Lại nóng chuyện tái khởi động mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

09:44 26/04/2017
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc phải rà soát, đánh giá toàn diện các mặt về hiệu quả kinh tế, công nghệ, phương án tiêu thụ sản phẩm, thị trường và các tác động về mặt xã hội của việc khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), ngày 25-4, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã tổ chức cuộc họp về dự án này.

Việc “hồi sinh” mỏ sắt Thạch Khê được cho là lớn nhất Đông Nam Á được Bộ Công Thương và chủ đầu tư rục rịch khởi động. Tuy nhiên, sau cú sốc Formosa, Hà Tĩnh không thể liều lĩnh “dấn thân” vào một dự án công nghiệp đầy rủi ro khác một cách thiếu căn cứ. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm dừng vào năm 2011, chủ đầu tư dự án cũng đã có hồ sơ đánh giá lại hàng loạt vấn đề - từ hiệu quả kinh tế đến tác động môi trường, nhưng trước sự cố Formosa, kết quả đó chưa đủ để làm yên lòng lãnh đạo Hà Tĩnh.

Cuối năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có văn bản đề nghị làm rõ một số nội dung về năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn, hiệu quả kinh tế - xã hội, công nghệ, thị trường tiêu thụ, vấn đề bảo vệ môi trường (tụt mực nước ngầm, sa mạc hóa, phòng chống siêu bãi, lụt, đổ thải lấn biển...), nếu không thì chưa đồng ý khởi động dự án này. Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) – chủ đầu tư dự án cũng đã có văn bản 17 trang làm rõ một số nội dung, nhưng cũng chưa đủ để làm Hà Tĩnh yên lòng.

Theo đánh giá của Hà Tĩnh, đây là khu vực mỏ có điều kiện địa chất phức tạp, nằm sát biển, thân quặng phân bổ sâu, lớp đất chủ yếu (cát, sét…), nhiều nước ngầm; dự án không chỉ ảnh hưởng 6 xã của huyện Thạch Hà mà còn ảnh hưởng đến các xã thuộc huyện Cẩm Xuyên, Lộc Hà, thành phố Hà Tĩnh. Đặc biệt, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, một số nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chung chung, sơ sài, chưa khẳng định tính đảm bảo môi trường.

Một góc mỏ sắt Thạch Khê.

Liên quan đến hiệu quả kinh tế, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án mới tính toán phần hiệu quả nội hàm của dự án, chưa tính toán, đánh giá, chứng thực bằng số liệu và mô hình cụ thể để đưa ra các kết luận cơ bản về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường tổng thể do dự án mang lại.

Cùng với sự thận trọng này của địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 4 Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên & Môi trường, Khoa học & Công nghệ và tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam ngồi lại với nhau đánh giá toàn diện các mặt.

Bộ Công Thương – vốn rất sốt sắng trong việc khởi động lại dự án này, mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng, giải trình lại những vấn đề Hà Tĩnh còn băn khoăn. Theo đó, Bộ này thừa nhận TIC không còn tiền đầu tư, trong khi nhu cầu kinh phí trong năm 2016 và các năm tiếp theo rất lớn, như: Ngoài chi phí đầu tư, sản xuất còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 114 tỷ đồng/năm; giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng cần bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng, trong khi TIC chỉ có nguồn tài chính duy nhất thu được từ khai thác mỏ sắt.

Việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là khó khăn, tính khả thi không cao. Tuy nhiên, Bộ này vẫn cho rằng, “Với tổng mức đầu tư giai đoạn I của dự án là 6.777 tỷ đồng thì việc huy động vốn đầu tư khi dự án được khởi động là đảm bảo khả thi, đáp ứng được tiến độ giải ngân”. Lập luận này không khác nhiều với báo cáo của TIC giải trình với Hà Tĩnh trước đây.

Về tác động đến kinh tế - xã hội của địa phương, Bộ Công Thương cho rằng, dự án mỏ sắt Thạch Khê là dự án khai thác mỏ lộ thiên với quy mô công suất, độ sâu khai thác đến -550 mét, phạm vi ảnh hưởng rất lớn và lớn nhất trong ngành khai khoáng của cả nước.

Dự án chiếm dụng đất đến 4.821ha, ảnh hưởng nguồn sống của hơn 5.000 hộ với hơn 20.000 dân của 6 xã: Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc; mất đi một lượng nước ngọt rất lớn trong quá trình khai thác do tháo khô thoát nước mỏ, tác động trên một diện rộng làm mất nước cho tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt của dân xung quanh, bị xâm thực nước biển gây nhiễm mặn và sa mạc hóa; suy giảm mực nước ngầm; tác động đến chế độ thủy văn khu vực, chủ yếu là do nước trên mặt thẩm thấu xuống lòng đất chảy vào khai trường…

Tác động rất lớn như vậy nhưng TIC cho rằng, báo cáo đánh giá môi trường, đề án cải tạo phục hồi môi trường, đề án xả thải của dự án đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức thẩm định, phê duyệt theo quy định. Bộ Công Thương cũng cho biết: Dự án điều chỉnh năm 2014 đã bổ sung phương án đổ thải lấn biển (khoảng 171 triệu m3) với diện tích 923 ha, độ cao 25m, chuyển toàn bộ cát trong tầng đất phủ ra bãi thải này, giải quyết được đồng thời nhiều vấn đề phức tạp tồn tại năm 2008 như: giảm dung tích và cốt cao đổ thải trong đất liền để đảm bảo các yếu tố an toàn, vệ sinh môi trường (chống cát bay); giảm nguy cơ rủi ro trong quá trình khai thác mỏ; tạo khu đất để xây dựng cảng phục vụ công tác vận chuyển tiêu thụ quặng sắt; vật tư thiết bị, giảm áp lực vận tải thông qua đường bộ; giảm hiện tượng xâm nhập mặn, là tường chắn ngăn nước biển dâng do bão, động đất, sóng thần…

Tuy vậy, với tầm ảnh hưởng lớn của dự án, một số chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là phải có được sự đồng thuận của dân chúng và cần phải có nhiều diễn đàn công khai hơn để thảo luận về tác động 2 chiều của dự án, chứ không phải những cuộc họp kín.

Vũ Hân

Cuộc sống ngày càng phát triển khiến nhu cầu làm đẹp của nhiều chị em cũng không ngừng tăng lên. Nắm bắt cơ hội này nhiều spa, thẩm mỹ viện đã mọc lên như nấm.

Gặp được CBCS Phòng Trinh sát, Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng (QLTG, CSGDBB, TGD), Bộ Công an thật là khó bởi nếu không phải dự các cuộc họp quan trọng thì rất ít khi anh em ở nhà. Ngoài công tác bắt truy nã, các anh thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, an toàn, nắm tình hình đối tượng tại các cơ sở giam giữ.

Tại bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn giai đoạn 1, Hội đồng xét xử TAND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp nộp hàng ngàn tỷ đồng về Cục Thi hành án dân sự TP Hồ Chí Minh để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong toàn bộ vụ án.

Giai đoạn 2021 - 2025, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Đông Nam bộ triển khai thi công 16 dự án, dự án thành phần giao thông trọng điểm. Tổng nhu cầu vật liệu đắp nền các dự án khoảng 70 triệu m³ (đất đắp khoảng 7 triệu m³, cát đắp khoảng 63 triệu m³).

Ngày 13/5, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, khoảng 15h chiều nay tại khu vực khai thác thuộc Công ty than Quang Hanh (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đã xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 3 công nhân tử vong và 1 công nhân bị thương.

Chiều 13/5, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã dành thời gian trả lời các câu hỏi liên quan đến việc xử phạt nghệ sỹ, người nổi tiếng có phát ngôn lệch chuẩn; xử lý các đơn vị quảng cáo cờ bạc trái phép và việc "đu trend" (bám theo xu hướng, hiện tượng, chủ đề nổi bật được nhiều người quan tâm) "truy tìm kho báu" liệu có vi phạm pháp luật hay không?...

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文