Mạnh tay với doanh nghiệp nợ thuế
VEC bị cưỡng chế hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế
Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế hàng nghìn tỷ đồng đối với Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Cụ thể, trong công văn gửi Bộ Tài chính, VEC cho biết, trong 6 tháng vừa qua, gần như mọi hoạt động liên quan đến dòng tiền đi/đến của Tổng công ty đều đóng băng sau khi Cục Thuế TP Hà Nội ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.
Theo đó, DN đã bị Cục Thuế TP Hà Nội cưỡng chế truy thu hơn5.000 tỷ đồng thuế GTGT đã trả cho các nhà thầu trong giai đoạn 2016 - 2017. Đến đầu tháng 6 năm nay, 5 ngân hàng đã phong tỏa và tự động trích tiền chuyển sang tài khoản Kho bạc Nhà nước theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Phản hồi về vấn đề này, Cục Thuế Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc có quyết định cưỡng chế VEC vì theo quy định của Luật Quản lý thuế về việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào đối với dự án đầu tư, từ ngày 1-7-2016 đến năm 2017, Cục Thuế Hà Nội đã thực hiện hoàn thuế GTGT cho VEC 9 đợt, tổng số tiền hoàn thuế GTGT là hơn 949,7 tỷ đồng, theo hình thức hoàn thuế trước kiểm tra sau. Tuy nhiên, trong quá trình thanh tra sau hoàn thuế GTGT đối với VEC, Cục Thuế Hà Nội đã phát hiện, VEC không đáp ứng đủ điều kiện để được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư.
Do đó, căn cứ quy định của Luật Quản lý thuế và kết quả thanh tra sau hoàn thuế, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành 2 Quyết định thu hồi tiền hoàn thuế GTGT đối với VEC. Số tiền thu hồi gồm: hơn 949,7 tỷ đồng đã hoàn cho VEC trước đó, tiền chậm nộp phải nộp là hơn 83,4 tỷ đồng. Tổng số thuế phải thu hồi và tiền chậm nộp là hơn 1.033,2 tỷ đồng.
Về biện pháp cưỡng chế thuế và số tiền cưỡng chế, Cục Thuế Hà Nội cho biết, trong quá trình đôn đốc thu hồi số tiền hoàn thuế và tiền chậm nộp nêu trên, cục thuế đã hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho VEC liên hệ với bộ chủ quản để xử lý sai sót, cũng như thu xếp nguồn tài chính để thực hiện hoàn trả ngân sách Nhà nước, nhưng VEC vẫn chưa thực hiện quyết định của cơ quan thuế.
Vì vậy, ngày 28-5-2019, Cục Thuế Hà Nội đã ban hành 5 quyết định thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của VEC tại 5 ngân hàng thương mại; thời gian cưỡng chế từ ngày 4-6-2019 đến hết ngày 3-7-2019 (30 ngày); số tiền cưỡng chế ghi trong các quyết định nêu trên là hơn 1.033,2 tỷ đồng.
Cục Thuế Hà Nội khẳng định thông tin cưỡng chế 5.000 tỷ đồng là không chuẩn xác và cho biết thêm, ngoài biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản ngân hàng, Cục Thuế Hà Nội không đề nghị các ngân hàng phong tỏa tài khoản, không thực hiện khấu trừ lương, thu nhập của người lao động... như nội dung VEC phản ánh trong công văn 2398/CV-VEC gửi Bộ Tài chính.
Tổng số tiền thuế nợ đã giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018. |
Kiên quyết áp dụng biện pháp mạnh tay
VEC là một trường hợp điển hình về công tác cưỡng chế DN nợ thuế mà ngành Thuế thực hiện trong thời gian gần đây. Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết trong 10 tháng năm 2019, toàn ngành đã thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu nợ thuế và đã thu được 27.667 tỷ đồng tiền thuế nợ, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng số tiền thuế nợ đã giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) chiếm tỷ trọng 52,2% tổng số tiền thuế nợ, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2018; tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) chiếm tỷ trọng 47,8% tổng tiền thuế nợ, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Mặc dù thế, trên thực tế, số lượng các DN nợ thuế vẫn có chiều hướng gia tăng. Hà Nội là một trong những thành phố có số lượng DN lớn nhất với gần 154.000 DN và 160.000 hộ kinh doanh, nên hoạt động thu thuế cũng gặp không ít khó khăn. Theo Cục Thuế Hà Nội, từ tháng 1 đến tháng 9-2019, Cục Thuế Hà Nội đã công khai 1.940 DN và dự án nợ thuế với tổng số tiền nợ lên tới hơn 6.412 tỷ đồng.
Trong tháng 10-2019, Cục Thuế đã công khai danh sách các DN nợ thuế trên địa bàn với tổng cộng 608 đơn vị nợ thuế (công khai lần đầu và công khai lại), với số nợ lên tới 745 tỷ đồng. Trong đó, 543 DN lần đầu nợ thuế, phí, các khoản liên quan đến đất, tiền phạt và tiền chậm nộp số tiền hơn 468,9 tỷ đồng. Đặc biệt, có 65 DN nợ hơn 276,2 tỷ đồng tiền thuế từ năm 2015, 2016, 2017, 2018.
Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay Cục Thuế Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hồi nợ thuế, đảm bảo nhiệm vụ được giao. Đối với công tác quản lý nợ thuế, do được xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là thách thức lớn, nên ngay từ đầu năm, Cục Thuế đã có văn bản thông báo nhiệm vụ, giao chỉ tiêu thu nợ chi tiết tới từng phòng, chi cục thuế. Chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát nắm bắt tình hình tài chính, dòng tiền của các DN nợ thuế, nhất là những khoản nợ dưới 90 ngày để có biện pháp đôn đốc thu kịp thời.
Cùng với đó là tăng cường công tác cưỡng chế nợ thuế, rà soát các trường hợp chưa cưỡng chế để thực hiện theo đúng quy định, bao gồm cả các đơn vị nợ trên 5 triệu chưa cưỡng chế. Đối với các DN cố tình chây ì không nộp thuế, Cục Thuế kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đọng thuế…
Tuy nhiên, cùng với việc thu Thuế, ngành Thuế xác định luôn chú trọng công tác cải cách hành chính thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; cung cấp dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử. Toàn ngành đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với người nộp thuế…
Riêng với những khoản nợ thuế không có khả năng thu hồi không chỉ gây gánh nặng cho ngân sách mà còn khiến các cơ quan thuế chịu nhiều sức ép, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước…