Những người thu gom sổ đỏ, họ là ai?

16:00 17/07/2009
Việc một số doanh nghiệp (DN) tư nhân, cá nhân đứng ra thu gom sổ đỏ để chạy dự án hỗ trợ nguồn vốn trồng rừng đã lan ra nhiều tỉnh... Đó là thực trạng nguy hiểm đang xảy ra tại nhiều địa phương. Vậy những người thu gom sổ đỏ là ai?

Tại Nghệ An, điều trớ trêu nhất là, người dân nhẹ dạ đã đành, nhưng ngay cả DN nhà nước cũng hết sức cả tin vào lời hứa về một nguồn vốn vay dành cho những dự án "phát quang rừng" mập mờ. Còn ở tỉnh Điện Biên, với lời hứa hẹn chậm nhất là sau 3 tháng nộp sổ đỏ, người dân sẽ được vay vốn. Nhưng sau gần một năm, gần 1.400 hộ dân (chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số) vẫn chưa được nhận một đồng vốn nào, và trong lúc sổ đỏ cũng không biết nằm ở đâu...

Cả tin nên bị lừa

Ngay từ tháng 4, qua công tác nắm tình hình, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV (PC15) Công an tỉnh Nghệ An đã có công văn gửi Công an các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong để cảnh báo hiện tượng, một số công ty môi giới tiến hành huy động Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.

Người của các công ty môi giới thường không trực tiếp lộ diện, chỉ nhờ một số người cư trú ngay tại địa phương, hứa hẹn thưởng phần trăm để họ đi thu gom bản sao công chứng sổ đỏ. Dấn thêm một bước, họ yêu cầu chủ sở hữu sổ đỏ  viết giấy ủy quyền cho giám đốc công ty được toàn quyền sử dụng "bìa đỏ" này làm căn cứ thế chấp xin vốn hỗ trợ phát triển rừng. Bước cuối cùng, họ đòi người đứng tên "sổ đỏ" phải nộp bản chính để đem ra Hà Nội đối chiếu.

Ngày 16/7, trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Bùi Công Tâm, cán bộ Phòng PC15 Nghệ An cho biết: Đã có 3 DN nhà nước "nhẹ dạ" mang sổ đỏ giao nộp cho công ty môi giới. Đó là, Công ty Lâm nghiệp Tương Dương, Công ty Lâm nghiệp Con Cuông và Công ty Lâm nghiệp Đô Lương.

Các công ty trên đã nộp sổ đỏ cho ông Phạm Xuân Mừng - Giám đốc Công ty đầu tư Việt Nhật, có địa chỉ đăng ký tại 244 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội. Tổng diện tích theo số sổ đỏ của 3 công ty này lên tới gần 18.300 ha; trong đó Công ty Đô Lương có 4 sổ, diện tích 734,4 ha; Công ty Tương Dương có 4 sổ, diện tích 9.094,26ha và Công ty Con Cuông có 3 sổ, diện tích 8.449,4ha.

Một bộ hồ sơ vay vốn do Công ty Quý Nhân ký kết với người dân xã Đồng Thành.

Theo như lời hứa của các DN thu gom sổ, với diện tích đất như trên, mỗi Công ty lâm nghiệp dễ dàng có được hàng chục tỷ đồng! Để ngăn chặn hiện tượng lừa đảo này, cán bộ Phòng PC 15 Công an tỉnh Nghệ An đã trao đổi để các DN trên đòi lại sổ đỏ. Điều may mắn là cả 3 DN trên đều đã đòi lại được bản gốc sổ đỏ của mình.

Theo Trung tá Bùi Công Tâm, nhiều địa bàn dân cư, người dân lỡ nộp sổ đỏ và hiện đang phấp phỏng lo lắng vì không biết, tấm bìa chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp tài sản của mình đang trôi nổi ở đâu. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển lâm nghiệp Quý Nhân (có văn phòng tại 17 ngõ 27 Lê Lợi, TP Vinh) do ông Nguyễn Việt Huy làm đại diện pháp luật đã thu gom một số "bìa đỏ" của các hộ dân tại xã Hùng Thành, Phúc Thành, Đồng Thành (Huyện Yên Thành) đến nay chưa trả. UBND huyện Yên Thành liên tục yêu cầu UBND 3 xã trên tìm ông Huy để đòi nhưng sau nhiều tháng vẫn chưa thấy tín hiệu gì về số phận của những cuốn sổ này.

Công ty TNHH Phú Tài (ở khối 2, phường Trường Thi, TP Vinh) do bà Nguyễn Thị Thủy làm giám đốc đã ra tận Thanh Hóa thu gom sổ đỏ. Tại Nghệ An, Công ty TNHH Tiến Khầm cũng đã giao cho Công ty Phú Tài số sổ đỏ có tổng diện tích 17.000 ha. Trao đổi với chúng tôi vào ngày 16/7, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Khầm cho biết: Ông mang sổ đỏ ra Hà Nội nộp vào ngày 21/4 (ngày đầu tiên vụ việc thu gom sổ đỏ được phát hiện với sự cảnh báo của Báo CAND), nhưng chưa kịp nộp thì Công an phường Liễu Giai tiến hành kiểm tra hành chính đột xuất, do phát hiện tụ tập đông người. Thấy lộn xộn, ông đã mang sổ gốc về.

Ngày 14/7, ông Khầm đã trao đổi bằng điện thoại với bà Nguyễn Thị Thủy về việc lấy lại bản sao công chứng sổ đỏ, nhưng bà Thủy cho biết "đang đi lo tiền cho các tỉnh phía Nam, Nghệ An một tháng nữa sẽ giải quyết". Công ty TNHH Tiền Phong (ở Nghĩa Đàn) có bìa đỏ tổng diện tích 22.000 ha đã giao nộp cho Công ty cổ phần Bác Âu (Quận Ba Đình - Hà Nội) đến nay cũng chưa lấy về được.

Tại Điện Biên, cũng với thủ đoạn tương tự, Công ty TNHH Vân Ngoan tiến hành thu gom sổ đỏ tại địa bàn xã Luân Giói, Điện Biên Đông là một ví dụ điển hình. Đầu tháng 6/2009, anh Nguyễn Văn Phúc (SN 1978) trú tại bản Mường Luân 1, xã Mường Luân nhận được điện thoại của một người tự xưng là Lê Hùng Cường, đại diện Công ty Vân Ngoan ở thành phố Điện Biên Phủ. Người này cho biết, thời gian tới Nhà nước có dự án hỗ trợ tiền cho các hộ dân khoanh nuôi, phát quang và bảo vệ rừng, nếu anh Phúc đứng ra giúp công ty làm các thủ tục thu gom sổ đỏ sẽ được trả những khoản "hoa hồng hậu hĩnh". Chỉ bằng một cuộc điện thoại đơn giản đó, Nguyễn Văn Phúc trở thành "nhân viên" của Công ty TNHH Vân Ngoan, đứng ra vận động, thu gom được 186 bộ hồ sơ sổ đỏ của các hộ dân gửi cho Công ty trên.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Điện Biên, đến thời điểm này (7/2009), có 1.379 hộ gia đình ở 3 huyện đã hoàn tất thủ tục và giao nộp hồ sơ vay vốn dự án về cho các công ty. Nhiều nhất là huyện Tuần Giáo, hai doanh nghiệp Công ty TNHH Vân Ngoan (Tuyên Quang) và Công ty tư nhân Hà Khoa (Tuần Giáo) đứng ra thu gom sổ đỏ (bản photocopy công chứng) và các giấy tờ liên quan của 1.054 hộ. Đây chỉ là những thông tin ban đầu, số địa phương và nạn nhân có thể còn nhiều nhưng chưa được phát hiện.

Cán bộ cơ sở bị lừa hay tiếp tay?

Mặc dù việc thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp diễn ra một thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hầu như không có động thái gì để định hướng hay cảnh báo người dân. Thậm chí, chính quyền một số xã, thị trấn ở Điện Biên cũng loá mắt trước cái "bánh vẽ" mà các doanh nghiệp đưa ra; bằng việc “vô tư” xác nhận giấy uỷ quyền, công chứng sổ đỏ, vô hình trung chính quyền cơ sở đã tiếp tay cho doanh nghiệp thu gom sổ đỏ của dân.

Tiếp xúc với PV Báo CAND, ông Nguyễn Tiến Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Nghệ An tỏ ý băn khoăn: "Không lý giải nổi tại sao chính các DN nhà nước mà lại cũng cả tin đến thế". Ông Nguyễn Tiến Lâm cho hay, sau khi nghe phong thanh hiện tượng trên vào khoảng tháng 4 năm nay, ông đã trao đổi với lãnh đạo các DN trực thuộc. "Tôi gọi điện đến các Ban Quản lý, anh em bảo đang ở Hà Nội. Hỏi ở đấy làm gì, thì bảo đi làm thủ tục vay tiền. Họ bảo, có "ai đó" ở Bộ Kế hoạch & Đầu tư biết có dự án, phải "đón" trước. Có vị còn trấn an: Anh yên tâm. Rồi em mang tiền về cho anh xem. Hồ sơ của em đến cổng Bộ KH&ĐT rồi. Ký đến nơi rồi...".

Khi ông Lâm tỏ ý ngờ vực về sự vô lý của các dự án trên, có người còn khẳng định: "Ở Yên Bái, Cao Bằng có dự án kiểu này. Người ta nhận được tiền rồi". Muốn kiểm chứng thông tin, ông Nguyễn Tiến Lâm điện thoại trao đổi với Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Yên Bái, thì vỡ lẽ, ở đó cũng đang dấy lên dư luận: "Nghệ An đã nhận được tiền dự án rồi”!

Tâm lý "chạy dự án" đã khiến các DN nhà nước cùng lâm vào cảnh ngộ trớ trêu. Ai cũng muốn mình sẽ là người đến trước, nhanh chân giành được dự án nên đều âm thầm mang sổ đỏ ra Hà Nội nộp mà không hề tiết lộ với ai. Đến ngày N, cả mấy vị lãnh đạo DN cùng "tình cờ" chạm mặt nhau ở khách sạn Kim Liên. Lúc này, bí mật mới được bật mí: Thì ra tất cả đều mang sổ đỏ ra đối chiếu để chuẩn bị nhận tiền "dự án". 

Trao đổi với PV Báo CAND sáng 16/7, Thượng tá Lê Công Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: Với quan điểm không để người dân thêm một lần bị lừa đảo, Công an tỉnh Điện Biên đang chỉ đạo khẩn trương điều tra xác minh, làm rõ động cơ của các doanh nghiệp. Trước mắt, đề nghị các địa phương có biện pháp ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp thu gom sổ đỏ; bên cạnh đó cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng.

Điểm danh những công ty, cá nhân
thu gom sổ đỏ trái phép:

- Công ty TNHH 1 thành viên Rừng Xanh, địa chỉ thôn Rừng Dong (Đồng Tân, Hữu Lũng), Lạng Sơn đã thu gom 100 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản photo) của người dân ở địa bàn huyện Hữu Lũng với mục đích vay vốn thực hiện dự án trồng rừng. Giám đốc công ty là Nguyễn Thị Hường cũng không biết thu gom để thực hiện chương trình dự án nào, nhưng đã tuyên truyền với người dân sẽ được vay hỗ trợ trồng rừng với số tiền 100 triệu đồng/ha.

- Công ty TNHH Hưng Hà, địa chỉ số 7/7 phố Thân Thừa Quý, phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn, Giám đốc là Trần Thị Thủy, không có dự án đầu tư hợp pháp nhưng đã có hoạt động thu gom giấy CNQSDĐ tại địa bàn 4 huyện trong tỉnh, tổng số đã thu gom được 3.461 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản photo có công chứng).

- Phạm Thị Lợi, trú tại thị trấn Hữu Lũng, Lạng Sơn cùng 2 đối tượng khác đã thu gom tại địa bàn huyện Hữu Lũng được 69 giấy CNQSDĐ (bản photo có công chứng); thu gom tại địa bàn huyện Văn Quan được 360 giấy CNQSDĐ (bản photo có công chứng). Toàn bộ số giấy tờ trên Lợi đã giao cho một đối tượng tự xưng là Vi Xuân Thơm, công tác tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang và một đối tượng tên là Nam không rõ họ tên địa chỉ.

- Công ty cổ phần phát triển kinh tế - xã hội VACVINA, địa chỉ đường Xương Giang, TP Bắc Giang đã cử Đặng Hồng Phấn, SN 1957, trú tại xóm Dốc Mới 1 (Sơn Hà, Hữu Lũng), Phó Giám đốc công ty, cùng với Phạm Quang Hưng, SN 1980, trú tại xóm Ba Nàng (Cai Kinh, Hữu Lũng) thu gom trên 100 giấy CNQSDĐ (bản gốc), đã giao cho Công ty cổ phần Phát triển kinh tế - xã hội VACVINA quản lý với mục đích thực hiện dự án trồng cây trầm hương trên địa bàn huyện Hữu Lũng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số giấy CNQSDĐ này vẫn chưa trả lại cho các hộ dân.

- Lý Thị Chiều, 32 tuổi, trú tại đường Trần Quang Khải (Chi Lăng, Lạng Sơn) đã vận động cán bộ chính quyền xã Minh Khai và xã Hưng Đạo của huyện Bình Gia mang 573 giấy CNQSDĐ (bản gốc) của người dân giao cho chị ta. Sau đó, toàn bộ số sổ đỏ này Chiều giao cho Thào Thị Phương, tự xưng là Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đại Lâm, địa chỉ ở thôn An Tiến (Hùng An, Bắc Quang, Hà Giang); sau đó công ty này bàn giao cho Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và Sản xuất kim khí, địa chỉ tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

- Công ty TNHH Hưng Đức, có trụ sở tại Tân Dĩnh, thành phố Lạng Giang (Bắc Giang), Giám đốc là Giáp Thị Thấy có 139 hộ dân thuộc huyện Điện Biên đã làm thủ tục, kèm theo giấy giao nhận và giấy uỷ quyền nộp cho Công ty TNHH Hưng Đức.

- Công ty cổ phần Bác Âu (Quận Ba Đình, Hà Nội).

- Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quý Nhân (17 ngõ 27 Lê Lợi, thành phố Vinh, Nghệ An).

- Công ty đầu tư Việt Nhật, Giám đốc là Phạm Xuân Mừng, (địa chỉ 244 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội)...

Nhóm PVNV

Hà-Sen-Hân

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

Sáng 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân vẫn tiếp tục rời Hà Nội đi du lịch và về quê qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô khiến mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng cao, ùn tắc kéo dài đã xảy ra trước trạm thu phí.

Từ nhiều năm qua, hơn 60 hộ gia đình nông dân ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bức xúc vì con đường đi ra đồng đất Khu A hình thành lâu đời bỗng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân, cất nhà trên đó; để rồi bà con không có lối đi để sản xuất, vận chuyển nông sản.

Sáng 27/4, 2 đám cháy rừng tại khoảnh 8 và khoảnh 9, Tiểu khu 18B thuộc lâm phần rừng Phòng hộ núi Dài (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) và tại khu vực Kẹt Càng Đước trên núi Cô Tô (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cơ bản đã được kiểm soát, khống chế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文