Nghịch lý trong câu chuyện tăng giá xăng
Những ngày gần đây, giá xăng nhập tại thị trường này do chính Bộ Công Thương công bố cũng chỉ có mức 79,64 USD/thùng vào cuối tháng 4 và mức 81,77 USD/thùng vào ngày 20/5, tức giá mặt hàng này chỉ tăng nhẹ ở mức vài phần trăm. Giá tại thị trường nhập khẩu chính chỉ có vậy, nhưng do xăng RON 92 phải gánh một loạt các khoản thuế, phí khi về nước dẫn đến giá bán lẻ trong nước bị đẩy lên quá cao, đội thêm gần 50% so với giá nhập khẩu.
Đã vậy, theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, việc tính giá cơ sở của xăng, dầu nhập khẩu còn theo kiểu “thuế, phí chồng thuế, phí”, đè nặng lên vai người tiêu dùng và đẩy giá xăng tăng cao thêm.
Cụ thể, giá nhập khẩu gốc sẽ được cộng thêm chi phí bảo hiểm, vận chuyển từ cảng nước ngoài về hết vài USD/thùng để ra mức giá tính thuế nhập khẩu. Tiếp tục cộng thêm thuế nhập khẩu 20% vào giá thành xăng, dầu nhập về rồi mới tính thuế tiêu thụ đặc biệt. Sau khi đã cộng 2 loại thuế trên, đem cộng tiếp với khoản thuế bảo vệ môi trường, và 3 loại chi phí gồm chi phí định mức; lợi nhuận định mức tối đa và mức trích quỹ bình ổn. Khi giá xăng đã đội lên mức hơn 18 ngàn đồng/lít mới tiếp tục đem ra tính thuế VAT để người tiêu dùng phải gánh chịu.
Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng điều này là vô lý. Lẽ ra thuế nhập khẩu phải tính theo giá mua từ cảng nước ngoài; các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường phải được tính theo giá nhập khẩu về đến cảng trong nước và các khoản chi phí khác đều không thể bắt người mua xăng chịu thuế do đã được đầu mối nhập khẩu tính vào chi phí kinh doanh.
Giá xăng ở nơi mua chỉ tăng nhỏ giọt nhưng về nơi bán đã tăng ở mức “khủng”. |
Với công thức tính giá cơ sở theo kiểu “thuế, phí mẹ đẻ thuế, phí con” này, giá xăng, dầu đã phải gánh thêm ở mức vài phần trăm, đẩy giá bán lẻ cao thêm cả ngàn đồng/lít.
Giá xăng RON 92 tại nơi nhập khẩu chỉ nhích nhẹ như vậy, nhưng trong nước, chỉ trong vòng nửa tháng, giá bán lẻ mặt hàng này đã kịp tăng liên tiếp 2 lần với mức tăng lên đến 18%.
Lý giải cho quyết định điều chỉnh giá xăng tăng thêm 1.200 đồng/lít vào tối 20/5 vừa qua, Bộ Công Thương cho rằng giá xăng dầu gần đây biến động liên tục khiến giá cơ sở cao hơn giá bán xăng dầu trong nước. Nhưng khi giá nhập khẩu chỉ tăng vài USD/thùng thời gian gần đây, thì lý do khiến giá cơ sở tăng do giá xăng thế giới tăng, tác động vào giá trong nước tỏ ra không hợp lý. Tác động khiến giá xăng RON 92 tăng mạnh là do thuế bảo vệ môi trường đã tăng thêm 2.000 đồng/lít, từ mức 1.000 đồng trước đây lên 3.000 đồng hiện nay.
Mục đích chính của việc phải tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng RON 92 lên cao như vậy là để bù đắp vào khoản thuế nhập khẩu xăng đã giảm 15%. Nhưng tính ra mức tăng thuế bảo vệ môi trường vẫn cao hơn mức giảm thuế.
Chẳng hạn, nếu tính thuế nhập khẩu theo giá mua tại Singapore, thì mức giảm 15% chỉ có 1.650 đồng/lít. Còn tính kiểu thuế chồng thuế, phí chồng phí như giá bán lẻ hiện nay, 15% thuế của 1 lít xăng trước khi cộng thêm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường là 18.000 đồng/lít cũng chỉ là con số 2.700 đồng/lít. Tuy nhiên, sau hai lần tăng, giá bán lẻ xăng RON 92 đã kịp đội lên tổng cộng 3.150 đồng/lít.
Gần đây nhất, tại một văn bản ngày 20/5 do Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng nêu rõ: Giá cơ sở kỳ trước liền kề phục vụ điều hành giá vào ngày 5/5 của mặt hàng xăng RON 92 là 20.673 đồng/lít; giá cơ sở của kỳ công bố là 21.490 đồng/lít, như vậy mức chênh lệch cũng chỉ có 817 đồng/lít, tương đương với mức tăng 4% với mặt hàng này. Song giá xăng vẫn phải cõng thêm mức tăng đến 1.200 đồng/lít.
Thực trạng trên cho thấy, cách áp giá cơ sở với mặt hàng này xem ra đã có vấn đề. Nhưng mức tăng giá xăng luôn cao hơn so với những luận điểm để các Bộ chủ quản giá xăng đưa ra biện minh đã chứng tỏ quyết định tăng giá xăng không hề đứng về phía người tiêu dùng.
Tăng giá xăng, giá cả dịch vụ hàng hóa bị ảnh hưởng trực tiếp do giá xăng chắc chắn sẽ tăng theo; túi tiền eo hẹp hằng ngày của người dân sẽ phải chi phí thêm cho khoản tăng giá từ tiền đổ xăng. Đây cũng chính là điều hết sức nghịch lý trong thời điểm cả nước đang nỗ lực, gồng mình tăng chi cho vấn đề bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội.