Để hạt gạo Việt hội nhập sâu rộng:

Giấc mơ thương hiệu “gạo Việt” (Kỳ 2)

07:55 23/12/2015
Chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc năm 2015. Theo dự báo mới đây của Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu cả năm nay của nước ta có khả năng đạt 6,8 triệu tấn. Với con số này, Việt Nam tiếp tục là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 trên thế giới về lượng; còn về giá trị xuất khẩu lại rất khiêm tốn.

Minh chứng là khối lượng gạo xuất khẩu 11 tháng năm 2015 ước đạt 6,24 triệu tấn với 2,65 tỷ USD, tăng 3,6% về khối lượng nhưng giảm 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Trò chuyện với PV Báo CAND mới đây, Chuyên gia kinh tế vĩ mô - TS Trần Du Lịch, cho biết mấy năm qua, hạt gạo xuất khẩu Việt Nam gặp khó khăn, song tiền thu được từ xuất khẩu gạo không đủ bù để nhập các loại nguyên liệu khác để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước…  

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn đang ở phân khúc trung bình và thấp. Năm qua, Việt Nam xuất khẩu gạo thơm với giá trung bình 600 USD/tấn, trong khi giá gạo Hom Mali của Thái Lan 1.065 - 1.075 USD/tấn và Basmati của Ấn Độ 1.515-1.525 USD/tấn. Gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp (năm 2015, gạo trắng cao cấp và gạo thơm chiếm khoảng 47%), chất lượng gạo chưa đồng đều và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.

Gạo tại kho trữ của Công ty CP Gentraco – doanh nghiệp thành viên VFA, chuẩn bị đưa vào lau bóng, phục vụ xuất khẩu. 

Cả nước hiện có hơn 200 DN tham gia vào hệ thống thương mại gạo nhưng việc sử dụng thương hiệu (TH) trên thị trường xuất khẩu còn rất hạn chế. Trong bối cảnh thị trường quốc tế, mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, áp lực cạnh tranh đối với gạo Việt không chỉ là giá mà còn là chất lượng, TH sản phẩm. 

Để tham gia có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu, theo TS Phạm Nguyên Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), điều quan trọng đầu tiên là khẳng định sự cần thiết phải tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

“Khi đó, chúng ta sẽ có được thông tin thị trường cần cái gì, cần vào thời điểm nào, cần bao nhiêu và giá cả ra sao, có thể thực hiện sản xuất và bán cái thị trường cần... Tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng chính là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tăng trưởng bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân” – TS Minh nói.

Việc quan trọng tiếp theo là xây dựng TH gạo quốc gia. Theo Đề án phát triển TH gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5-2015, đến năm 2020 hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; TH gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang TH gạo Việt Nam. 

Đến năm 2030, các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành TH hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm, phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang TH gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

Đây là những mục tiêu rất cụ thể, song hạt gạo Việt hiện vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc về sản phẩm, thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả, trước mắt là cho “sân chơi” TPP. Hàng loạt vấn đề mà hạt gạo Việt đang phải đối mặt, trong đó nổi lên nhất vẫn là khâu xây dựng TH. GS.TS Võ Tòng Xuân kể tại các hội chợ lương thực quốc tế, gạo Việt không dám “xuất đầu lộ diện”. Người ta chỉ nhắc tới gạo Khao Dawk Mali và Hom Mali của Thái Lan, gạo Romduol của Campuchia, Paw San của Myanmar và gạo Basmati của Ấn Độ, chẳng ai biết gạo thơm Việt Nam là gì.

“Chưa nói tới việc tận dụng từ cơ hội TPP mang lại tới đây, do không có TH, gạo Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu thời gian qua”. 

Vẫn theo lời GS.TS Võ Tòng Xuân, tại ngân hàng giống lúa thuộc Trường ĐH Cần Thơ hiện đang lưu giữ tới 1.468 giống lúa vùng Tây Nam Bộ, vốn nổi tiếng thơm ngon như: Nàng thơm Chợ Đào, Nàng Hương, Châu Hạng Võ... chưa kể một số giống lúa cao sản cũng thơm ngon không kém như: Jasmine 85, ST, Nàng Hoa 9. 

“Có rất nhiều giống lúa tốt, cho gạo thơm ngon nhưng do nông dân ta chỉ thích trồng giống lúa nào cho năng suất thật cao, nên hạt gạo Việt đã bị láng giềng qua mặt” – GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Cùng giấc mơ về TH gạo Việt, TS. Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, cho biết hạt gạo Việt xuất khẩu tới trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng hiện vẫn chưa có TH gạo mang tên Việt Nam. Gạo Việt Nam vì thế khi vào các siêu thị, điểm phân phối chủ yếu là đóng bao và mang nhãn hàng của DN hay quốc gia nhập khẩu, rất ít TH gạo Việt Nam được người tiêu dùng biết đến.

Có một thực tế khiến cho TH gạo Việt vốn đã yếu, đã bị ảnh hưởng tiêu cực là thời gian vừa qua vẫn tồn tại kiểu làm ăn “chụp giựt” - trộn gạo thường với gạo thơm để bán. Ông Phạm Văn Dư – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NN&PTNT, bức xúc cho biết gạo thơm Jasmine 85 hiện được XK với tỉ trọng rất lớn, nhưng nhiều DN lại đem gạo này trộn với một số loại gạo khác thơm nhẹ hơn, giá rẻ hơn để xuất. Có DN trộn theo yêu cầu của khách hàng, có DN tự ý trộn để phá giá. 

“Riêng giống Jasmine 85, ta đã có tới 13 dòng với chất lượng khác nhau mà đem trộn với gạo khác nữa thì làm sao đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng nước ngoài ăn và đánh giá không tốt về gạo thơm Việt Nam. Hậu quả là cả ngành lúa gạo Việt Nam bị vạ lây” - ông Dư tâm tư. 

Cùng bức xúc về thực trạng vừa kể, GS. TS Võ Tòng Xuân băn khoăn: “Kiểu làm ăn này góp phần làm cho gạo Việt bị mang tiếng xấu khắp thế giới. Nói đến gạo Việt, người ta nói thẳng đó là gạo trộn. Quá xấu hổ!”.

Ông Trần Hữu Hiệp - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nói với chúng tôi rằng nông sản nói chung, trong đó có hạt gạo Việt có phát huy lợi thế cạnh tranh hay không tùy thuộc rất lớn bằng chính tư duy, tầm nhìn và cách làm. Danh xưng “Vựa lúa quốc gia” dành cho ĐBSCL đã có từ lâu đời, nhưng đã đến lúc người miền Tây không cần tự hào về mỹ từ này nữa. Hay nhìn rộng ra, người Việt Nam không cần thiết phải tự hào là cường quốc số 1, số 2 thế giới về XK gạo; không cần thiết phải tự hào về “Vựa lúa quốc gia” hay “Bát cơm châu Á”. 

“Tự hào làm chi trong khi những người làm ra thật nhiều nông sản cung ứng cho toàn cầu mà nông dân ta vẫn còn nhiều khó khăn. Việt Nam đã chuyển từ trồng lúa để ăn sang trồng lúa để bán, từ “bát cơm đầy” sang “bát cơm ngon”. Do vậy, cần thương mại hóa ngành lúa gạo và sản xuất nông sản, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cư dân nông thôn để làm giàu” – ông Hiệp nói.

Thái Bình

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文