Lo ngại nợ công, Việt Nam tránh tăng trưởng nóng
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc thì qua theo dõi từ năm 1978, “đây là quyết định mới, chưa bao giờ có”. Điều này sẽ giúp các hoạt động của đất nước có định hướng và không bị chậm trễ, thậm chí đến 2 năm, như kế hoạch khóa trước.
Nhất trí cho rằng đến thời điểm hiện tại, đất nước đã qua cơn “sóng gió”, “chỉ còn vấn đề là đưa con thuyền tiến lên” (như lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh), nhưng các đại biểu vẫn bày tỏ nhiều quan ngại về thách thức phải đối mặt trong thời gian tới, nhất là thích nghi với hội nhập ở mức độ cao, vấn đề thể chế, nợ công…
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng trước mắt cần phải xác định rõ quan điểm phát triển, mục tiêu phát triển nhanh hay ổn định kinh tế vĩ mô là hàng đầu? “Hiện GDP đầu người của chúng ta quá thấp, có hơn 2.100USD, trong khi các nước 40.000 – 50.000USD/người. Phải tăng trưởng, vì kinh tế không phát triển thì độc lập về các mặt, kể cả chính trị cũng hạn chế, khả năng giữ vững chủ quyền cũng khó khăn.
Nhưng quan điểm của tôi là không thể tăng trưởng nóng được, nguy cơ đe dọa đến sự phát triển ổn định của ta là nhãn tiền”- đại biểu Bùi Đức Thụ nói. “Dư địa tăng trưởng bằng nới lỏng tài khóa là không còn, chạm trần đến nơi rồi. Các cân đối thì như đi trên dây, chỉ 1 giọt nước tràn ly là đổ vỡ. Quan điểm của tôi là phát triển, nhưng lấy ổn định lâu dài, hiệu quả là mục tiêu chính.
Điều kiện tiên quyết là luôn luôn phải duy trì những cân đối lớn của nền kinh tế, không nên nới lỏng tiền tệ, không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Về tài khóa, hơn lúc nào hết phải thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, rà soát thu chi, xác định tỷ lệ động viên một cách hợp lý, chi phải tiết kiệm, giảm tỷ trọng chi thường xuyên bằng tinh giản biên chế, thoái biên chế và tính toán không ban hành chính sách mới dễ làm đột phá tăng chi”, đại biểu Bùi Đức Thụ phát biểu thêm. Ông cũng bày tỏ lo ngại rất lớn về việc nợ Chính phủ đã vượt trần (50,3% GDP so với trần là 50%) và cho rằng trước tiên phải giảm ngay là nợ Chính phủ bảo lãnh.
Về 2 phương án dư nợ công trình Quốc hội khóa 14 quyết định, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng tính dư nợ công theo phương án tăng trưởng 7%/năm là “rất bấp bênh”: “Theo phương án tăng trưởng 7% với quy mô GDP thế này, nợ công thế này, bội chi thế này thì ngân sách còn 1.856.000 tỷ bố trí đầu tư cho 5 năm.
Chúng ta tính tương đối sát tay, nợ công, bội chi tính ở mức mấp mé là hết sức rủi ro, bởi nếu chỉ cần GDP hạ xuống 6,8% thôi thì nợ công, bội chi ngân sách sẽ vượt lên ngay, do mẫu số GDP nhỏ. Đó là chưa kể đến việc kiểm soát lạm phát. Đầu tư công, vay, trả nợ trung hạn phải chết sức thận trọng và lấy an ninh tài chính là nhiệm vụ hàng đầu”.
Đánh giá cái được lớn nhất của giai đoạn vừa qua là là ứng phó với bất ổn, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng thử thách của 5 năm tới là có thể tiến hành tái cơ cấu nông nghiệp và công nghiệp một cách căn bản được không? Có tận dụng được cơ hội từ hội nhập hay không? Và việc cải cách thể chế như thế nào? “Đối với nông nghiệp, lâu nay chúng ta thấy rõ rủi ro của thị trường, nhưng bây giờ rủi ro tự nhiên, biến đổi khí hậu lại tạo ra thách thức kép cho ngành.
Công nghiệp chuyển dịch từ gia công sang sản xuất nhưng chưa thấy dấu hiệu tích cực”. Nhắc tới việc 5 năm vừa qua chúng ta tồn tại 2 nền kinh tế, một của các DN FDI và một của DN trong nước, yếu hơn hẳn, đại biểu Trần Du Lịch “khẳng định quan điểm không một nước nào có thể phát triển bền vững mà lại dựa vào FDI.
Chúng ta đang nguy cơ mất thị trường phân phối nội địa trên tất cả các lĩnh vực, và ai nắm phân phối người đó chi phối sản xuất. Thách thức nữa là cải cách nền hành chính công và tài chính công”. Đại biểu Nguyễn Văn Phúc cũng than phiền về việc không phải ngành nào cũng tiến hành tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ như Nghị quyết của Quốc hội.
“Chúng tôi đi giám sát chúng tôi biết, một số bộ ngành và địa phương coi như đây là một sự chuyển dịch cơ cấu thông thường. Anh làm được hay không làm được cũng không sao cả, hòa cả làng; rồi cũng phát triển… Đánh giá như thế thì không tạo động lực cho anh làm việc”.
Trước những băn khoăn về mục tiêu phát triển giai đoạn tới của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định mục tiêu hàng đầu đã được xác định là ổn định vĩ mô, đồng thời cũng đặt ra kế hoạch tăng trưởng cao hơn giai đoạn vừa qua.
Đây là kết quả kế thừa từ báo cáo về kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thông qua sau khi xây dựng rất chu đáo trong 2 năm, với sự tham gia của nhiều Bộ trưởng, thành viên Quốc hội, các ban Đảng; Bộ Chính trị cũng đã nghe nhiều lần, Trung ương đã xem xét, cũng như đã gửi đi xin ý kiến của các cơ quan ban ngành…
Kế hoạch trình Quốc hội lần này chỉ được cập nhật thêm chính xác các số liệu của 2015 và cập nhật một số giải pháp lớn chọn lựa từ báo cáo 2035 mà Ngân hàng Thế giới và các cơ quan chức năng Việt Nam đã soạn thảo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng quan trọng nhất là làm sao để thực hiện hiệu quả, bởi “báo cáo dù có viết dài bao nhiêu cũng chỉ là định hướng lớn thôi”. “Vấn đề làm sao để bộ máy sớm bắt tay chọn những vấn đề then chốt nhất, quyết liệt nhất trong thể chế, bộ máy, hội nhập để thực hiện”.