Lo thiếu hụt nguồn cá tra nguyên liệu cho xuất khẩu
Nhiều DN xuất khẩu đã tăng mức giá thu mua nhưng vẫn không có nguồn cung. Theo VASEP, do thiếu nguyên liệu, trong tháng 11 này, các nhà máy chế biến sẽ phải giảm công suất khoảng 30% so với tháng trước, trong khi nhu cầu của thị trường từ tháng này trở đi dự báo tăng từ 40%. Đó cũng là lý do mà mục tiêu đến năm 2016 kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt từ 2 - 2,3 tỷ USD khó thực hiện được.
Thực trạng này một lần nữa báo động về những bất ổn trong ngành hàng xuất khẩu được coi là mũi nhọn của ngành thủy sản Việt Nam, nhất là vấn đề bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng với thị trường.
Anh Lê Văn Trường (một người nuôi cá tra ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi vừa bán ao cá thứ 5 với giá 22.500 đ/kg. Thú thật với các anh là lâu lắm rồi mới bán cá tra được giá cao thế này. Lời cũng đủ bù cho mấy ao cá thất giá bán trước đó chỉ có 18.000-19.000 đ/kg”.
Được biết, anh Trường là người nuôi cá lâu năm có kinh nghiệm nên thả cá theo phương thức rải vụ ở nhiều thời điểm khác nhau để hạn chế rủi ro nếu giá cá rớt giá vào một thời điểm nhất định. Người nuôi cá tỏ ra phấn khởi khi giá cá tra tăng trở lại. Trong đó, giá cá tra thịt trắng hiện đạt đến mức 23.500 đ/kg (tăng gần 3.000 đ/kg so với cách đây 1 tháng).
Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), phân tích: “Giá cá tra tăng hiện nay do nguồn cung hạn chế. Trong khi nhu cầu của DN tăng vọt để cung cấp cho thị trường Noel và Tết Dương lịch ở nhiều nước. Cũng cần nói thêm, không chỉ người dân giảm diện tích mà DN cũng giảm nuôi ở vùng nguyên liệu truyền thống của chính họ. Nên cá tra hút hàng tăng giá cục bộ”.
Nhiều DN xuất khẩu đang lo lắng từ nay đến hết tháng 2-2017, lượng cá tra tại ĐBSCL không đủ cho chế biến, xuất khẩu. |
Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, giá thành chỉ xác định ở một thời điểm nào đó. Hiện nay giá thành nuôi cá tra của DN cao hơn nông dân. Trong khi đó, vùng nguyên liệu nuôi cá tra hiện nay tỷ lệ nuôi của DN chiếm đến 80%, 20% còn lại là của nông dân.
Còn theo dự báo của VASEP, các DN cá tra vẫn thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu thời gian tới. Cần nhìn nhận sau thời gian giá cá tra tụt dốc, mối liên kết ngành dọc giữa người nuôi và DN được hình thành khá chặt chẽ. Người nuôi cá tra hiện nay gần như đều gắn đầu ra với DN chế biến cụ thể cũng như áp dụng các qui trình nuôi tiến bộ. Tuy nhiên, mối liên kết ngang (giữa DN với DN) vẫn rời rạc, thậm chí thiếu minh bạch.
Ông Lê Chí Bình đề xuất: “Cần phải loại khỏi cuộc chơi đối với những DN yếu kém có chiêu trò bán phá giá. Không nên hỗ trợ cứu những DN dạng này. DN nào đủ vật lực, tài lực thì tồn tại, còn DN yếu kém hay xé rào bán phá giá thì khai tử chuyển sang ngành khác. Cần phải có chính sách hỗ trợ liên kết ngang để tập hợp các DN thành mối đầu mối. Giảm được đầu mối là giảm cạnh tranh không lành mạnh”.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành cá tra phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện việc cấp mã số ao nuôi; áp dụng đăng ký nuôi cá tra thương phẩm; hợp đồng thu mua nguyên liệu với người nuôi; xác nhận hợp đồng xuất khẩu nhằm bảo đảm sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và thích ứng nhanh với thị trường; đồng thời, cần sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Trong đó, tổ chức lại các hộ nuôi cá tra theo nhóm hộ, HTX, tổ hợp tác… gắn với việc ứng dụng nuôi VietGAP và các chứng nhận nuôi quốc tế. Tổ chức các cơ sở chế biến, tiêu thụ gắn với các vùng sản xuất nguyên liệu và nhu cầu của từng thị trường. Cùng với đó, khuyến khích doanh nghiệp chế biến là trung tâm trong liên kết chuỗi giá trị.