Nhức nhối thị trường gas giả
Theo các doanh nghiệp kinh doanh gas, họ chỉ công bố giá xuất xưởng chứ không quản lý được giá bán đến tay người tiêu dùng. Sự bỏ ngỏ quản lý, giám sát đối với hệ thống phân phối gas là một trong những nguyên nhân làm rối loạn thị trường.
Khi giá gas biến động, biên độ tăng, giảm càng lớn thì thị trường càng hỗn loạn, DN càng thiệt hại nặng về kinh tế. Như giá gas tăng, DN bị khách hàng đầu cơ gom hàng giá rẻ để sau đó bán với giá mới cao hơn; giá gas giảm, DN không bán được hàng, buộc phải bán với giá mới thấp hơn.
Ông Phạm Quang Nhâm, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tân Thái Dương (thị trấn Phước Bình, huyện Phước Long), nhà phân phối chính thức Efl gas Sài Gòn, VT Gas, An pha Gia Đình, Sài Gòn Petro… ở địa bàn Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh, Bù Đốp cho biết: "Tình trạng gas giả, gas không rõ nguồn gốc tràn lan khiến cho việc kinh doanh, phân phối của doanh nghiệp rất khó khăn bởi không thể cạnh tranh được giá cả với các loại gas này. Nếu như năm 2008 mỗi tháng doanh nghiệp cung cấp ra thị trường khoảng 180 tấn gas các loại thì những tháng đầu năm 2009, mỗi tháng doanh nghiệp cung cấp ra thị trường chỉ còn khoảng 120 tấn, trong khi đó, nhu cầu của người dân lại nhiều hơn".
Các sản phẩm Gas tại Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tân Thái Dương (thị trấn Phước Bình, huyện Phước Long).
Có thể nói, vì lợi ích sát sườn, các hãng gas chỉ quan tâm đến nhà phân phối mà ít để ý đến lợi ích của người tiêu dùng, còn người tiêu dùng cũng chỉ quan tâm đến hệ thống phân phối để làm sao mua được gas với mức giá thấp nhất.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự không quản lý được các trạm chiết và cửa hàng kinh doanh gas giả nhãn hiệu của các công ty kinh doanh gas lớn. Nhiều trạm chiết gas lậu đã chiết gas vào vỏ bình của các công ty có thương hiệu, sử dụng niêm phong giả để đánh lừa khách hàng.
Qua khảo sát tại thị trường, các sản phẩm Công ty Efl Gas Sài Gòn bị chiếm dụng và làm giả nhiều nhất, bởi giá loại gas này cao hơn các loại gas khác và đây là một thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng sang chiết gas lậu chiếm dụng bình của Efl gas Sài Gòn sang chiết gas khác vào bán với giá thấp hơn giá chính hãng khoảng 25.000-30.000 đồng/bình.
Dạo một vòng quanh các đại lý kinh doanh gas ở huyện Phước Long, hầu hết các đại lý đều kinh doanh gas giả và bày bán một cách công khai. Ông Nguyễn Văn P., chủ cửa hàng kinh doanh gas trên đường ĐT749, thị trấn Phước Bình, huyện Phước Long, cho rằng kinh doanh loại gas này lợi nhuận cao hơn, bán chạy hơn vì giá rất cạnh tranh. Tuy nhiên, vẫn có một số ít đại lý cương quyết không kinh doanh loại gas này.
Ông Trần Quang An, chủ đại lý cửa hàng Như Ý, xã Đức Hạnh, Phước Long cho biết: "Thời gian qua, nhiều nhà phân phối gas đến đặt vấn đề tiêu thụ gas không rõ nguồn gốc nhưng chúng tôi từ chối. Thà lợi nhuận thấp nhưng an toàn cho người tiêu dùng thì chúng tôi kinh doanh chứ kinh doanh các mặt hàng gas giả chẳng chóng thì chày cũng sẽ bị lộ".
Theo ông Hồ Hữu Tường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hồng Hạnh, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, một doanh nghiệp hơn 15 năm kinh doanh các sản phẩm, phụ kiện về gas, có rất nhiều thủ thuật để sản xuất ra gas giả, gas không rõ nguồn gốc song thông thường nhất là mua các loại gas kém chất lượng sang chiết vào vỏ bình gas có thương hiệu; hoặc mua các bình gas lớn của các hãng gas giá rẻ hơn sau đó sang vào bình gas của hãng giá cao.
Bởi tại thị trường hiện nay mức chênh lệch giá của các loại gas lên đến 40.000 đồng/bình. Tuy nhiên, thật ra không khó lắm để phân biệt đâu là gas thật, đâu là gas giả, vấn đề là ở chỗ người tiêu dùng chỉ quan tâm đến giá cả mà chưa thực sự quan tâm đến chất lượng của gas.
Thông thường các bình gas giả thiếu trọng lượng từ 1 - 2kg. Một trạm chiết gas trái phép có thể chiết 100 tấn/tháng, mỗi bình gas thiếu 1kg thì lợi nhuận bất chính đã lên đến xấp xỉ 100 triệu đồng. Ngoài ra, chưa kể đến việc trốn thuế và chiếm đoạt thuế VAT. Vì giá bán gas hiện nay đã bao gồm thuế VAT mà người tiêu dùng đã nộp, khi sang chiết gas trái phép, không có chứng từ hoá đơn thì số thuế này đã bị chiếm dụng.
Theo tính toán, với khoảng 20% trong số 6 triệu bình gas hiện nay đang trôi nổi trên thị trường, bị chiếm dụng sang chiết trái phép thì mỗi năm Nhà nước đã thất thu thuế VAT hơn 80 tỷ đồng. Chưa kể đến những thiệt hại to lớn về người và tài sản do cháy nổ bởi nạn gas giả, gas không an toàn gây ra