Lãi suất huy động thấp, lãi vay giảm chưa tương xứng
Sau một năm liên tục “đại hạ giá” các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm, thị trường tài chính tiếp tục ghi nhận những đợt giảm lãi suất huy động trong năm mới. Cụ thể, khảo sát tại một số ngân hàng thương mại cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm sau Tết Nguyên đán 2021 đã giảm nhẹ khoảng 0,5%/năm so với trước Tết.
Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại BIDV là 3,1%/năm; 3 tháng là 3,4%/năm. SCB, lãi suất kỳ hạn 3 tháng trở xuống cao nhất còn 3,85%/năm nếu trả lãi trước; kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 5,7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ... Còn tại Vietcombank, lãi suất tháng 2 vừa giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng 1/2021.
HDB “tung” gói hỗ trợ lãi suất cho vay chỉ từ 3%/năm. |
Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng của Vietcombank giảm còn 2,9%/năm; kỳ hạn từ 24-60 tháng giảm còn 5,3%/năm. Techcombank cũng giảm lãi suất huy động từ 0,1-0,2 điểm phần trăm với một số kỳ hạn. Cụ thể kỳ hạn 1 tháng xuống giảm xuống còn 2,2-3%/năm, 3 tháng còn 2,6%/năm, 6 tháng còn 3,7%/năm, 12 tháng còn 4,3%/năm. Trong khi đó ACB giảm lãi suất huy động từ 0,2-0,4 điểm phần trăm.
Theo đó, kỳ hạn 1 tháng còn 3%/năm, 3 tháng ở mức 3,3%/năm, 6 tháng 4,4%/năm, 12 tháng ở mức 5,5%/năm. Các ngân hàng khác như VPBank, SCB, SHB,... cũng điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn giảm từ 0,1-0,4 điểm phần trăm/năm. Hiện tại, mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ còn khoảng 3%, từ 6-9 tháng còn khoảng 4-6%/năm, kỳ hạn 12 tháng từ 5,3-7%/năm, giảm từ 1,5-2 điểm phần trăm/năm so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường liên ngân hàng, sau thời gian nghỉ Tết, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã quay đầu giảm liên tục ở tất cả các kỳ hạn. Đến ngày 24/2, lãi suất bình quân VND kỳ hạn qua đêm chỉ còn 0,40%; 1 tuần là 0,56%; 2 tuần là 0,72% và 1 tháng cũng chỉ còn 0,94%. Như vậy, so với thời điểm trước Tết, lãi suất bình quân của một số kỳ hạn giảm tới hơn 2%.
Lãi suất tiền gửi giảm, trong khi người gửi tiền “rầu rĩ”, thì những người có nhu cầu vay tiền lại “mừng ra mặt”, bởi nếu đúng theo quy luật, lãi suất đầu vào giảm thì lãi suất cho vay ra cũng sẽ giảm theo. Thực tế, các nhà băng cũng theo nhau tung ra các gói tín dụng nhằm giảm lãi suất cho vay.
Mới đây, Vietcombank quyết định giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng từ 22/2/2021 đến 22/5/2021, cụ thể giảm từ 5-10% tiền lãi phải trả cho khách hàng doanh nghiệp, giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 105 ngàn khách hàng với quy mô tín dụng là 350 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank.
Tại HDBank, các gói hỗ trợ dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất giảm sâu chỉ còn từ 3%/năm – tùy chương trình. Theo đó, tiếp tục chương trình “Chung tay chia sẻ - Vững bền vượt qua”, tháng 2/2021, HDBank ban hành chính sách tự động giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải, còn khách hàng vay sản xuất kinh doanh và tiêu dùng lên hạn mức đến 3 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 3%/năm, ân hạn vốn gốc 6 tháng. Còn BIDV đưa ra gói vay 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 7%/năm trong 6 tháng đầu và cộng thêm biên độ 0,5-2%/năm sau thời gian ưu đãi dành cho khách hàng vay mua nhà, mua xe, tiêu dùng cá nhân vào giai đoạn đầu năm 2021…
Không chỉ riêng lãi suất của các ngân hàng trên đà giảm, theo báo cáo hoạt động mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND có xu hướng giảm so với cùng thời điểm này năm 2020 và cuối năm 2019.
Hiện đối với các lĩnh vực sản xuất, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến ở mức 3-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến 4,2-6%/năm. Nói về định hướng điều hành của NHNN trong năm 2021, trao đổi với báo chí, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (NHNN) cho biết: “NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc các nhà băng giảm lãi suất cho vay là có và tác động tích cực đến nguồn vốn chảy vào nền kinh tế nhưng không nhiều bởi hầu hết chỉ dành cho các lĩnh vực ưu tiên, còn những lĩnh vực không thuộc ưu tiên đang phải vay vốn kỳ 6 tháng với lãi suất ở mức 7,5%/năm, nhưng 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5%-9%/năm. Mức này nếu so với đầu năm 2020 thì lãi vay thấp hơn 1 điểm % năm.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp mức lãi suất giảm như vậy là không đáng kể, bởi chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay rất lớn: trong khi lãi suất huy động bình quân chỉ 3-5%/năm, nhưng có những khoản vay vẫn treo lãi suất 9-10%/năm. NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các nhà băng có nguồn vốn đầu vào giá rẻ, nhưng các ngân hàng vẫn cho vay với lãi suất cao.
Lý giải về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất cho vay đang thể hiện nỗ lực của các nhà băng bởi với tình hình như hiện nay, khó có chuyện lãi suất cho vay giảm mạnh. Câu chuyện của năm nay vẫn có thể lặp lại như năm trước: Dù mặt bằng lãi suất đầu vào đã giảm mạnh, nhưng đầu ra chỉ giảm nhỏ giọt do nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng, nên họ sẽ nới biên độ lãi suất huy động và cho vay để tăng biên lãi ròng. Lợi nhuận thu về cao hơn dùng để tăng trích lập dự phòng rủi ro. Bên cạnh đó, các ngân hàng đều đặt kế hoạch năm 2021 tăng trưởng hơn 2020, nên “neo” lãi vay cao, chênh lệch lớn với lãi suất huy động để đạt lợi nhuận tối ưu, nhằm đạt mục đích đề ra.