Lộ thông tin cá nhân: Khách hàng thiệt đơn, thiệt kép
Nhưng hiện tại, khi thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, giao dịch qua mạng đòi hỏi thông tin nhiều, mạng xã hội yêu cầu thành viên khai báo thông tin, rồi các doanh nghiệp khai thác thị trường bằng cách cử nhân viên đến các bệnh viện, khu phố… vừa giới thiệu dịch vụ, vừa “tranh thủ” thu thập số điện thoại, email để “chăm sóc” khách hàng tốt hơn, thì nhiều người chẳng biết thông tin của mình bị lộ từ đâu. Chỉ biết rằng, hậu quả nhãn tiền của việc lộ thông tin cá nhân là hàng ngày, hàng giờ khách hàng liên tục bị “khủng bố”, bị “tra tấn” bởi nhiều cuộc gọi, tin nhắn giới thiệu dịch vụ vừa mất thời gian, vừa phải rước thêm lắm sự bực mình. Thậm chí, có thể trở thành nạn nhân của những thủ đoạn lừa đảo mới.
“Alo, chào chị! Em là nhân viên ngân hàng…; Chào chị! Em gọi đến từ công ty bảo hiểm…; chào chị, em gọi đến từ hãng sữa...”, đó là những lời mời chào giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và các chương trình khuyến mại mà chị Mai Chi ở đường Giải Phóng (Hà Nội) nhận được đều đặn mỗi ngày. Thời gian đầu mới bị các cuộc gọi kiểu này “tra tấn”, chị Mai Chi cảm thấy bực bội, khó chịu và để đỡ mất thời gian, chị đã chọn giải pháp hơi cực đoan là khi có số lạ gọi đến, chị thường không nghe máy. Tương tự, anh Kiều Thắng, Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại ở Hà Nội cho biết: Ngày nào anh cũng bị quấy rầy bởi hàng chục cuộc gọi và tin nhắn rác giới thiệu sản phẩm. Thậm chí, có khi đang họp, anh cũng phải tắt nguồn điện thoại, vì các cuộc gọi từ đầu số lạ.
Khách hàng cần cẩn trọng hơn trong việc khai báo các thông tin cá nhân trên môi trường mạng. |
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, ngoài các loại danh bạ điện thoại nội bộ của các cơ quan, doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp... thì hiện nay còn rất nhiều loại danh bạ khác được thống kê lại từ các cuộc khảo sát khách hàng trực tiếp về sản phẩm, dịch vụ; từ các cuộc thống kê dữ liệu về dân cư và đặc biệt là các mạng xã hội, các giao dịch mua bán trực tuyến trên mạng Internet... Vì nhiều lý do khác nhau, từ việc là sản phẩm “nội bộ”, các thông tin này đã bị rò rỉ ra ngoài, mua đi bán lại và trao đổi lẫn nhau. Thế mới có chuyện, cùng một chủ thuê bao nhưng có rất nhiều công ty khai thác để chào mời sản phẩm, dịch vụ. Những danh bạ này thậm chí còn được rao bán công khai trên mạng với mức giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, tùy số lượng và nội dung cá nhân trong danh bạ.
Theo TS Vũ Quốc Thành, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), an toàn thông tin đang là mối quan tâm hàng đầu của quốc gia và mỗi cá nhân trong xã hội hiện đại. Việc để lộ thông tin cá nhân sẽ dẫn đến việc mất an toàn thông tin với cá nhân, người “thiệt hại” ít thì chỉ thấy bị làm phiền, tốn thời gian trả lời các cuộc gọi tới không cần thiết. Thậm chí, có thể trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo tinh vi như đánh cắp tài khoản ATM, lừa đảo nạp thẻ cào điện thoại, lừa trả nợ cước...
Trong khi các chế tài đòi hỏi trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng chưa được luật hóa thì khách hàng cần phải biết tự bảo vệ mình bằng cách không khai báo thông tin một cách tùy tiện, nhất là trên các mạng xã hội, các website bán hàng trực tuyến hay chưa có uy tín. Nói cách khác, đối với những thông tin mà khách hàng không muốn cung cấp trong đời thực thì cũng hãy đừng làm như vậy trên mạng.
Cũng theo TS Vũ Quốc Thành, Dự thảo Luật An toàn thông tin đang được Bộ TT&TT lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ nhấn mạnh các hành vi bị nghiêm cấm như: Phát tán tin nhắn rác, phần mềm độc hại, thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo; Lợi dụng mạng Internet để thực hiện các hành vi gây phương hại đến an ninh quốc gia, kích động bạo lực, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy... Đặc biệt, Điều 15 của Dự thảo này cũng đưa ra những ràng buộc và trách nhiệm nhất định của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo thông tin cá nhân. Do vậy, Luật An toàn thông tin được thông qua và có hiệu lực được kỳ vọng sẽ là một “cây gậy” trong việc đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trong tương lai