Thông tư 38/2018/TT-BTC:

Minh bạch hóa trong việc thực hiện xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu

16:20 19/06/2018
Để triển khai Nghị định số 59/2018/NĐ-CP về quản lý, giám sát và thủ tục hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 38/2018/TT-BTC (Thông tư 38) quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 5/6/2018. Tổng cục Hải quan đã có phân tích, chỉ ra những điểm mới quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) lưu ý nắm bắt để thực hiện tốt.


Theo Tổng cục Hải quan, Thông tư số 38 được Bộ Tài chính ban hành có một ý nghĩa rất quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK). Đây là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng quy định cụ thể, thống nhất, minh bạch về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (C/O).

Lần đầu tiên đối với lĩnh vực xác định C/O có một đầu mối văn bản riêng giúp cơ quan hải quan tra cứu áp dụng các quy định liên quan đến hoạt động XNK trong các trường hợp cần truy xuất C/O, qua đó góp phần ngăn ngừa gian lận thương mại, trốn thuế. Đồng thời, văn bản này hướng đến việc tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thông tư 38 đã minh bạch hóa trong việc thực hiện xác định xuất xứ hàng hóa.

Theo đó, Thông tư 38 đã minh bạch hóa trong việc thực hiện xác định xuất xứ hàng hóa: Thông tư đã quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các chứng từ phải nộp khác để chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, có 5 trường hợp DN cần lưu ý để thực hiện việc xuất trình C/O với cơ quan hải quan.

Một là, hàng hoá có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam.

Hai là, hàng hoá thuộc diện phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên; hàng hóa đang được thông báo nghi ngờ nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,

Ba là, hàng hoá thuộc diện Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát;

Bốn là, hàng hoá thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng, để xác định hàng hóa không thuộc diện áp dụng các thuế này.

Xử lý các trường hợp không nộp chứng từ chứng nhận C/O

Vấn đề này được quy định tại (Điều 4) Thông tư 38 áp dụng với những 3 trường hợp sau:

Một là, đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt nếu người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận C/O thì hàng hóa áp dụng thuế suất ưu đãi (MFN) hoặc thông thường.

Hai là, đối với hàng hóa phải nộp chứng từ chứng nhận C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan mà người khai hải quan không nộp thì hàng hóa không được thông quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp hàng hóa quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC, người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận C/O điều kiện nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu theo pháp luật chuyên ngành thì cơ quan hải quan thực hiện thông quan theo quy định;

Ba là, đối với hàng hóa áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ hoặc thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan nếu người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận C/O thì hàng hóa áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ hoặc thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan đối với toàn bộ lô hàng và được thông quan theo quy định.

Trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận C/O

Điều 6, Thông tư 38 đã quy định cụ thể 3 trường hợp không phải nộp C/O, đó là hàng hóa xuất khẩu; hàng hóa nhập khẩu không thuộc hàng hóa quy định tại Điều 4 Thông tư 38; hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp quy định miễn nộp chứng từ chứng nhận C/O theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi (MFN) thì không phải nộp chứng từ chứng nhận C/O.

Thời điểm nộp chứng từ chứng nhận C/O

Điều 7, Thông tư 38 quy định, đối với trường hợp người khai hải quan có chứng từ chứng nhận C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan: nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan.

Đối với trường hợp người khai hải quan chưa có chứng từ tại thời điểm làm thủ tục hải quan: được chậm nộp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Trừ 2 trường hợp ngoại lệ: đối với C/O mẫu EAV nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan; đối với C/O mẫu KV (VK) trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì nộp trong thời hạn 1 năm.

Thông tư 38 cũng quy định thời điểm nộp chứng từ chứng nhận C/O đối với hàng hóa của DN ưu tiên.

Thay đổi mục đích sử dụng

Tạo thuận lợi cho DN XNK, Thông tư 38 cũng có quy định về nộp chứng từ chứng nhận C/O đối với trường hợp thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thu nội địa đối với hàng hóa thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế (Điều 17).

Trừ lùi C/O đối với hàng hóa nhập khẩu

Điều 23, Thông tư 38 có quy định trừ lùi C/O nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu nhập khẩu từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan để nhập khẩu nhiều lần vào nội địa

Theo đó, trường hợp một lô hàng đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa nhiều lần thì được sử dụng C/O để lập Phiếu theo dõi trừ lùi cho từng lần nhập khẩu vào nội địa và được áp dụng trừ lùi tại nhiều chi cục hải quan khác nhau.

Thực thi kiểm tra, xác định, xác minh C/O

Thông tư 38 quy định, quá trình xác minh hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả việc đi kiểm tra trực tiếp tại nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu và ra thông báo kết luận kiểm tra) được thực hiện trong thời hạn không quá một trăm tám mươi (180) ngày kể từ ngày Tổng cục Hải quan gửi văn bản đề nghị xác minh, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định thời gian xác minh dài hơn.

Quá thời hạn này mà không nhận được kết quả xác minh, cơ quan hải quan thực hiện từ chối chứng từ chứng nhận C/O.

Thông tư 38 quy định: 3 mặt hàng nhập khẩu phải nộp chứng từ chứng nhận C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan đối với: thịt và các sản phẩm từ thịt; than và ô tô (khoản 2 Điều 4).
Lưu Hiệp

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文