Một số người nguyên lãnh đạo Vinashin rất… nghèo!
>> Thi hành án dân sự vụ án Vinashin: Khó thu hồi 1.200 tỷ đồng
Một trong những căn cứ để thi hành án (THA) dân sự thành công là điều kiện để THA. Trong vụ việc này, số tiền THA rất lớn – 1.200 tỷ đồng. Riêng Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin phải bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp là 529 tỷ đồng; Trần Văn Liêm, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin phải bồi thường xấp xỉ 500 tỷ đồng... Thế nhưng, trong quá trình tố tụng, các cơ quan chức năng không phong tỏa tài sản, án tuyên cứ tuyên. Đến khi THA dân sự, dư luận mới ngã ngửa bởi trên “giấy trắng mực đen”, gia sản của những con người từng ký những bản hợp đồng hàng trăm tỷ đồng chỉ vỏn vẹn một căn hộ chung cư...
Nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin chỉ có tài sản chung là một căn hộ chung cư
Trong khi việc THA dân sự vụ án Vinashin đang đứng trước nguy cơ khó thi hành việc thu hồi được 1.200 tỷ đồng do trong quá trình tố tụng, các cơ quan chức năng các cấp không áp dụng các biện pháp bảo đảm tài sản thì cũng là lúc, cơ quan điều tra có kết luận điều tra vụ Dương Chí Dũng. Hai căn hộ cao cấp mà ông Dũng đã mua sau phi vụ mua ụ nổi, ngôi nhà ở phố Nguyên Hồng (Hà Nội) mà vợ ông ta đang ở đều được phong tỏa. Việc làm này của cơ quan điều tra nhận được sự hoan nghênh của dư luận vì nó đảm bảo cho việc THA sau này. Còn với vụ Vinashin, mặc dù các bị cáo làm thiệt hại cho các doanh nghiệp lên đến 1.200 tỷ đồng nhưng qua xác minh, kiểm tra, 9 đương sự hầu như không còn tài sản hoặc có nhưng đã bị thế chấp ngân hàng.
Để biết rõ, nguyên một số người từng là lãnh đạo ở Vinashin “nghèo” như thế nào, chúng tôi đã tìm hiểu tại Tổng cục THA dân sự, Bộ Tư pháp. Căn cứ vào kết quả xác minh của Cục THA dân sự Hà Nội, Hải Phòng, chúng tôi “tận mắt” nhìn thấy gia sản của những đại gia lẫy lừng một thời. Đầu tiên, phải kể đến Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin. Theo báo cáo xác minh của Cục THA dân sự Hà Nội, Phạm Thanh Bình có địa chỉ thường trú ở phòng 1601, nhà 17T6, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính. Xác minh từ Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Đô thị Việt Nam cho biết, căn hộ P1601 nhà 17T6, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính thuộc sở hữu của vợ chồng ông Phạm Thanh Bình và vợ. Hiện nay, vợ con ông Bình đang ở trong căn hộ này.
Được biết, ngoài khoản bồi thường thiệt hại hơn 500 tỷ đồng, riêng khoản án phí dân sự sơ thẩm, ông Bình phải nộp 650.933.000 đồng. Với tài sản là một căn hộ chung cư (tài sản chung với vợ), ai cũng biết một sự thật hiển nhiên là chẳng thể nào đủ để “đền” cho số tiền hơn 500 tỷ đồng. Vậy, hơn 500 tỷ đồng mà ông Bình phải bồi thường thiệt hại lấy ở đâu? Trách nhiệm của việc đòi số tiền này thuộc về ai? Nếu không đòi được số tiền này, thì thiệt hại sẽ thuộc về ai?
Theo Bản án phúc thẩm số 454/2012/HSPT của Tòa Phúc thẩm tại Hà Nội, TAND Tối cao, phần bồi thường thiệt hại này của ông Bình là cho các doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương (thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinaline) với số tiền là 495 tỷ đồng (làm tròn số); Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (doanh nghiệp có đóng góp vốn của Vinashin) với số tiền gần 14 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cái Lân gần 17 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Điện Cái Lân số tiền 16,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp mà Phạm Thanh Bình phải bồi thường đều là doanh nghiệp Nhà nước. Như trên đã nêu, kết quả xác minh của cơ quan THA dân sự, tài sản hiện có của Phạm Thanh Bình chỉ là một căn hộ chung cư (tài sản chung với vợ). Giá trị của tài sản này nếu so với số tiền mà đương sự này phải THA dân sự khác xa nhau một trời, một vực.
Đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, báo cáo của cơ quan chức năng nhưng công tác thi hành án trong vụ Vinashin vẫn “giậm chân tại chỗ”. |
Các đương sự khác cũng có gia cảnh “thiếu trước hụt sau”
Kết quả xác minh của Cục THA dân sự Hải Phòng đối với đương sự Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu cho kết quả, Vũ không có nguồn thu nhập riêng, tài sản không có gì có giá trị tại địa phương ngoài ngôi nhà cấp 4 ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng, là tài sản chung của hai vợ chồng. Hiện nay, vợ và 3 con của Vũ đang sinh sống tại đây. Vợ Vũ là viên chức, hưởng lương ngân sách, đang nuôi hai con học phổ thông. Người con lớn của Vũ chưa có việc làm ổn định nên khó có thể hỗ trợ Vũ trong việc thi hành dứt điểm nghĩa vụ dân sự. Được biết, vợ Vũ có đơn đề nghị cơ quan THA hỗ trợ Vũ THA theo định kỳ 3 tháng/lần với số tiền 2.000.000đ (đối với khoản án phí dân sự).
Ngoài việc xác minh tại Hải Phòng, cơ quan THA cũng xác minh tại nơi tạm trú của Vũ ở phòng 706, nhà 17T6, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, Hà Nội. Kết quả cho biết, đây là căn hộ của Vũ hiện đang để không. Được biết, số tiền bồi thường thiệt hại của Vũ cho Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu là 24,5 tỷ đồng. Với số tài sản hiện có của mà cơ quan THA đã xác minh, chắc chắn nguyên tổng giám đốc này chẳng thể nào có thể hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà tòa đã tuyên.
Tham gia thực hiện THA dân sự trong vụ án Vinashin, Cục THA dân sự Hà Nội đã xác minh điều kiện THA của các đương sự là Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh và thấy, Tuyên có một biệt thự tại Khu đô thị Mễ Trì Hạ nhưng đang thế chấp tại ngân hàng. Tài sản của Trần Văn Liêm, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên tàu viễn dương Vinashin thấy, trước đây ông này đăng ký thường trú ở P1208 nhà 17T6, Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính. Tuy nhiên, hiện nay căn hộ đã sang tên cho một người khác... Như vậy, số tiền phải bồi thường thiệt hại với các mức thấp nhất trên 10 tỷ đồng, nhiều nhất gần 500 tỷ đồng nhưng các đương sự phải THA dân sự trong vụ án Vinashin lại có số tiền rất ít. Thực tế trên cho thấy, tính khả thi của việc THA dân sự trong vụ án này là thế nào.
Trong vụ án này, các bị cáo ngoài việc bồi thường thiệt hại gần 1.200 tỷ cho các doanh nghiệp Nhà nước, còn phải nộp án phí, nộp phạt gần 2 tỷ đồng. Trong số các doanh nghiệp được bồi thường thiệt hại, hiện nay mới có Công ty TNHH một thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu nộp đơn yêu cầu THA, buộc Trần Quang Vũ bồi thường thiệt hại cho Tổng Công ty 24,5 tỷ đồng cộng với lãi suất chậm THA.
Bài học kinh nghiệm cho các cơ quan tố tụng
Hầu hết các đương sự trong vụ án này đều nguyên là giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT của các công ty là bên được THA. Các đương sự phải THA với số tiền lớn, 1.200 tỷ đồng cho các doanh nghiệp Nhà nước. Trong khi đó, tòa án các cấp không áp dụng biện pháp bảo đảm tài sản của các đương sự để THA; bản án có hiệu lực pháp luật từ tháng 8-2012, nhưng hiện chỉ có 1 doanh nghiệp viết đơn đề nghị THA theo quy định của pháp luật; quá trình tổ chức THA, cơ quan THA xác minh đương sự hầu như không có tài sản để bảo bảo thi hành, nếu có tài sản thì giá trị thấp hoặc đang thế chấp để vay nợ.
Vậy là, sau nỗ lực điều tra, khám phá, vụ án Vinashin đã được đưa ra công đường phán xử. Những người gây thiệt hại lớn tài sản cho Nhà nước đang phải thực hiện phần THA hình sự tại các trại giam. Tuy nhiên, với số tiền thiệt hại 1.200 tỷ đồng cho các doanh nghiệp Nhà nước thì khả năng thu hồi rất khó. Điều đáng nói là trong vụ án này, các bên phải bồi thường thiệt hại cho các doanh nghiệp Nhà nước, chủ yếu là một số người trước đây nguyên là lãnh đạo của các doanh nghiệp này. Dân gian có câu “quýt làm, cam chịu”, phải chăng đã đúng trong hoàn cảnh này.
1.200 tỷ đồng khó có khả năng thu hồi là thực tế không thể phủ nhận. Từ nay đến cuối năm, những vụ án khủng với thiệt hại cũng hàng nghìn tỷ đồng như: Công ty Cho thuê tài chính II, vụ án Phan Thị Huyền Như, Vinaline... dự kiến sẽ được đem ra xét xử. Hẳn việc THA dân sự 1.200 tỷ đồng của Vinashin sẽ là bài học cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tính đến khả năng THA dân sự