Nạn ăn bớt xăng ở Hà Nội: Cơ quan chức năng kiểm tra kiểu… tùy hứng

10:58 27/11/2007

Việc kiểm tra, giám sát của cơ quan hữu quan đối với các đại lý bán lẻ xăng dầu thường được thực hiện khi tăng giá xăng dầu, dư luận đồn thổi... chứ chưa được tiến hành thường xuyên, toàn diện.
>> Xăng được ăn bớt như thế nào?

Phát hiện vi phạm về gian lận thương mại từ tin đồn

Sau khi xăng tăng giá và nổi lên làn sóng dư luận về một số tiểu xảo móc túi người tiêu dùng tại các trạm xăng, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra. Một trong số trạm xăng nằm trong "sổ đen" của người tiêu dùng về hành vi buôn gian bán lận là trạm xăng trên đường Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu của Công ty Vật liệu chất đốt đã bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

Ông Phạm Bá Dục, Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, trạm xăng này đã vi phạm về gian lận thương mại thể hiện bằng hành vi gian dối khi đong xăng cho khách hàng.

Hiện cơ quan chức năng đã đề xuất xử phạt hành chính về hành vi gian lận thương mại với mức phạt 7 triệu đồng. Kết quả này cho thấy, những nghi ngờ của người tiêu dùng không phải là không có cơ sở.

Ngày 26/11, khi bài báo "Dư luận người tiêu dùng bị ăn bớt xăng ở Hà Nội: Cơ quan chức năng cần làm rõ" đăng trên Báo CAND đến tay bạn đọc, chúng tôi liên tục nhận được phản hồi của độc giả. Trong đó, phần lớn độc giả phản ánh dấu hiệu gian lận ở một số trạm xăng mà Báo chưa đề cập. Trong đó, có trạm xăng ở phố Đội Cấn. Chúng tôi đã tới đây quan sát và tìm cách liên lạc với người chủ đại lý này song chưa gặp.

Một nhân viên bán hàng ở đây cho rằng việc khách hàng phản ánh như vậy là chuyện thường. Tuy nhiên, cần phải đưa ra căn cứ chứ không thể dựa trên một số phỏng đoán. "Làm dâu trăm họ" khó bề tránh được những lời khen, tiếng chê, anh này đã nói với chúng tôi như vậy qua điện thoại.

Trước phản ánh của bạn đọc, chúng tôi thấy mình phải có trách nhiệm thông báo tin này đến cơ quan chức năng. Việc các cơ quan có trách nhiệm vào kiểm tra sẽ hoá giải những nghi ngờ của người tiêu dùng. Nếu không đúng như phản ánh, giúp trạm xăng giữ vững uy tín trên thương trường.

Xử lý vi phạm: Cần phát hiện của người tiêu dùng

Ông Trần Công Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội cho biết, người tiêu dùng hiện nay chưa kịp thời phản ánh khi nghi ngờ chỗ nọ, chỗ kia bán hàng gian dối.

Đại diện của Xí nghiệp Bán lẻ xăng dầu khu vực 1 cũng có cùng nhận xét như vậy. Theo các ông, người dân mới chỉ xác định dấu hiệu có hay không việc gian dối bằng... cảm giác.

Ví như khi cho rằng cùng thời gian, cùng đoạn đường đi về trong một tuần, tại sao tuần trước mua 30.000đ đầy bình xăng, tuần này lại không đầy. Hay như căn cứ vào bình xăng, theo nhà sản xuất xe gắn máy, dung lượng bình là 3,7l nhưng khi mua xăng lại lên 4,2l... Thực tế, nhà sản xuất xe máy, ôtô khi thiết kế bình xăng để một khoảng trống nhất định để đảm bảo an toàn. Khách hàng khi mua, lại yêu cầu bơm đầy bình xăng nên dung lượng xăng bơm vào phải tăng. Bên cạnh đó, chiếc kim xăng của xe cũng không phải là thiết bị đo hoàn toàn chính xác.

Còn có nhiều lý do để lượng xăng tiêu hao khi sử dụng phương tiện khác nhau như dừng lại ở đèn xanh đèn đỏ nhiều lần; tắc đường, kẹt xe... Chính vì thế không thể căn cứ vào tuyến đường, quãng thời gian để khẳng định bị trạm xăng ăn bớt.

Để việc phát hiện dấu hiện gian lận có hiệu quả, người tiêu dùng sau khi nghi ngờ hãy phản ánh ngay đến người có trách nhiệm. Đồng thời, hãy đứng tại chỗ gọi điện và chờ cơ quan chức năng đến giải quyết. Người thực, việc thực là cách làm tốt nhất để cơ quan có trách nhiệm phát hiện và xử lý hành vi gian lận.

Trong bài viết này, chúng tôi không thể không đề cập đến những bất cập trongquản lý về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong hệ thống bán lẻ xăng ở Hà Nội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Chi cục Đo lường chất lượng Hà Nội chỉ kiểm tra, giám sát khoảng 50% số trạm xăng trên địa bàn thành phố. Khoảng 50% trạm xăng còn lại do các đơn vị đo lường khác thực hiện, kể cả đơn vị tư nhân có đủ điều kiện cũng có thể thực hiện việc này. Cùng có nhiều đơn vị đo lường chất lượng tham gia, lại không phân chia địa bàn cụ thể, liệu có bỏ lọt một số trạm xăng?

Ông Trần Công Tuấn khi nghe chúng tôi nêu vấn đề này cho biết thêm, nếu Hà Nội có bản đồ trạm xăng trên địa bàn sẽ dễ dàng cho công tác quản lý rất nhiều. Có bản đồ trạm xăng còn rất cần thiết trong công tác phòng chống cháy nổ bởi chúng ta đều biết đa số các trạm xăng đều nằm trong khu dân cư. Nguy cơ cháy nổ tại những nơi này và thiệt hại do nó gây ra thì ai cũng biết.

Quản lý thị trường có nhiệm vụ kiểm tra về giá cả, hành vi cân đo, đong, đếm... Việc này thường được tiến hành khi có biến đổi về giá xăng dầu trong nước hoặc phản ánh của người tiêu dùng về hành vi gian lận thương mại.

Mong rằng những việc làm này được thực hiện thường xuyên và tiến hành ngẫu nhiên trên khắp địa bàn. Nhờ đó, sẽ phát hiện hành vi gian lận, bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng.

Bản thân người tiêu dùng cũng nên tích cực hợp tác với cơ quan chức năng. Ai cũng biết xăng dầu là mặt hàng liên quan đến đời sống hàng ngày của từng người dân nên rất cần.sự tích cực kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Hành vi vi phạm quy định về đo lường trong bán lẻ, về sử dụng phương tiện đo thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi gian lận cân, đong hàng hoá trong thương mại bán lẻ gây thiệt hại cho khách hàng đến 100.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gian lận, cân, đong hàng hoá trong thương mại bán lẻ, gây thiệt hại cho khách hàng lớn hơn 100.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: sử dụng phương tiện đo không có dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định theo quy định; sử dụng dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định đã hết hiệu lực.

4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện đo sai, hỏng, không đạt yêu cầu quy định về đo lường.

5. Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Gian lận trong việc sử dụng dấu, tem kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định; làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo (điều chỉnh, sửa chữa... làm sai lệch kết quả đo). Nghị định 95/2007/NĐ-CP.

Người tiêu dùng khi phát hiện hành vi gian lận tại các trạm xăng, hãy liên hệ đến số máy đường dây nóng của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: 04. 5116141; 04.5116137 hoặc các số máy của Chi cục Đo lường chất lượng Hà Nội: 04.8464033; 04.8237029; 0903220752.

Cao Hồng - Việt Hà

* Báo CAND đoạt 2 giải A, 2 giải B Giải Búa Liềm Vàng trong CAND

Chiều 25/12, tại Hội nghị tổng kết công tác đảng năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025 trong Đảng bộ Công an Trung ương, Bộ Công an đã trao Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa Liềm Vàng) trong CAND và Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong CAND năm 2024.

Ngày 25/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2). Sang ngày xét xử thứ hai, Hội đồng xét xử dành thời gian cho các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo tranh luận với đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Sáng mai (26/12), TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文