Nhanh chóng tiếp sức doanh nghiệp và người lao động

07:06 27/06/2021
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) đang hoàn thiện dự thảo gói hỗ trợ an sinh lần thứ 2, để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Dự kiến, gói hỗ trợ lần này khoảng 27.000 tỷ đồng.


Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa yêu cầu Bộ LĐ-TBXH sớm hoàn thiện dự thảo gói hỗ trợ trên. Có thể nói, đây là lúc doanh nghiệp và người lao động đang rất cần sự hỗ trợ này. Tuy nhiên, để tránh lập lại những vướng mắc mà gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ trước đó vướng phải, cần phải có cách tiếp cận thế nào? Xung quanh câu chuyện này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Quang Thọ, chuyên gia lao động, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.                          

PV: Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã và đang gây ra những hệ lụy rất nghiêm trọng ở mọi mặt của đời sống xã hội. Vấn đề đáng quan ngại nhất vào lúc này theo ông là gì?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Điều đầu tiên cần nhắc đến là mất việc làm, không thì cũng phải giảm việc làm. Những người đang có việc làm trong 6 ngày/tuần thì giờ chỉ còn một nửa. Thậm chí có những đối tượng không còn được một nửa, phải thôi việc. Như chúng ta đã thấy số lượng người phải thôi việc, mất việc đến nay cũng đã rất nhiều. Điểm qua một vài con số để mọi người thất rõ, sự ảnh hưởng này nghiêm trọng như thế nào. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 1.203 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó 233 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, hơn 5.272 công nhân lao động mất việc làm. Ngoài ra, gần 43.000 công nhân lao động rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Còn ở các điểm dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh ít ngày trước hay TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… hiện nay thì câu chuyện còn căng thẳng hơn nhiều.

PGS.TS Vũ Quang Thọ, chuyên gia lao động, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn.

Các doanh nghiệp buộc phải chống đỡ bằng nhiều biện pháp; trong đó, có cả các biện pháp tinh giản lao động như cắt giảm, nghỉ luân phiên; tuyển dụng lao động thời vụ, lao động tạm thời để duy trì hoạt động. Bộ LĐ-TBXH dự báo, với tình hình dịch bệnh bùng phát hiện nay, sẽ có trên 30 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, khoảng 4 triệu lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất bị tác động trực diện, lao động làm việc trong tất cả các ngành, lĩnh vực đều bị tác động mạnh. Như thế có thể thấy, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 này đang tác động rất lớn đến sản xuất, đời sống của cả nước, có nguy cơ tác động đến việc làm, thu nhập, đời sống của hàng chục triệu công nhân lao động.

Trong bối cảnh hiện nay, có một vấn đề tôi cũng cần nhắc đến là một số doanh nghiệp nhân cơ hội này để sa thải lao động. Họ hy sinh đội ngũ lao động đã gắn bó nhiều năm để thuê lao động mới. Lao động mới vừa trẻ, vừa khỏe, lại dễ bảo và lương thì thấp hơn. Đây là vấn đề chúng ta phải chú ý.

PV: Với những tác động trên, Bộ LĐ-TBXH cho rằng, cần thêm chính sách để hỗ trợ lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh. Do đó, bộ này đề xuất gói hỗ trợ an sinh lần 2, với tổng trị giá trên 27.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, với những hệ lụy như hiện này, ông có cho rằng quy mô gói này có nhỏ so với những ảnh hưởng trầm trọng do dịch gây ra hiện nay?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Đúng là quy mô gói hỗ trợ lần này nhỏ hơn so với gói 62 nghìn tỷ lần trước. Chưa bằng một nửa gói 62 nghìn tỷ nên các đối tượng cũng tập trung hơn, không đại trà như gói trước được. Có nghĩa là tập trung vào những chỗ cần thiết để người lao động và doanh nghiệp cùng vượt qua được khó khăn.

PV: Ông cũng đã xem qua dự thảo các đối tượng được hỗ trợ trong gói này, tuy vậy có ý kiến rằng dường như vẫn có sự dàn trải so với quy mô của gói này?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tôi đã xem khá kỹ thông tin về gói hỗ trợ này. Cụ thể, Bộ LĐ-TBXH dự thảo sẽ miễn tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (các chế độ của lao động vẫn được đảm bảo), tổng tiền miễn trên 3.600 tỷ đồng. Tiếp tục cho doanh nghiệp tạm dừng đóng Quỹ hưu trí và tử tuất trong 6 tháng; tổng số tiền gia hạn đóng trên 11.300 tỷ đồng. Sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động để duy trì việc làm, tổng số tiền hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng.

Bộ LĐ-TBXH cũng đề xuất Nhà nước: Hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp 1,8 triệu đồng/người, tổng kinh phí khoảng 380 tỷ đồng; Hỗ trợ hộ kinh doanh phải tạm đóng cửa để phòng dịch theo yêu cầu của cơ quan chức năng mức 2 triệu đồng/hộ/tháng, tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng; Hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em phải cách ly y tế phòng dịch mức 80.000 đồng/trẻ em/ngày, tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng (từ ngân sách nhà nước và Quỹ bảo trợ trẻ em).

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng chia đều cho Bắc Giang và Bắc Ninh để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng và lực lượng phòng chống dịch. Cũng theo dự thảo nghị quyết trên, Ngân hàng Chính sách xã hội được đề nghị cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc (tổng kinh phí trên 2.400 tỷ đồng); cho vay trả lương trong thời gian phục hồi sản xuất (tổng kinh phí trên 5.000 tỷ đồng).

Phải nói thế này, người làm chính sách thì đương nhiên cũng muốn có sự bao phủ trên nhiều lĩnh vực. Vì trong bối cảnh hiện nay, rất khó để người làm chính sách chỉ nhằm đến một hai mục tiêu vì tất cả cùng đang khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, nhìn qua chúng ta có thể thấy chủ đạo là nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Mục tiêu chính vẫn là lo miếng cơm manh áo cho người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp là để bảo đảm việc làm cho người lao động

PV: Với quy mô gói hỗ trợ này có thể thấy ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, do đó không thể “mưa mát mặt” tất cả mọi người được. Theo ông, những đối tượng nào nên được ưu tiên hỗ trợ trước?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Quan điểm của tôi đối với người lao động là ưu tiên những lao động còn ít tuổi, hoàn cảnh khó khăn, lương thấp. Đương nhiên là ít tuổi, chưa có thâm niêm thì lương thấp. Đối tượng này cần phải chú ý đầu tiên, vì tuổi làm việc họ còn dài nên ưu tiên hỗ trợ, bởi mình còn sử dụng người ta lâu dài. Nói thế không phải là lao động có tuổi mình không ưu tiên hỗ trợ, vẫn hỗ trợ theo quy mô của gói hỗ trợ này và bằng cách chính sách khác nữa. Thứ hai là ưu tiên những người trong hoàn cảnh khó khăn, những người phải nuôi con nhỏ, nuôi mẹ già. Đây là những người lao động đang trong giai đoạn “ốm yếu”. Còn đối với các doanh nghiệp, cũng cần phải hỗ trợ thật nhanh, chỉ khi các doanh nghiệp đứng vững thì mới có việc làm cho người lao động

PV: Gói an sinh lần 1 gần 62.000 tỷ đồng chỉ giải ngân được hơn 22%. Điều kiện đặt ra với người lao động, doanh nghiệp quá phức tạp, khó triển khai trên thực tế. Các doanh nghiệp cũng gần như không tiếp cận được gói hỗ trợ này. Bài học ở đây theo ông là gì?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Những khó khăn của gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cần phải được tháo gỡ triệt để lần này. Kinh nghiệm chúng ta có rồi. Cả năm trời, doanh nghiệp kêu gì, người lao động kêu gì, chúng ta đã biết rõ hết những vướng mắc này. Các tiêu chuẩn quy định không nên để quá cầu kỳ, đòi hỏi cao nữa. Chẳng hạn những vấn đề doanh nghiệp kêu như: Điều kiện để doanh nghiệp được hưởng những gói hỗ trợ là những doanh nghiệp không có doanh thu, không có khả năng tài chính, thậm chí phải giảm ít nhất 50% số lao động đóng BHXH. Thế nhưng, quy định lại yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại do COVID-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ. Còn đối với các gói hỗ trợ về gia hạn, tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất, kinh phí công đoàn có quy định điều kiện để doanh nghiệp được hưởng là 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH của doanh nghiệp phải nghỉ việc hoặc thiệt hại 50% tổng số giá trị tài sản do dịch bệnh. Để chứng minh thiệt hại 50% là vô cùng phức tạp và mất thời gian...

Những quy định quá khắt khe, ngặt nghèo, cùng thủ tục đi kèm rất phức tạp, phiền hà khiến doanh nghiệp “ngán ngẩm”. Doanh nghiệp không tiếp cận được thì dẫn đến là người lao động mặc dù bị ngưng việc, bị chấm dứt  hợp đồng lao động nhưng trên thực tế không nhận được hỗ trợ này. Những vấn đề này phải được tháo gỡ triệt để. Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thì phải tạo điều kiện cho người ta nhanh chóng tiếp cận được nguồn lực để cứu vãn.

PV: Có ý kiến cho rằng, với gói an sinh xã hội mới, cần triển khai nhanh và thủ tục đơn giản, thậm chí chấp nhận một phần rủi ro có thể thực hiện sai với một số đối tượng. Điều quan trọng là tất cả người cần hỗ trợ đều nhận được hỗ trợ, nhầm vẫn hơn sót. Ông nghĩ thế nào?

PGS.TS Vũ Quang Thọ: Tôi cho rằng tư duy như thế là hoàn toàn đúng. Đây là tư duy vì người lao động, đang trong lúc người lao động khổ sở như thế này thì cần phải được hỗ trợ ngay. Tuy nhiên cũng nên có một chút thận trọng để tháo gỡ những khó khăn của Chính phủ khi “tiếp sức” cho người lao động và doanh nghiệp bằng gói 27 nghìn tỷ này. Không làm bừa phứa được, nhưng với những người khó khăn thật sự thì không nên đặt ra những điều kiện nọ, điều kiện kia. Ý kiến này chính xác là hỗ trợ cho người lao động theo cách ông bà ta hay nói là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Chúng ta phải biết được rằng, trong lúc khó khăn này người lao động đang cần tiền để vượt qua. Doanh nghiệp cũng thế, trong lúc này cần tiền để duy trì hoạt động sản xuất, trả lương cho người lao động. Nếu đặt ra những điều kiện quá khó, họ không tiếp cận được ngay. Đến lúc họ đạt được các điều kiện rồi thì có khi họ lại không cần vay nữa.

Việc chấp nhận làm nhanh, thủ tục đơn giản, chấp nhận có thể sai với một số người khác hoàn toàn với trục lợi chính sách. Chúng ta phải phân biệt rõ việc này. Đối với các trường hợp trục lợi chính sách, khâu hậu kiểm sẽ rà soát ra ngay và các trường hợp này chắc chắn phải bị xử lý nghiêm.

Xin cám ơn ông!
Phan Hoạt (thực hiện)

Xu hướng tiêu dùng thay đổi, thay vì thuê cửa hàng truyền thống với chi phí cao, nhiều doanh nghiệp, người kinh doanh thu hẹp và đóng cửa nhiều cửa hàng và chuyển dần sang bán hàng online qua các kênh, nền tảng thương mại điện tử, nhất là trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Châu Âu đang đối mặt với những thách thức kinh tế và địa chính trị nghiêm trọng có thể làm xói mòn nền tảng thịnh vượng đã xây dựng suốt hàng thập niên qua. Sự trở lại của ông Donald Trump, cùng với căng thẳng thương mại gia tăng và sự suy thoái trong đổi mới, đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đối diện với bài toán sống còn.

Đội tuyển Việt Nam đang chuẩn bị cho trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024. Lúc này cái tên Nguyễn Xuân Son được quan tâm nhiều hơn cả. Nhưng nên nhớ rằng, đội tuyển là một tập thể vẫn còn nhiều nhân tố quan trọng.

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文