghiệp vụ 1, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 25 chiếc xe điện loại 3 bánh và 4 bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, tại Nghị Quyết số 05 của Chính phủ ngày 4/2/2008, các loại phương tiện này không được phép lưu hành tại Việt Nam trừ những trường hợp đặc biệt.

20 học sinh mầm non ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột. Bệnh viện Bạch Mai đã cử một kíp bác sĩ gồm nhiều chuyên khoa lên Lai Châu để hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cho các cháu.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文