26 nhà máy nhiệt điện mỗi năm thải ra môi trường 16,4 triệu tấn "rác"
- Quyết tâm đưa Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sớm về đích
- Bài toán chất thải nhiệt điện than đã có lời giải
- Tổ máy thứ 2 nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 hòa lưới thành công
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến nay, cả nước có 26 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất khoảng 13.810 MW, tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 16,4 triệu tấn/năm.
Dự kiến tới năm 2020, sẽ có thêm 15 dự án nhiệt điện than được đưa vào hoạt động (hiện đang trong quá trình xây dựng), đưa tổng công suất lắp đặt lên 24.370 MW và tiêu thụ khoảng 60 triệu tấn than/năm.
Hiện các quốc gia phát triển trên thế giới đều khuyến khích tái sử dụng tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn dùng trong vật liệu xây dựng, làm phụ gia trong sản xuất xi măng cũng như vật liệu xây dựng không nung... Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn lượng xỉ than không đáp ứng được yêu cầu này.
Nhiệt điện than vẫn được ưu tiên phát triển (Ảnh minh họa). |
Hầu hết các nhà máy chưa có biện pháp tái sử dụng tro xỉ một cách triệt để, chủ yếu đổ ra bãi thải như: Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn (Thái Nguyên), Nhà máy Nhiệt điện Na Dương (Lạng Sơn), Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại I, II (Hải Dương), Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh), Nhá máy Nhiệt điện Cẩm Phả (Quảng Ninh), Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng (Hải Phòng)... Duy nhất trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Formosa (Đồng Nai) không có bãi chứa xỉ thải. Tro xỉ của nhà máy này được thu hồi và đóng bao, giao cho Công ty Mê Kông là đơn vị bao tiêu.
Ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, nhiệt điện than hiện cung cấp khoảng 35% tổng sản lượng điện và có chiều hướng tăng nhanh trong giai đoạn tới. Theo quy hoạch điện VII, nhiệt điện sẽ chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất vào năm 2030.
Trong thời gian qua, mặc dù các nhà máy nhiệt điện đã cải thiện công nghệ để đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường song vẫn phải đối mặt với 3 vấn đề chính là khí thải, tro bụi và chất thải rắn. Nhiều nhà máy đã có thiết bị lọc bụi tĩnh điện nhưng vẫn phát sinh lượng khói bụi lớn, gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Các bãi xỉ thải cũng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt.
Bà Nguỵ Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, các nhà máy nhiệt điện than cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Mặc dù quy mô dân số, số lượng phương tiện giao thông ít hơn song mức độ ô nhiễm không khí của Thủ đô lại cao gấp đôi TP Hồ Chí Minh.
Chỉ trong năm 2016, Hà Nội đã có 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Các chỉ số bụi PM10 và PM2,5 đều vượt ngưỡng trung bình năm.Theo bà Khanh, nhiệt điện than là nguồn phát thải lớn bụi cũng như các loại khí độc hại như SO2, NOx, CO2… Ngay cả các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại cũng cũng chỉ giảm thiểu được từ 10-20% lượng phát thải.
"Thủ đô Hà Nội bị bủa vây bởi khoảng 20 nhà máy nhiệt điện than ở phía Bắc. Phần lớn các nhà máy này mới chỉ có thiết bị xử lí bụi, một số có khả năng xử lí SO2, chưa có nhà máy nào có thiết bị xử lí Nox. Vào mùa đông, theo gió mùa đông bắc, bụi từ phía Bắc có thể di chuyển xuống Thủ đô làm gia tăng nồng độ ô nhiễm. Dù các nhà máy nhiệt điện cách xa Hà Nội song bụi mịn PM2,5 có khả năng phát tán rất xa” – bà Khanh nói.
Để tránh những tác động xấu tới môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện phải chủ động tìm kiếm các giải pháp trong xử lý tro xỉ và tiêu thụ vật liệu xây dựng có sử dụng tro xỉ, thạch cao. Những dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chủ dự án phải có phương án tiêu thụ, xử lý tro xỉ, giảm diện tích bãi xỉ thải.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương rà soát Quy hoạch tổng sơ đồ điện VII để có kế hoạch và lộ trình đóng cửa các nhà máy nhiệt điện hoạt động kém hiệu quả, công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh chất thải lớn ra môi trường, đồng thời không bổ sung các dự án mới vào quy hoạch, thay vào đó sẽ phát triển năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường.