Người Pa Cô, Vân Kiều phấn khởi được giao làm chủ rừng
Ông Hồ Ai Bút, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tà Lền, xã Đakrông, huyện miền núi Đakrông, bày tỏ: “Khi được thông tin sẽ được làm chủ rừng, bà con rất phấn khởi. Chính quyền thành lập tổ bảo vệ rừng, bà con tích cực tham gia các cuộc họp, bầu tổ trưởng, tổ phó, thư ký… để công việc quản lý, bảo vệ rừng được thuận lợi, mang lại hiệu quả cao. Việc người dân tự quản lý, bảo vệ rừng, giữ rừng không bị chặt phá, xâm hại vừa có thêm thu nhập để nâng cao đời sống; đặc biệt được thụ hưởng môi trường sống trong lành và an toàn trước các mùa mưa bão, lũ quét”.
Còn ông Hồ Thanh, Chủ tịch UBND xã Đakrông, bộc bạch: “Người dân rất hài lòng khi được hưởng cơ chế, kinh phí rõ ràng, nên công tác bảo vệ rừng hiệu quả hơn. Bà con ý thức chấp hành bảo vệ rừng và phát triển rừng rất tốt”.
Người Pa Cô, Vân Kiều ở Hướng Hóa, Đakrông tuần tra bảo vệ rừng. |
Theo ông Đinh Tiên Hoàng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Đakrông, từ những khu vực rừng được giao cho cộng đồng dân cư, cũng như hộ gia đình cá nhân, đơn vị giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch quản lý rừng cộng đồng và kế hoạch sử dụng rừng của các gia đình. Bà con rất phấn khởi và thấy được vị thế vai trò trách nhiệm của mình được Nhà nước công nhận và được hỗ trợ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững. Qua đó, quyền lợi của người dân đã được đảm bảo hơn so với luật bảo vệ phát triển rừng trước đây…
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện địa phương có gần 100.000ha rừng được khoán cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư bảo vệ, trong đó diện tích khoán theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững năm 2018 là 40.251ha, với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng; khoán bảo vệ rừng từ Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh là 50.000ha, số còn lại từ các chương trình, dự án khác như 30a, BCC, JICA2...
Ngoài ra, đến nay Quảng Trị đã có 106 cộng đồng và 1.059 hộ gia đình được giao rừng tự nhiên, với diện tích lên đến 20.266ha, qua đó đã góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Hiện tại, cộng đồng dân cư, nhiều nhất là đồng bào các dân tộc Pa Cô, Vân Kiều tại các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông được hưởng lợi từ rừng một cách có hiệu quả.