Ngăn chặn sở hữu chéo để lành mạnh thị trường tiền tệ

09:50 18/01/2015
Năm 2014, Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an ghi dấu ấn khi liên tiếp triệt phá các vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng (NH), tài chính đã góp phần làm lành mạnh cho nền kinh tế phát triển, được dư luận đồng tình ủng hộ. Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an trao đổi với PV Báo CAND trong chuyên mục "Trò chuyện chủ nhật" tuần này để làm sáng tỏ tính chất phức tạp và nguy hại của sở hữu chéo cần phải loại bỏ.

Phóng viên: Bản chất sở hữu chéo là tích cực, nhưng các đối tượng lại lợi dụng nó vào mục đích xấu. Đề nghị Thiếu tướng cho bạn đọc được rõ hơn về vấn đề này?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh: Thường có 6 loại sở hữu chéo khác nhau, trong đó có 3 loại được cho là có tác dụng tích cực, cần khuyến khích phát triển, đó là: sở hữu chéo của các NHTM Nhà nước và NHTM nước ngoài tại các NH liên doanh; cổ đông chiến lược nước ngoài của các NHTM; các công ty quản lý quỹ là cổ đông tại các NHTM.

Ba loại sở hữu chéo khác đang bị một số ông chủ NHTMCP lợi dụng tạo ra vốn ảo, rút tiền thật để thâu tóm chiếm đoạt NH khác phục vụ lợi ích nhóm, đó là: Sở hữu của các NHTM Nhà nước tại các NHTMCP. Những năm 2006-2007, Chính phủ cho phép thành lập NHTMCP hoặc chuyển đổi NHCP nông thôn sang NHCP đô thị. NH Nhà nước chỉ đạo các NHTM quốc doanh đầu tư góp vốn vào các NH này để giúp đỡ về mặt quản trị và thúc đẩy cạnh tranh, tăng trưởng… Khi hoạt động của các NH này gặp khó khăn, lợi dụng vào sở hữu chéo, một số NH “giúp đỡ” lẫn nhau: cho nhau gửi tiền thông qua thị trường liên NH không đúng quy định để đảo nợ, che giấu nợ xấu nhằm tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.

Thứ 2 là sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần. Thực ra, từ lâu đã diễn ra hiện tượng dùng cổ phần NH này thế chấp vay vốn NH khác, dùng khoản vốn vay này để mua cổ phiếu NH khác, doanh nghiệp khác…, cứ như vậy làm cho tổng vốn điều lệ của NHTMCP cộng lại là rất lớn (trong đó có phần là vốn ảo). Sự sở hữu chéo càng nhiều thì số vốn ảo càng lớn. Một số ông chủ NHTMCP “chủ động” tạo ra vốn ảo rút vốn thật làm công cụ để thâu tóm NH khác. Khi kinh tế suy thoái thì để lại dư nợ xấu rất lớn cho NH.

Thứ ba là góp vốn sở hữu NHTMCP bởi các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tư nhân. Theo thống kê, khoảng 44% doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân sở hữu tại các NHTMCP, hầu hết các tập đoàn Nhà nước đều có các công ty tài chính, quan hệ ngày càng phức tạp. Nhiều NH được sở hữu bởi rất nhiều công ty “gia đình” tạo thành mối quan hệ sở hữu chằng chịt. Chính lợi dụng nhóm sở hữu chéo này, một số ông chủ NHCP tăng vốn ảo cho NH, cho doanh nghiệp “sân sau”, “dùng mỡ nó rán nó”, rút vốn thật để thâu tóm, chiếm đoạt NH khác hoặc thâu tóm bất động sản, những ô đất vàng, đắc địa, chứng khoán, vàng… để thu lợi cho mình. 

Phóng viên: Thiếu tướng vừa nói đến vấn đề “sân sau” của các ông chủ NH. Đồng chí có thể nói rõ hơn vấn đề này qua các vụ án cụ thể?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh: Như vụ Nguyễn Đức Kiên, từ năm 2008, Kiên đã thành lập 6 công ty do chính Kiên làm Chủ tịch HĐQT; vợ, con, anh, chị em làm Giám đốc, đại diện pháp luật với số vốn điều lệ ban đầu rất ít. Kiên lần lượt chỉ đạo 6 công ty phát hành trái phiếu tổng cộng 4.200 tỷ đồng, sau đó dùng ảnh hưởng của mình ép các NH: ACB, VietBank, Đại Á, Liên Long, Phương Nam, CP Nhà Đồng bằng sông Cửu Long mua trái phiếu. Tiền thu được do bán trái phiếu của các công ty, cộng với vốn điều lệ ban đầu, Kiên chỉ đạo các công ty lập chứng từ mua cổ phần lẫn nhau, mua cổ phiếu của nhiều NH, chủ yếu là 6 NH trên. Sau đó, dùng chính cổ phần mua của NH này làm tài sản đảm bảo cho công ty phát hành trái phiếu bán cho NH kia. Tóm lại, dùng tiền ảo đưa vào NH để rút tiền thật, rồi dùng tiền thật rút được lại mua cổ phần, tiếp tục đem thế chấp tại NH khác, tạo thành dòng vốn ảo… Cứ như vậy, vốn về danh nghĩa của Kiên ngày càng nhiều lên, đồng nghĩa với việc Kiên càng sở hữu được nhiều cổ phần tại nhiều NH, doanh nghiệp.

Phóng viên: Hậu quả của sở hữu chéo, vốn ảo gây ra đối với thị trường tài chính, tiền tệ và nền kinh tế nước ta như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh: Các đối tượng dùng sở hữu chéo tạo ra vốn ảo để thâu tóm NH khác trái pháp luật, phá hoại chính sách tài chính tiền tệ. Bởi nếu cộng lại thì hệ thống NHTMCP có số vốn rất lớn nhưng trong đó có cả vốn ảo, vốn điều lệ ảo, kéo theo các chỉ số tài chính khác cũng không trung thực, làm cho đánh giá của Chính phủ, NH Nhà nước về nguồn lực NH không chính xác, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoạch định chính sách quản lý kinh tế, chính sách tài chính - tiền tệ để phát triển kinh tế - xã hội.

Mặt khác, với mánh khóe rút tiền nêu trên, nhóm cổ đông lớn có ảnh hưởng chi phối tại NHTMCP hoàn toàn có thể dần chiếm đoạt NH khác, doanh nghiệp khác cho mình và lợi ích của 1 nhóm người, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Sở hữu chéo tạo ra vốn ảo là thủ phạm chính gây ra cuộc chạy đua lãi suất vô cùng lộn xộn. Tiền không vào sản xuất, kinh doanh mà chạy từ NH này sang NH khác. Các ông chủ NH và nhóm thân hữu đầu tư bất động sản càng có lãi. Còn hàng trăm, hàng chục ngàn doanh nghiệp khác thì điêu đứng,  vì không thể vay vốn NH và bởi không doanh nghiệp nào sản xuất kinh doanh gì có lãi 24-25%.

Sở hữu chéo, vốn ảo còn gây ra nợ xấu trong bất động sản, chứng khoán, làm tắc nghẽn mạch máu tiền tệ của nền kinh tế.

Phóng viên: Để hạn chế tình trạng này, cần phải có những biện pháp mạnh từ Chính phủ và các ban, ngành chức năng. Về phía cơ quan điều tra, qua phát hiện những sai phạm kể trên, có kiến nghị gì trong việc chấn chỉnh tình trạng này, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh: Có thể thấy, việc thành lập doanh nghiệp hiện nay theo Luật Doanh nghiệp rất thuận lợi; điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng không khó. Từ đó cũng bộc lộ những kẽ hở dễ lợi dụng. Trong lĩnh vực NH thì Chủ tịch, Tổng Giám đốc, ủy viên HĐQT các NHTM cổ phần đều có thể thành lập doanh nghiệp “sân sau”, công ty gia đình. Do đó, đề nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư và NH Nhà nước nghiên cứu vấn đề này để kiến nghị bổ sung sửa đổi, đã là lãnh đạo NH thì không có doanh nghiệp “sân sau” hoặc không thể đầu tư chéo cho doanh nghiệp “sân sau”, công ty gia đình.

Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 52 và 90 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là điều kiện phát hành trái phiếu, doanh nghiệp nào được mua trái phiếu, việc sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu và phải có chế tài để kiểm tra, giám sát bảo đảm cho Nghị định được thực hiện nghiêm. NH Nhà nước phải có biện pháp để đảm bảo thực hiện nghiêm: Luật các tổ chức tín dụng quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phiếu NH, NH đầu tư vào 1 tổ chức kinh tế khác; Quyết định số 1310/NHNN quy định về vay vốn giữa các tổ chức tín dụng. Chính phủ cần giao trách nhiệm cho cơ quan thanh tra, giám sát NHNN tăng cường thanh tra, phát hiện cho được và phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ, xử lý các sai phạm nêu trên ở các NH cổ phần.

Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan tư pháp cần phối hợp với NH Nhà nước nghiên cứu, phân tích, đánh giá hành vi sở hữu chéo nhằm tạo vốn ảo, thâu tóm ngân hàng, doanh nghiệp phục vụ cho lợi ích nhóm, để đưa chế tài xử lý các hành vi này thật nghiêm, nhằm răn đe, ngăn ngừa vi phạm và tội phạm.

Phóng viên: Xin cảm ơn Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh.

T. Hòa (thực hiện)

Hơn 5.500 tỷ đồng vốn đầu tư đổ vào các dự án bất động sản vừa được TP Đà Nẵng công bố đủ điều kiện miễn giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật mới (có hiệu lực từ 1/7/2025). Sở Xây dựng Đà Nẵng yêu cầu chính quyền địa phương công khai minh bạch danh mục dự án, đồng thời tăng cường kiểm soát trật tự xây dựng và trách nhiệm chủ đầu tư ngay từ giai đoạn khởi công.

Cuối tháng 6 vừa qua, Cảnh sát Tây Ban Nha với sự hỗ trợ của Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) cùng lực lượng thực thi pháp luật của Estonia, Pháp và Mỹ, đã bắt giữ 5 thành viên của một mạng lưới tội phạm tham gia vào hoạt động gian lận đầu tư tiền mã hóa (tiền điện tử). Kết quả điều tra cho thấy, những kẻ phạm tội đã rửa 460 triệu Euro tiền lợi nhuận bất hợp pháp bị đánh cắp thông qua gian lận đầu tư tiền điện tử từ hơn 5.000 nạn nhân trên khắp thế giới.

Ngày 17/7, Cơ quan CSĐT (Phòng Cảnh sát hình sự) Công an tỉnh An Giang cho biết đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thu Trang để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trang là cựu thủ quỹ của Ngân hàng Quốc tế (VIB) – chi nhánh tại phường Long Xuyên, An Giang.

Ngọn lửa bùng phát tạo ra cột khói đen cao hàng chục mét, gây ngạt tại công ty chuyên sản xuất sơn. Sau hơn 1h triển khai chữa cháy, ngọn lửa được khống chế nhưng hơn 1.000m2 nhà xưởng của công ty cùng nhiều trang thiết bị máy móc bên trong bị cháy và đổ sập…

Ngày 17/7, ông Trần Trường Sơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh cho biết đã báo cáo sự việc đến Công an TP Hồ Chí Minh và đề nghị can thiệp, xử lý người giả danh các cơ sở y tế tổ chức hiến máu, lợi dụng lòng tốt và sự lo lắng của những người hiến máu, nhằm chiếm đoạt tài sản...

Chiều 17/7, tại nhà thi đấu Đại học TDTT Bắc Ninh (TP Từ Sơn, Bắc Ninh), giải Cup các CLB Võ thuật tổng hợp (MMA) toàn quốc 2025 chính thức khởi tranh. Đây được coi là bước tiến tiếp theo để MMA Việt Nam vươn lên trong bản đồ MMA thế giới.

Chỉ với vài triệu đồng, hàng loạt quảng cáo dịch vụ “hút mỡ không đau”, “giảm ngay 10kg sau 1 buổi” tràn ngập trên Facebook, TikTok, YouTube... đánh trúng tâm lý thích làm đẹp nhanh, giá rẻ của nhiều người. Nhưng đằng sau vẻ ngoài lung linh đó là những ca biến chứng, thậm chí tử vong vì giao phó cơ thể cho người không có chuyên môn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.