Nhiều cơ chế ưu đãi, sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún
- Ngành nông nghiệp được giao chỉ tiêu tăng trưởng tối thiểu 3% trong năm nay
- Ngăn chặn việc “núp bóng” dự án nông nghiệp, chở cát đi bán
- Lão nông tái chế rác thải nông nghiệp thành phân hữu cơ1
Tại hội thảo, các chuyên gia đều nhận định, nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa để giải bài toán về chất lượng nông sản. Tuy nhiên, dù được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế và vốn. Nhưng đến thời điểm này, việc đưa công nghệ vào nông nghiệp còn quá chậm trễ.
Được xác định là mũi nhọn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tháng 12-2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định Chương trình quốc gia ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều mục tiêu.
Tiếp đó, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ lại phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu chuyển sản xuất từ lượng sang chất. Tuy vậy đến nay, tỷ lệ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn quá thấp. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 3, mới có 15 dự án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đang được Nhà nước hỗ trợ với tổng số vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 156,3 tỷ đồng/284,6 tỷ đồng.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng tỷ lệ còn quá ít. |
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã thẩm định và công nhận 25 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong số này có 11 doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống cây trồng vật nuôi, 14 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành có liên quan đã có nhiều chủ trương, cơ chế chính sách cụ thể để triển khai thực hiện Đề án nói chung, khuyến khích tái ứng dụng công nghệ cao nói riêng.
Hưởng ứng chủ trương trên, nhiều địa phương đã có những giải pháp cụ thể, nhiều doanh nghiệp hưởng ứng tích cực như tỉnh Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai đã thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao hoạt động trên thực tế. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn để ứng dụng công nghệ cao như TH true milk, Vincom. Việt Úc, CP… Nhiều hộ gia đình nông dân cũng đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao trên quy mô nhỏ để trồng rau, hoa, dưa, bưởi…
Tuy nhiên, theo ông Phát, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn chậm, đến nay mới có Lâm Đồng ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, một số tỉnh, thành khác như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai dù đã thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao nhưng cũng mới manh nha, chưa phát triển.
Bên cạnh đó, hiện cả nước mới có 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ thành lập gồm Hậu Giang, Phú Yên và Bạc Liêu. Nhưng hiện 2 khu ở Hậu Giang và Phú Yên mới trong giai đoạn đầu của việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật; 3 dịa phương xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gửi Bộ NN&PTNT để xem xét thẩm định. Hiện bộ này đang lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Đại diện tỉnh Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì ngành nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều hạn chế và đặt ra nhiều thách thức. Đó là, khả năng hội nhập quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng, thậm chí còn lúng túng, sức cạnh tranh yếu và thích ứng thị trường còn hạn chế.
Ông Phạm S bày tỏ qua nđiểm: “Theo lẽ thường, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do là cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, tuy nhiên thực tế tỷ lệ nông sản sản xuất thô còn chiếm tỷ lệ cao, chất lượng thấp, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng khiến mất đi tính cạnh tranh. Bởi vậy, Việt Nam không những mất đi lợi thế thị trường xuất khẩu mà còn trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước. Ngoài ra, tỷ lệ ứng dụng cơ giới, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp quá thấp, quy mô diện tích sản xuất manh mún, năng suất thấp khiến giá thành nông sản cao, khó cạnh tranh”.
Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương phải vào cuộc, chỉ đạo sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Việt Nam và thế giới, đảm bảo chất lượng nông sản đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các nước tiên tiến. Ông Phạm S đánh giá, thị trường nông sản toàn cầu không thể chấp nhận nông nghiệp Việt Nam sản xuất khối lượng nông sản lớn mà chất lượng nông sản không cao, mức độ an toàn thực phẩm thấp.
Thực tế cho thấy, những năm qua, từ Trung ương đến địa phương có rất nhiều quy hoạch về nông nghiệp song chất lượng quy hoạch còn thấp, vì vậy nhiều quy hoạch đã bị vỡ sau 2-3 năm. Thêm vào đó, quy hoạch dài hạn của ngành nông nghiệp chưa có, công tác dự báo thị trường nông sản thế giới còn kém, thiếu các ngành công nghiệp chế biến phụ trợ.
Tại hội thảo, phần lớn ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, chìa khóa để giải cho thực trạng sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, chất lượng nông sản thấp là ứng dụng công nghệ, tăng tỷ lệ cơ giới hóa.