Minh bạch để tạo đột phá xử lý nợ xấu

11:10 28/10/2016
TS. Cấn Văn Lực, cho rằng cần có đột phá mới xử lý được nợ xấu. Cụ thể đó là đột phá thị trường mua bán nợ. Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết nợ xấu lên trên 1 con số.

Đừng để ngân hàng một mình loay hoay xử lý nợ

Tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu - Những nút thắt cần tháo gỡ”, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản tổ chức tín dụng (VAMC) cho biết: 

Tại thời điểm 30-9-2012, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức 464.664 tỷ đồng tương đương 17,21% tổng dư nợ tín dụng.  Trong năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, các TCTD đã cơ cấu lại 143,4 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012. Từ cuối năm 2012 đến tháng 8-2016, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó, bán nợ cho VAMC220 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,14%; TCTD tự xử lý 328 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59,8%. 

Số liệu nợ xấu vẫn là con số mà nhiều chuyên gia băn khoăn.

Như vậy, tính đến tháng 8-2016, nợ xấu là 147 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 2,66% tổng dư nợ. Nếu tính cả nợ xấu TCTD bán cho VAMC sau khi thu hồi nợ và xử lý rủi ro là 186.000 tỷ thì tỷ lệ nợ xấu chiếm tỷ lệ 5,84 %.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, con số nợ xấu hiện nay rất đáng quan tâm. Theo công bố của Ngân hàng nhà nước (NHNN) đến cuối tháng 8-2016 tỷ lệ nợ xấu là 2,62%. 

“Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi, khi cộng thêm với khoản nợ xấu mà VAMC mua về nữa thì tỷ lệ nợ xấu hiện khoảng 7%. Còn dữ liệu IMF tính toán về nợ xấu của Việt Nam lên tới hơn 10%. Cần phải chốt lại con số nợ xấu để biết quy mô thực thế nào, và phải có đột phá trong xử lý nợ xấu” – TS Lực nhấn mạnh. 

Còn chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng đề nghị người làm luật cần biết chính xác con số nợ xấu, cơ quan quản lý là NHNN báo cáo chính xác những khoản nợ xấu có thể khảo sát, có thể điều tra thống kê được.

Số liệu nợ xấu vẫn là con số mà nhiều chuyên gia băn khoăn. (Ảnh chỉ mang tính minh họa).

Tuy nhiên, có một thực tế là trong thời gian qua, “tội đồ” gây nợ xấu chủ yếu một mình ngành ngân hàng gánh chịu và cũng chủ yếu một mình ngân hàng loay hoay tháo gỡ, vì thế, tiến độ xử lý bị đánh giá là chậm và chưa hiệu quả. 

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC cũng nhiều lần đề nghị: “Cần có cái nhìn khách quan về nợ xấu, nợ xấu không phải do một mình hệ thống ngân hàng gây ra mà do nhiều nguyên nhân. Không để một mình ngành ngân hàng loay hoay xử lý nợ xấu. Nợ xấu ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, do vậy cả xã hội cần chung tay xử lý”. 

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, nợ xấu chậm được xử lý thời gian qua do ít nhất 3 nguyên nhân: Thứ nhất là đổ hết lỗi gây ra nợ xấu cho ngân hàng. Thứ hai là phó thác hết trách nhiệm xử lý nợ xấu cho ngân hàng. Và thứ ba là không sửa đổi pháp luật hỗ trợ xử lý nợ xấu cho ngân hàng.

Cần có luật riêng để xử lý nợ xấu

Theo các chuyên gia, những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ xấu rất nhiều nhưng tập trung ở 4 vấn đề chính. 

Thứ nhất là quy định pháp luật còn thiếu chưa phù hợp để thúc đẩy hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu. Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm có nhiều vướng mắc nếu không có sự hợp tác của các khách hàng vay, bên bảo đảm. Bên nhận bảo đảm chỉ có thể thực hiện khởi kiện tại Tòa án để thu hồi nợ. Trong khi đó thời gian giải quyết vụ việc tại Tòa án thường bị kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD, VAMC. 

Thứ 2, VAMC thiếu những quy định đặc thù để có thể xử lý nhanh nợ xấu. Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo sự thông thoáng cho hoạt động VAMC, thậm chí còn hạn chế quyền của VAMC khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản bảo đảm. VAMC không thực hiện được quyền chủ nợ đối với các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu chính phủ. 

Thứ 3, thị trường trái phiếu thiếu những cơ chế điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong xử lý nợ xấu dẫn đến hệ quả không thu hút được các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực trong tham gia vào hoạt động xử lý nợ xấu. Việc bán nợ cho nhà đầu tư nước ngoài gặp một số vướng mắc vì theo quy định pháp luật hiện hành việc nhận thế chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế. 

Thứ 4, việc xử lý nợ chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện công việc. Hệ lụy dẫn đến hạn chế không khuyến khích TCTD, VAMC tích cực triển khai công tác xử lý nợ.

TS. Cấn Văn Lực, cho rằng cần có đột phá mới xử lý được nợ xấu. Cụ thể đó là đột phá thị trường mua bán nợ. Ở góc độ pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nếu không có một đạo luật hay một số điều luật đặc biệt để xử lý thì sẽ có nguy cơ kéo dài số năm giải quyết nợ xấu lên trên 1 con số. 

Theo nghiên cứu của Luật sư Trương Thanh Đức, hiện nay, xử lý tài sản đảm bảo đang gặp nhiều vướng mắc và cần sửa đổi tới 9 luật, chưa kể Luật Đấu giá mà Quốc hội đang thảo luận. Tuy nhiên, việc sửa đổi cùng lúc 9 luật là rất khó khăn, đòi hỏi quá nhiều thời gian và sự tham gia của nhiều bộ, ngành. 

Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần phải ban hành một bộ luật riêng về xử lý nợ xấu, đồng thời trao thêm quyền năng cho VAMC, cùng cơ chế giám sát minh bạch. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình quan điểm cho rằng cần có một luật riêng để xử lý nợ xấu giai đoạn 2008 – 2013. Sau khi xử lý xong thì luật hết hiệu lực.

Lệ Thúy

Ngoài chuyện tố cáo đến cơ quan Công an vì bị chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì nhiều năm và liên tiếp phản ánh bức xúc đến các cơ quan thẩm quyền về tình trạng chậm được cấp "sổ hồng" cho 930 căn hộ, một vấn đề gay gắt khác giữa cư dân chung cư Saigon Gateway (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh là việc cấp "sổ hồng" riêng cho khu đất thương mại dịch vụ gây bít lối đi chung...

Xung đột Nga-Ukraine leo thang và một số điểm nóng tại Trung Đông khiến nhu cầu trú ẩn tài chính gia tăng, kéo giá vàng thế giới tăng mạnh, đẩy giá vàng trong nước đi lên.

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22/12, do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức. Triển lãm được tổ chức với quy mô lớn, nội dung mang tính hiệu quả và toàn diện, với đông đảo các doanh nghiệp Công nghiệp Quốc phòng các nước, các đoàn khách quốc tế, quốc phòng cấp cao, các nhà quản lý công nghiệp quốc phòng đăng ký tham gia.

Chiều 19/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Phan Thị Lệ Thủy (SN 1989, trú xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dưới hình thức tổ chức chơi biêu (ở vùng, miền khác gọi là họ, hụi, phường).

Liên quan đến vụ huy động hơn 3.700 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán xảy ra tại Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI, chiều nay (18/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quang Hoàng (SN 1988, Tổng Giám đốc), và Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1992, Trưởng phòng ngân quỹ công ty) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Để xử lý dứt điểm hơn 300 dự án, công trình chậm tiến độ kéo dài, tỉnh Hà Tĩnh sẽ kiên quyết thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, chậm trễ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao trong giải quyết các vấn đề liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文