Ngân hàng tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay
Trước đó, NHNN đã phát đi thông điệp yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay, đồng thời chính thức giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, giảm 0.25%/năm đối với các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng; giảm 0.5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Khối “ông lớn” ngân hàng lập tức vào cuộc. Vietcombank công bố giảm lãi suất cho vay đối với năm lĩnh vực ưu tiên với mức giảm 0,5 điểm phần trăm từ ngày 10-7-2017.
Cũng bắt đầu từ ngày 10-7, BIDV giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư. Áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND các đối tượng ưu tiên theo quy định của NHNN. Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai các chương trình, gói tín dụng có lãi suất ưu đãi hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thì thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên.
VPBank giảm 1%/năm lãi vay đối với DNNVV. |
Tính chung năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm để hỗ trợ các khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phản ứng dây chuyền, hàng loạt các NHTM đã thông báo giảm lãi suất cho vay. VPBank giảm 1%/năm lãi vay đối với DNNVV, lãi suất cho vay ngắn hạn với các DNNVV điều chỉnh giảm từ 0,5-1%/năm tuỳ lĩnh vực ngành nghề thời gian quan hệ tín dụng, chất lượng thanh toán nợ. Eximbank giảm xuống tối đa còn 6,5%/năm. Đây cũng là mức được SHB áp dụng với các khoản vay ngắn hạn VND cho khách hàng thuộc nhóm đối tượng ưu tiên…
Đáng chú ý hơn, mặc dù trong các quyết định của NHNN về việc giảm lãi suất chỉ hướng vào lãi suất điều hành, lãi suất cho vay, nhưng một số TCTD đã bắt đầu rục rịch hạ lãi suất huy động.
Giới chuyên gia đánh giá việc giảm lãi suất huy động sẽ rất tốt cho thị trường, giúp nhà băng cân đối được chi phí, tạo cơ hội giảm lãi suất cho vay trước mắt cũng như tạo sức bền để chạy đường xa. Tuy nhiên, dù các TCTD hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất kịp thời, nhưng những khó khăn mà ngành ngân hàng phải gánh chịu khi thực hiện là điều hiện hữu.
TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính cho rằng mức chênh lệch lãi suất cho vay - huy động (NIM) của hệ thống ngân hàng đang ở mức thấp - 2% (mức lãi suất cho vay trung bình tại Việt Nam trong năm 2016 là 7%, còn mức lãi suất huy động trung bình là 5%- theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Bởi vậy, lãi suất cho vay sẽ chỉ có thể giảm nếu lãi suất huy động giảm, còn lãi suất huy động chỉ có thể giảm nếu NHNN sẵn sàng bơm đủ tiền vào nền kinh tế.
“Nhưng kể cả khi NHNN sẵn sàng bơm tiền vào nền kinh tế, nợ xấu vẫn là vật cản lớn đối với xu hướng giảm lãi suất”, TS Độ nhận định.
Theo báo cáo của các TCTD, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, trong đó đối với lĩnh vực ưu tiên lãi suất ở mức 6-6,5%/năm, lĩnh vực kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm, khách hàng tốt lãi suất từ 4-5%/năm. Thống đốc Lê Minh Hưng chỉ đạo toàn bộ hệ thống cần tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Thống đốc khẳng định hệ thống ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay khi Chính phủ vẫn tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô. NHNN giảm lãi suất điều hành kể cả trên thị trường mở, tái cấp vốn để hỗ trợ nguồn vốn cho các ngân hàng để tiếp tục cho vay với mức lãi suất thấp hơn.
Hà Nội: Hơn 300 nghìn tỷ đồng cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp Báo cáo về công tác kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, NHNN chi nhánh Hà Nội cho biết: Tính đến 30-6-2017, dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn đạt 301.325 tỷ đồng, gồm 64.759 tỷ đồng điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng; và 236.566 tỷ đồng dư nợ tín dụng mới cho 17.863 doanh nghiệp. |