Ngư dân xã biển làm du lịch
Dường như điều đó khiến du khách thích thú, vì tới đây ăn, uống, họ có thể ngắm cảnh; được hòa vào với cảnh vật thiên nhiên, biển cả và trời đất mông mênh.
Đặc biệt, khách vào quán là tự nguyện; ăn, uống cũng là điều tự nguyện, chứ không bị chèo kéo; hay nâng giá “chém”; còn chủ quán, cũng luôn cởi mở, chân tình, chuyện trò với khách như người nhà của mình.
Có khách vào quán chỉ để nghỉ ngơi, ngắm cảnh trước lúc xuống tắm biển, chủ quán vẫn tươi cười, tự tay pha trà đãi khách… “Nhờ vào sự xởi lởi, chân tình và hiếu khách ấy, mà người dân Vĩnh Thái ngay sau khi bắt tay vào làm du lịch, đã thu hút lượng khách lớn đến đây và tăng mạnh qua hàng năm”, ông Trần Văn Thận, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái phấn khởi cho biết.
Theo lời kể của ông Thận, người dân Vĩnh Thái mới chỉ làm du lịch 3 năm lại đây; năm 2013, lượng khách đạt 9 nghìn lượt, đến năm 2014 tăng lên tới hơn 22 nghìn lượt và 4 tháng đầu năm 2015 đã hơn 15 nghìn lượt. “Hữu xạ tự nhiên hương, đến Vĩnh Thái không chỉ khách du lịch trong nước, mà còn nước ngoài, như Thái Lan, Hà Lan, Australia…
Khách du lịch về biển Vĩnh Thái vui chơi trong dịp lễ 30-4 và 1-5. |
Họ đến để khám phá bãi biển hoang sơ, xinh đẹp, chưa có bàn tay con người can thiệp nhiều, đến vì yêu cái mặn mà, mộc mạc, chân chất của người dân quê biển nơi đây và thưởng thức những món hải sản tươi rói được chế biến thành những món ăn ngon mà giá cả thì cực rẻ. Điều mà thực khách nào cũng thích, đó là các loại hải sản, như: cá, mực, cua, ghẹ… đều do bà con ngư dân đánh bắt từ biển và đưa vào bờ tiêu thụ ngay trong ngày, không phải qua ướp đá, đông lạnh.
Bên cạnh, bãi tắm biển Vĩnh Thái đẹp, sạch và rộng, với độ thoải rất lớn, sóng biển lại… hiền, nên du khách đi tắm biển cũng rất an tâm… Hỏi chuyện làm du lịch, cái nghề mới với bà con ngư dân xã Vĩnh Thái, vợ chồng chị Nga, ở bãi biển thôn Thái Lai cười hiền, chân tình ví von cách làm ăn của mình như cách bà con tập… đi đều trong thời kỳ chiến tranh vậy!
Đó là khi bộ đội tập đi đều “một-hai, một-hai” cho bà con ở đây, do không nhớ được chân nào đưa lên trước, chân nào đưa lên sau, nên bà con nghĩ ra cách buộc sợi lạt vào một chân, chân còn lại bỏ trống. Rồi họ đi đều theo cách… “chân có lạt, chân không… có lạt”. Nhớ lại chuyện xưa, ai cũng mắc cười! Song chính nhờ vào cái sự mắc cười, mà rất chân thật ấy, khiến cho du khách khi đến Vĩnh Thái một lần, thì lần sau càng muốn đến nữa…