Lập dự án trồng rừng và mua bán USD cổ giả để lừa đảo gần 4,5 tỷ đồng

09:02 15/05/2014
Ngày 14/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C45) cho biết, đã kết luận điều tra vụ án Nguyễn Mậu Tú cùng đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng này đã nghĩ ra rất nhiều quái chiêu để lừa đảo: nào là bịa đặt việc mua bán tiền đô la cổ, nào là đưa các thông tin giả về dự án trồng rừng biến đổi khí hậu toàn cầu do tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài tài trợ vào Việt Nam… để chiếm đoạt gần 4,5 tỷ đồng của nhiều người dân.

Mua tập đô la giả ở hàng đồng nát rồi ép người khác đền... 20 tỷ đồng

Vào cuối năm 2012, Nguyễn Mậu Tú, 60 tuổi, trú tại phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) mua được một tập tiền đô la cổ, loại mệnh giá 100.000 USD, nhưng là đồ giả của một bà đồng nát với giá 50 ngàn đồng. Thế nhưng, khi có trong tay lốc tiền giả nói trên, Tú và vợ là Nguyễn Thủy Bình đã nghĩ ra một trò lừa đảo cực kỳ tinh vi. Chúng đưa lốc tiền cho ông Nguyễn Ngọc Hoan, trú tại quận Đống Đa (Hà Nội), bảo ông Hoan đưa người có chuyên môn xác định xem là loại đô la gì? thật hay giả? nếu thật thì có giá trị như thế nào?. Bình còn hứa với ông Hoan nếu lốc tiền có giá trị thì sẽ cho ông Hoan 20 triệu đồng.

Nhận lốc tiền, ông Hoan gặp Nguyễn Hoạch Trúc Sinh là một người quen trú tại phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) nhờ Sinh xác định thật giả. Tuy nhiên, không may cho ông Hoan, trong khi Sinh chưa trả lời thì vào ngày 25/12/2012, Sinh bị đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn cùng đồng bọn bắt giữ trái pháp luật, chiếm giữ lốc tiền trên.

Các đối tượng: Nguyễn Mậu Tú, Nguyễn Thủy Bình, Nguyễn Thị Ngọc Thịnh.

Biết ông Hoan đã đánh mất tiền, vợ chồng Tú - Bình yêu cầu ông Hoan phải đền cho chúng 20 tỷ đồng (do tập tiền trên chúng nói có giá trị 200 tỷ đồng) và  thường xuyên gây sức ép đòi trả tiền. Chúng yêu cầu ông Hoan phải đặt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ) của gia đình để đảm bảo. Khi nào ông Hoan trả lốc tiền thì mới nhận lại sổ đỏ, nếu không sẽ cho người đến siết nợ chiếm nhà. Hoang mang, lo sợ nên ông Hoan đã đưa sổ đỏ của gia đình cho vợ chồng Tú, Bình quản lý.

Sau khi nhận, 2 đối tượng này còn lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của ông Hoan, lừa ông này ký vào giấy vay nợ ông Nguyễn Văn Thuần, hiện đang ở phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) số tiền 300 triệu đồng, sau đó vợ chồng Tú chiếm luôn. Ngoài ra, bọn chúng còn lừa lấy 16 triệu đồng của ông Hoan với lý do đưa số tiền này cho chủ lốc tiền để họ đi lại, làm việc với cơ quan Công an để xin lại lốc tiền (do sau đó Cục Cảnh sát hình sự đã bắt giữ nhóm Đỗ Mạnh Tuấn, thu được lốc tiền trên).

Khi cơ quan CSĐT tiến hành trưng cầu giám định, Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an đã xác định lốc tiền của Tú, Bình là tiền giả. Tất cả chỉ là bài của vợ chồng Tú – Bình đã đưa ông Hoan vào bẫy của chúng mà thôi.

Lừa dự án trồng rừng, “kẻ cắp gặp bà già”

Tiến hành đấu tranh mở rộng, các điều tra viên của Phòng 7, Cục Cảnh sát hình sự còn làm rõ, vợ chồng Tú - Bình liên minh với một đối tượng từng có 2 tiền án là Nguyễn Thị Ngọc Thịnh (tức Vinh), 58 tuổi, trú tại xã Hưng Phú (Hưng Nguyên, Nghệ An) để lừa đảo nhiều người thông qua các dự án giả về trồng rừng. Bọn chúng đã bịa đặt có các dự án trồng rừng chống biến đổi khí hậu toàn cầu ở các tỉnh biên giới phía Bắc, các tỉnh miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, được một tổ chức phi Chính phủ ở nước ngoài viện trợ không hoàn lại từ 8 đến 9 tỷ USD Mỹ vào Việt Nam. Mỗi héc ta rừng sẽ được giải ngân từ 25 đến 30 triệu đồng.

Chúng còn tung tin “kín kín, hở hở” rằng, dự án trồng rừng chống biến đổi khí hậu toàn cầu là dự án thuộc bí mật quốc gia nên phải giữ bí mật, không được phổ biến rộng rãi. Thịnh có người nhà trong Ban quản lý dự án, có quyền duyệt hồ sơ, cung cấp nguồn vốn cho các chủ rừng nên chúng đảm bảo dễ dàng xin được nguồn vốn của dự án. Vì thế, chúng mời gọi một số người hùn vốn đầu tư và thu gom sổ đỏ diện tích rừng, sau này giải ngân sẽ được hoàn vốn và chia lợi nhuận với số tiền rất lớn 500 triệu đồng/ha.

Một số tang vật của vụ án.

Sau khi lừa đảo khoảng 6 người với mục đích như trên để chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng. 3 đối tượng này dành một phần ăn chia với nhau, số tiền còn lại thống nhất sử dụng thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng để cho các nạn nhân không nghi ngờ và không tố cáo hành vi lừa đảo của chúng trước cơ quan pháp luật. Do biết được ý định trên của 3 đối tượng nên đối tượng Nguyễn Văn Hưng, 40 tuổi, trú tại xã Nga An (Nga Sơn, Thanh Hóa) (nhận Tú là chú nuôi) đã đem ra một quyển hồ sơ của Công ty TNHH Văn Nguyên thể hiện có diện tích khoảng 3 triệu héc ta rừng (hồ sơ photocopy), Hưng cho 3 đối tượng cùng một số bị hại xem quyển hồ sơ này và “ba hoa” về mối quan hệ có uy tín sẽ thu mua, gom được khoảng 1 triệu ha rừng và chỉ có Hưng mới đủ sức làm được việc này. Nhưng muốn lấy được số diện tích rừng trên, mọi người phải chuẩn bị gấp cho Hưng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Từ tháng 3 đến tháng 6/2012, tin lời của cháu nuôi, Tú bàn với Bình, Thịnh giao cho Hưng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Nhưng gã này đã chiếm đoạt hết và chẳng làm gì cho bọn Tú cả. Hiện cơ quan CSĐT đang làm rõ về hành vi của đối tượng Hưng, đồng thời sẽ tách phần tài liệu có liên quan đến hành vi của Hưng để tiếp tục điều tra, xử lý. Trong vụ án này, em trai của Hưng, Nguyễn Mạnh Hà, phóng viên của một đài truyền hình cũng đã nhận 260 triệu đồng của vợ chồng Tú, Bình và Thịnh để đi thu gom diện tích rừng tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Tuyên Quang. Song Hà đã không làm được và cũng giống… ông anh, ngang nhiên chiếm giữ số tiền trên. Đúng là “kẻ cắp gặp bà già”!

Ngoài ra, khoảng tháng 7/2012, Tú đã gặp anh Lê Mậu Luân, 34 tuổi, trú tại xã Kim Lỗ (Đông Anh, Hà Nội) và anh Nguyễn Tiến Hợp, 36 tuổi, trú tại thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc), hai doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng. Tú cũng “múa lưỡi” rằng mình có các mối quan hệ rất “hoành tráng”, có thể tìm cho 2 người này công trình xây dựng nhà ở có tổng trị giá trên 100 tỷ đồng. Để quan hệ và xin được các công trình trên, Tú yêu cầu anh Luân và Hợp giao trước cho gã 500 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, gã này cũng biệt tăm, chiếm đoạt luôn.

Hiện cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã kết luận điều tra, chuyển Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 3 đối tượng Nguyễn Mậu Tú, Nguyễn Thủy Bình, Nguyễn Thị Ngọc Thịnh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt được của 9 bị hại là hơn 4,5 tỷ đồng

T.Hòa – Bùi Thị Dung

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản “đóng băng”, không lưu thông, hay nằm “phơi sương, phơi nắng” trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Mang cái tên đặc biệt, Võ Thị Nở (SN 1979, không nơi cư trú nhất định) từng có 5 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng ngựa quen đường cũ, Nở vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ móc túi, lấy trộm ĐTDĐ đắt tiền tại khu vực rạp chiếu phim và bệnh viện xung quanh khu vực quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh…

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Israel và Lebanon đã chấp nhận đề xuất của Washington nhằm chấm dứt cuộc xung đột tàn khốc giữa Israel và Hezbollah, mở đường cho việc kết thúc gần 14 tháng giao tranh xuyên biên giới đã giết chết hàng nghìn người.

Những tuyên bố gần đây của NATO về khả năng thực hiện các cuộc tấn công “phòng ngừa” nhằm vào Nga đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên, đẩy thế giới đến gần hơn với nguy cơ xung đột trực tiếp.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 26/11 cho biết sẽ áp thuế đáp trả Mỹ, sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới.

Theo báo cáo của Chính phủ, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam. Vậy nhưng đến nay, các địa phương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao 720,4/721,25km (đạt khoảng 99,9%), trong đó, nhiều địa phương đã bàn giao 100% mặt bằng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文