Ngành dệt may nỗ lực phục hồi sản xuất

08:53 20/03/2020
Sau thời gian giảm tốc do dịch COVID- 19, ngay trung tuần tháng 3, do dịch bệnh đã được kiểm soát tại Trung Quốc nên nguồn vải, nguyên phụ liệu từ thị trường này bắt đầu được nhập về Việt Nam. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp (DN) dệt may tăng tốc sản xuất, trả các đơn hàng đã bị trì hoãn trong thời gian qua.

Khó khăn nguyên liệu tạm thời được tháo gỡ

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, dịch COVID-19 đã tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu (XK) của dệt may, đồng thời đây lần đầu tiên kim ngạch XK 2 tháng đầu năm của dệt may Việt Nam bị giảm, đạt 5,3 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là XK sợi chỉ đạt 512 triệu USD, giảm tới 16% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm khá sâu do các nhà máy tại Trung Quốc dệt vải từ sợi nhập khẩu của Việt Nam mở cửa chậm từ 10-15 ngày do dịch COVID-19. Trong khi đó, bình quân các năm trước (2015-2019), lượng kim ngạch XK 2 tháng đầu năm đều tăng 10%. Cá biệt năm 2018, kim ngạch XK của dệt may Việt Nam thậm chí tăng đến 20%.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK) cũng cho biết, kết thúc tháng 2-2020, XK dệt may của các DN XK dệt may TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 773 triệu USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ. Theo ông Phạm Xuân Hồng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát tại Hàn Quốc, Mỹ và EU, các đối tác nhập khẩu tại các nước này đã giảm từ 30-50% lượng đơn hàng.

Hiện thị trường EU đã có thông báo ngưng nhập hàng trong vòng 1 tháng, thị trường Mỹ ngưng nhập hàng trong vòng 3 tuần. Với việc đóng cửa tạm thời của 3 thị trường lớn nhất (chiếm khoảng 65% kim ngạch XK của ngành dệt may) sẽ khiến cho các DN gặp rất nhiều khó khăn do đặc thù của ngành sản xuất dệt may là sản xuất theo mùa.

Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng qua, DN dệt may lo ngại nhất về sự đứt quãng của nguồn nguyên phụ liệu khi mà dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc làm gián đoạn giao thương biên giới Việt-Trung. Tuy nhiên, đến nay khó khăn này đã tạm được giải quyết, nguồn nguyên phụ liệu bước đầu đã được nhập khẩu về kho của các DN.

“Đến trung tuần tháng 3, nguyên vật liệu ngành dệt may đã cung ứng trở lại tương đối đủ nên các nhà máy đã có đủ nguyên liệu cơ bản cho sản xuất trong tháng 3 và tháng 4. Như tại Công ty May 10 và một số đơn vị trực thuộc tập đoàn, nguyên phụ liệu hiện nay về tương đối ổn. Khi nguồn cung về nguyên phụ liệu ổn định, các đơn vị dệt may đang phải tính câu chuyện gia tăng sản xuất, đẩy đầu ra lên. Bởi, trước đó, ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN đã phải đàm phán với phía đối tác, giãn các đơn hàng thì nay phải tính toán tăng tốc để bù đắp lại”, ông Cao Hữu Hiếu nói.

Doanh nghiệp dệt may mong muốn được tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh gây nên.

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn

Để DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị với những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Chính phủ sẽ tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ và hàng loạt biện pháp khác để giúp DN vượt qua COVID-19.

Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng cho hay, kể từ khi Chính phủ cùng các Bộ, ngành vào cuộc quyết liệt, đưa ra những chính sách kịp thời để gỡ khó cho DN trong bối cảnh dệt may bị cạn kiệt nguồn cung, thiếu vốn sản xuất đã phần nào giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Về vốn, nhiều DN dệt may thuộc Agtek đã được các Ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới hoạt động và đưa ra chính sách linh hoạt, cụ thể cho từng DN. Mức giảm lãi suất cho vay dao động từ 0,5 – 1,5%/năm. Việc giảm lãi suất giúp dòng vốn của DN được lưu thông thông suốt, hỗ trợ DN kịp thời trong vấn đề tiếp cận nguồn nguyên liệu mới ngoài Trung Quốc.

“Đối với vấn đề giảm thuế và bảo hiểm xã hội, Bộ Tài chính và Bộ Lao động động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã chỉ đạo tới các địa phương để rà soát, khoanh vùng, đánh giá tác động của dịch bệnh tới những DN bị ảnh hưởng trực tiếp. Điều này khiến DN phần nào yên tâm hơn trong sản xuất. Đối với XK, các DN cũng được Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, cũng như tiếp cận các thị trường mà Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do”, ông Phạm Xuân Hồng nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Hữu Hiếu cho hay, một trong những vấn đề DN dệt may mong muốn tháo gỡ là chuyện giờ làm thêm của người lao động. Để phục vụ “chiến dịch” sản xuất khẩu trang, nhiều đơn vị của Vinatex phải làm thêm nhiều giờ, thậm chí làm cả thứ Bảy, Chủ nhật. Theo đúng quy định, số giờ làm thêm trong năm của người lao động chắc chắn bị vượt, kiến nghị có cách tính toán hợp lý để không ảnh hưởng tới tiến độ XK của DN dệt may.

Ngoài ra, DN dệt may cũng rất cần ưu đãi thuế, hỗ trợ về nguồn vốn, có chế tài riêng cho ngành dệt may thuận lợi tiếp cận vốn đầu tư, vốn ngắn hạn, dài hạn của hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Lưu Hiệp

Tổng thống Vladimir Putin khẳng định ông đặt "lợi ích và sự an toàn của người dân Nga lên trên hết", đồng thời tin tưởng Nga sẽ vượt qua mọi khó khăn một cách tự trọng và trở nên mạnh mẽ hơn.

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文